Cần xử lý người đứng đầu nếu xảy ra lạm thu trong trường học

14:48 | 27/09/2017

543 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm học mới chưa bắt đầu được bao lâu, nhưng tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục lại đang khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, điểm chung của các khoản thu này ở chỗ, chúng đều “núp bóng” quỹ tự nguyện hay quỹ phụ huynh mà Hiệu trưởng hiếm khi phải chịu trách nhiệm.  

Vừa qua, tình trạng lạm thu diễn ra nhức nhối tới mức Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải tổ chức thanh tra đột xuất nhiều cơ sở giáo dục thuộc 4 tỉnh trên cả nước và đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp như tiểu học Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội), tiểu học Chu Văn An (Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), Tiểu học (Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh), THCS Minh Tân (Thủy Nguyên, Hải Phòng), tiểu học Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng)… Các trường này đều yêu cầu phụ huynh học sinh đóng các khoản tiền nằm ngoài danh mục đóng góp do Bộ GD&ĐT quy định như mua máy chiếu, ủng hộ cơ sở vật chất, sửa lớp học, tổ chức học kỹ năng sống…

Dù nhiều trường hợp lạm thu bị phát hiện, có những trường hợp số tiền lạm thu lên tới hàng trăm triệu, song chỉ có 2 vị Hiệu trưởng bị phát hiện và đình chỉ công tác 15 ngày để phục vụ thanh tra. Trong số đó Hiệu trưởng của trường tiểu học Đặng Cương đã làm đơn xin ra khỏi ngành trước khi có kết quả thanh, kiểm tra về hoạt động thu chi trong nhà trường. Còn các vị Hiệu trưởng khác dù bị phát hiện lạm thu, nhưng chưa phải chịu bất kỳ hình thức xử lý nào, bởi các lãnh đạo đều “đẩy trách nhiệm” sang Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS), với câu trả lời quen thuộc: “Nhà trường không ép buộc mà đều do Ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất thu trên tinh thần tự nguyện”.

can xu ly nguoi dung dau neu xay ra lam thu trong truong hoc
Khoản thu 9 triệu của trường THCS Minh Tân (Hải Phòng)

Lúc này, đối tượng bị chỉ trích nhiều nhất lại chính là Ban đại diện CMHS - được coi là “cánh tay nối dài” của Ban giám hiệu. Nhiều cha mẹ học sinh bức xúc tới mức làm đơn kiến nghị xóa bỏ Ban đại diện CMHS (Hội phụ huynh cũ) để tránh tình trạng lạm thu và tránh ảnh hưởng tới việc học của các con.

Chia sẻ những bức xúc của cha mẹ học sinh, nhưng lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định chưa thể “giải tán” Ban đại diện CMHS. Tại Hội thảo về chất lượng giáo dục phổ thông được tổ chức sáng 22/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: “Ban đại diện CMHS là rất cần thiết để tạo sự phối hợp, sự kết nối giữa nhà trường với gia đình trong quá trình giáo dục học sinh. Thực tế hiện nay tại một số nơi, Ban này đang làm chưa đúng theo quy định tại điều lệ mà Bộ GD&ĐT đã ban hành tại Thông tư 55 và cũng còn qua Ban đại diện CMHS để thu các khoản thu không đúng quy định. Trong này có trách nhiệm của Ban đại diện CMHS và cũng có trách nhiệm của các hiệu trưởng. Hiện Điều lệ ban đại diện CMHS chỉ có quy định về thu hội phí để phục vụ cho hoạt động của hội phụ huynh. Bộ đang nghiên cứu để sửa theo hướng không quy định vào điều lệ việc thu hội phí này nữa. Dù điều này không sai nhưng có thể những Ban đại diện CMHS lách điều đó để thu các khoản khác”.

