Cảnh báo chứng tâm thần tăng mạnh ở trẻ em

07:00 | 13/12/2012

2,602 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong khi ngành y tế đang nỗ lực nâng cao từng bước sức khỏe thể chất cho trẻ em thì sức khỏe về tinh thần của trẻ em Việt Nam lại lâm vào tình trạng báo động. Nhiều chứng bệnh về tâm thần đang tăng mạnh, đặc biệt nguy hiểm là hiện tượng tự tử trong độ tuổi trẻ em.

Từ các chỉ số về chiều cao, cân nặng, tỷ lệ tử vong cho thấy, sức khỏe trẻ em Việt Nam về thể chất đang có chiều hướng tốt hơn trước kia. Nhưng một số chuyên gia và các tổ chức y tế nước ngoài (Pháp, Đức) lại đưa ra các cảnh báo sự phát triển lệch lạc trong tinh thần của trẻ.

Đứa trẻ hiện nay gặp quá nhiều áp lực và căng thẳng như áp lực học tập, kỳ vọng của cha mẹ, sự đào thải mạnh mẽ của xã hội… Trong khi đó, trẻ em ngày nay cũng thiếu sự quan tâm định hướng của các bậc cha mẹ do mải mê kiếm sống, thưởng thụ. Nhiều trẻ phải học một ngày 3 ca, làm bài tập đến 12 giờ đêm, 1 giờ sáng mà không có thời gian chơi, giải trí.

Đứa trẻ mất đi sự ngây thơ vì chúng không có thời gian để nhìn ra quanh mình bằng ánh mắt thực của chúng mà chỉ nhận biết thế giới bằng sách vở, truyền hình, game… Có thể thấy rằng về mặt tinh thần, đứa trẻ hiện nay chịu đựng còn lớn hơn cả người trưởng thành.

Trẻ em cần được vui chơi để có một tinh thần khỏe mạnh

 

Thể chất của người Việt đang tăng lên, mức tăng này không đồng đều giữa các khu vực như thành thị và nông thôn, lứa tuổi.

Cũng có sự mất cân đối thể hiện như trẻ béo phì ở thành phố tăng lên nhưng vẫn còn nhiều khu vực nông thôn còn nhiều trẻ suy dinh dưỡng. Tỷ lệ dinh dưỡng thừa cao không chứng tỏ sức khỏe tốt. Hiện nay, người ta đánh giá phát triển sức khỏe bằng sự phát triển chiều cao của trẻ chứ yếu tố cân nặng không có khả năng quyết định.

Thời gian qua, so sánh với các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc thì sức khỏe trẻ em Việt Nam chỉ phát triển bằng 1/5. Chiều cao trung bình của trẻ em Việt Nam trong 20 năm qua chỉ tăng từ 1,5 đến 2 cm trong khi Nhật Bản và Trung Quốc là từ 8 đến 10 cm.

Sự quan tâm và giáo dục của cha mẹ, gia đình giúp trẻ phát triển đầy đủ cả thể chất và tâm thần.

Sự bùng nổ thông tin đa chiều của mạng internet đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý giới trẻ. Trong khi đó, khả năng kiểm soát của con người ngày càng kém bởi sự xuống cấp của giáo dục truyền thống, sự coi nhẹ trong việc đánh giá, nhìn nhận về tội ác, bạo lực. Tội phạm gia tăng ở độ tuổi thanh thiếu niên là một vấn nạn có xuất phát điểm từ cách nhìn nhận của xã hội và sự phát triển không đồng đều của con người giữa thể chất và tinh thần.

Mở rộng ra chúng ta có thể nhìn thấy hiện tượng phạm tội đang gia tăng với biên độ ngày càng rộng hơn. Điều này có thể thấy qua độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hơn và cả lớn tuổi hơn. Biên độ phạm tội lùi xuống độ tuổi của trẻ em là 7-8 tuổi, và mở rộng đến các ông bà già 70 tuổi. Cách đây 20 năm, không hề có trẻ em độ tuổi hơn 11, 12 phạm tội.

Tội phạm tuổi teen đang ở mức báo động

Đề cập đến vấn đề sức khỏe trẻ em, Tiến sĩ Trần Thanh Tú, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu sức khỏe trẻ em Việt Nam nhấn mạnh: “Cần báo động về tình trạng sức khỏe trẻ em Việt Nam hiện đại là sức khỏe về tâm thần dẫn đến những hành động cực đoan. Đây là bệnh lý xuất hiện tại các nước mới phát triển và bắt đầu có sự manh nha tại Việt Nam: hiện tượng tự tử trong độ tuổi trẻ em.

Nếu không tìm ra hướng giải quyết, giảm áp lực cho trẻ em như giảm tải học tập, tạo thêm nhiều môi trường cho trẻ được giải trí lành mạnh, vận động, thể thao… chắc chắn trẻ tự tử hàng loạt sẽ xuất hiện tại Việt Nam”

 

Thành Công

 

Cách đây hơn 10 năm,  một nghiên cứu về các trẻ tự tử thực hiện tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho thấy tỉ lệ trẻ em nữ tự tử nhiều hơn trẻ em nam (60%) và phần lớn trẻ tự tử sống với cha mẹ (gần 88%).

Tại Hà Nội, kết quả khảo sát trên hơn 5.000 người dân và hơn 500 bệnh nhân tự tử đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy 2,6% - 25% có ý định tự tử, 1% - 15% từng có kế hoạch tự tử và 0,4% - 4,2% đã thực hiện hành vi tự tử.

Trong số gần 10.500 trường hợp được khảo sát, công bố năm 2010 có tới 25% đã tìm cách kết thúc cuộc sống của mình, 73% đã trải qua cảm giác buồn chán; thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi là nhóm có ý nghĩ tự tử cao nhất.