Càng xây - càng phá!

08:54 | 29/01/2013

1,650 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhận thức hạn chế, tay nghề non kém, tư liệu không đầy đủ, mưu đồ vụ lợi, quản lý lỏng lẻo…, bao nhiêu nguyên nhân đã dẫn đến nạn xây mới tràn lan trong công tác trùng tu di tích, khiến cho những giá trị cổ xưa bị tàn phá, hủy hoại.

Thiếu đủ thứ nên lạm phát làm mới

Một trong những tâm điểm bức xúc nhất của nạn trùng tu phá hoại thời gian qua là việc bỏ cũ xây mới, tự ý thêm vào không gian di tích những hạng mục mới, gây phá vỡ cảnh quan, “chèn ép” hạng mục, kiến trúc cũ. Tại tọa đàm “Hoạt động tôn tạo, xây mới trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích” vừa được Viện Bảo tồn di tích tổ chức ngày 25-1, tệ xây mới được đem ra mổ xẻ.

Viện trưởng - KTS Lê Thành Vinh nhận xét, ở Việt Nam hiện nay, cùng với việc bảo tồn, tu bổ di tích, trào lưu tôn tạo, xây mới các khu di tích đang diễn ra khá phổ biến và rầm rộ. Theo ông Vinh, hầu như tất cả các dự án tu bổ di tích đều có phần việc tôn tạo, xây mới. Nhưng ngoài những kết quả tốt, có những di tích bị sai lệch, thay đổi và làm mất giá trị do xây mới tùy tiện như ở khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), đình Kim Liên, chùa Trấn Quốc (Hà Nội), nhất là chùa Trăm Gian mới đây.

Bình phong xây mới khi tu bổ đình Đình Bảng - Bắc Ninh

Nhiều khi những vụ việc xây mới bị phát hiện, lên án thường chỉ diễn ra với những di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh. Còn ở “phần chìm của tảng băng” thì hầu như không bị phát hiện hoặc có thì cũng thiếu chế tài xử lý. Ngay ở địa bàn tỉnh Bắc Giang, theo ông Nguyễn Hữu Phương - Ban Quản lý di tích tỉnh thì phần lớn các di tích chưa được Nhà nước xếp hạng bảo vệ, khi tiến hành tu sửa đều áp dụng phương pháp “bê tông hóa” - làm mới di tích hoàn toàn.

Để xảy ra những tổn thất này, theo PGS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, là do một số lãnh đạo địa phương muốn phỏng dựng công trình với quy mô lớn dù thiếu tư liệu lịch sử; nhiều gói thầu rơi vào tay các công ty xây dựng không chuyên về tu bổ di tích. Ông Bình cũng nhấn mạnh: Việc chuyên môn hóa các cơ quan và đội ngũ cán bộ chuyên môn về di tích chưa được chú trọng.

Đáng chán là nạn xây mới lại tồn tại lâu dài, trở nên phổ biến và thường tái diễn, chỉ bị phát hiện khi sự đã rồi. Và việc xử lý những vi phạm đã xảy ra không đủ răn đe, thậm chí không thành bài học, kinh nghiệm cho việc xây mới ở các di tích tiếp đó. Th.s Chu Thu Hường - Viện Bảo tồn di tích nêu lên một bấp cập, đó là thiếu trình độ, sự đầu tư, công nghệ và vì lợi ích. Đặc biệt là lý thuyết về bảo tồn, trùng tu còn rất hạn chế trong việc đề cập, quy định việc xây mới, tôn tạo trong di tích.

Kiến nghị nhiều nhưng đừng bỏ lửng!

Theo Th.s Hường, cần thiết phải hoàn thiện hơn hệ lý thuyết, phương pháp tiếp cận đặc trưng trên cơ sở tích hợp các phương pháp của các chuyên ngành khác nhau, tạo thành nền tảng lý thuyết cho khoa học bảo tồn, định hướng và trở thành kim chỉ nam cho hoạt động bảo tồn di tích.

Thực tế, việc xây mới trong nhiều trường hợp vẫn là cần thiết và là một phần trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Bởi theo KTS Lê Thành Vinh, việc này nhằm cải thiện, bổ sung các yếu tố cần thiết cho việc sử dụng, quản lý và phát huy giá trị của di tích trong cuộc sống đương đại và mai sau. Ngoài ra, cũng cần có những hạng mục mới để góp phần bảo vệ các thành phần nguyên gốc như nhà che bia, hàng rào bảo vệ, nhà tiếp khách, lầu hóa vàng… Theo phân tích của các chuyên gia, thì tại nhiều khu di tích vốn thiếu những hạng mục mới để phục vụ nhu cầu khách tham quan, du khách, đòi hỏi phải có xây mới như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, nơi sắp lễ…

Tường thành cổ Sơn Tây, Hà Nội mới

Chỉ có điều, việc xây mới, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải nghiên cứu, tính toán cẩn thận để không gây ảnh hưởng đến di tích, cảnh quan, không gian bảo vệ của di tích. Mà điều này thì xem chừng không mấy được chú trọng. Ngay đến di sản thế giới thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc,Thanh Hóa, ngay gần tường thành, người ta vẫn xây nhà làm việc, nhà trưng bày và sát tường thành là con đường bê tông chạy dài một cách… “vô duyên”. Cùng với những chiếc cổng mới, tường thành cổ Sơn Tây, Hà Nội thì từ lâu đã biến thành bức tường đá ong mới, vuông vắn, sắc nét trông rất… hiện đại.

Những giải pháp phòng chống nạn xây mới, làm mới vô tội vạ, gây hủy hoại, lấn lướt những cái cũ, cái cổ, theo đề xuất của nhiều chuyên gia, cũng nằm trong những giải pháp chung nhằm cải thiện công tác trùng tu, tôn tạo lâu nay. Đó là xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề thợ trùng tu, chuẩn hóa các đơn vị tu bổ, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng… Theo PGS.TS Trương Quốc Bình, việc kiểm tra phải định kỳ, thường xuyên và làm chặt chẽ, cương quyết, nếu không sẽ xảy ra chuyện “nhờn luật” như đã thấy. Còn KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì cho rằng, có những trường hợp vi phạm phải bị truy tố mới đủ răn đe, chứ không chỉ là phạt hành chính, để rồi đâu lại vào đó. 

Nạn xây mới vô tổ chức, thiếu khoa học có thể sẽ được bàn thêm, cũng như nhiều vấn đề trong trùng tu như đào tạo, thẩm định năng lực đơn vị tu bổ, xây dựng cơ chế quản lý, giám sát…, nhưng nếu sau bàn bạc mà không có những bước triển khai cụ thể thì biết đâu một ngày nào đó những gì đã phác thảo, kiến nghị hôm nay, vẫn hoàn toàn… như mới!

“Các phần xây đắp thêm chỉ được chấp nhận ở mức độ chúng vẫn tôn trọng các bộ phận độc đáo của tòa kiến trúc, khung cảnh truyền thống của kiến trúc, tính cân đối của bố cục kiến trúc và mối quan hệ của kiến trúc với môi trường xung quanh” (Điều 13, Hiến chương Vience (1964).

“Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích” (Luật Di sản văn hóa (2001).

“Cần xây dựng cơ chế đặc thù cho hoạt động bảo tồn di tích để hình thành các doanh nghiệp chuyên về bảo tồn di tích. Hình thành riêng một lực lượng thanh tra chuyên ngành về bảo tồn di tích để có thể theo dõi, xử lý các sai phạm ngay từ khi bắt đầu triển khai việc thi công tu bổ di tích”

(GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam)


Thanh Huyền

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.