Chính vì thế, nếu không xử lý nghiêm Hiệu trưởng “dung túng” cho lạm thu thì tình trạng này sẽ không thể xóa bỏ. Đồng thời, Ban đại diện CMHS cũng cần nắm rõ Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT, thực hiện đúng tinh thần tự nguyện xây dựng quỹ hoạt động chứ không quy định mức đóng góp hay bắt buộc cha mẹ học sinh đóng góp các khoản thu ngoài danh mục. Có như vậy, đầu năm học mới, các bậc cha mẹ sẽ không phải đau đầu vì “cơn bão” thu tiền từ phía nhà trường và Ban đại diện CMHS.

Kết quả thanh tra các khoản thu của một số trường do Thanh tra Bộ GD&ĐT cung cấp:

1. Trường Tiểu học Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội

- Học hai buổi/ngày: 100.000đ/hs/tháng

- Sử dụng nước uống tinh khiết đóng bình:10.000đ/hs/tháng

- Bán trú: + Tiền ăn: 15.000đ/bữa/HS + Tiền chăm sóc bán trú:120.000đ/HS/tháng + Trang thiết bị phục vụ bán trú: 100.000đ/hs/năm

- Tiếng Anh Phonics (đối với lớp 1,2,5) + Không có yếu tố nước ngoài:50.000đ/tháng + Có yếu tố nước ngoài: 150.000đ/tháng

- Tiếng Anh tăng cường (đối với lớp 3, 4) + Không có yếu tố nước ngoài: 50.000đ/tháng + Có yếu tố nước ngoài: 150.000đ/tháng

- Kỹ năng sống: 40.000đ/tháng - Sổ liên lạc điện tử: 100.000đ/hs/năm

- Bảo hiểm thân thể: 100.000đ/hs/năm

- Quỹ đội: 13.500đ/hs/năm

- Quỹ chữ thập đỏ:10.000đ/hs/năm

- Tiền lắp máy điều hòa: 1.000.000đ/hs

- Tiền máy chiếu: 500.000đ/hs.

-Tiền đồng phục (Ban đại diện cha mẹ học sinh ký hợp đồng và thu)

2. Trường Tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội

- Tiền học 2 buổi/ngày: 100.000đ/hs/tháng (thu hàng tháng)

- Tiền phục vụ bán trú: 150.000đ/hs/tháng (thu hàng tháng)

- Tiền ăn: 28.000/bữa (bao gồm tiền ăn bữa chính, bữa phụ)

- Tiền CSVC bán trú: 100.000đ/hs/năm

- Sử dụng nước uống tinh khiết đóng bình: 12.000đ/hs/tháng

- Tiền SLL điện tử: 40.000đ/hs/tháng (thu theo học kỳ)

- Tiền sử dụng điều hòa: 10.000đ/hs/tháng

- Quỹ Khuyến học: Trên tinh thần tự nguyện của CMHS

- Quỹ Đội: 2.000đ/hs/tháng

- Tổ chức Tiếng Anh Bình Minh: + Lớp 1, 2: 150.000/HS/tháng + Lớp 3,4,5: 130.000/hs/tháng

3. Trường Trung học Cơ sở Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng

- Vở viết:110.000đ

- Vở bài tập sách thực hành: 350.000đ

- Đồng phục: 750.000đ

- Bảo hiểm y tế: 491.000đ

- Bảo hiểm toàn diện: 120.000đ

- Hoạt động hè: 50.000đ

- Sửa chữa trong trường: 300.000đ

- Liên lạc điện tử: 120.000đ

- Học phí: 540.000đ

- Học thêm: 3.072.000đ (do GVCN lớp 9 dự kiến)

- Quỹ đội + báo đội: 100.000đ

- Quỹ đồng hành cùng bạn đến trường: 45.000đ

- Quỹ hội – khuyến học: 300.000đ

- Đề, giấy kiểm tra: 120.000đ

- Lao công bảo vệ: 100.000đ

- Nước uống cho học sinh: 100.000đ

- Gửi xe: 120.000đ

- Kỹ năng sống: 300.000đ

4. Trường Tiểu học Đặng Cương, An Dương, Hải Phòng

- Sách giáo khoa, đồ dùng học tập: 805.000đ

- Đồng phục 02 bộ: 400.000đ

- Ủng hộ cơ sở vật chất: + Đúng tuyến: 1.300.000đ + Trái tuyến: 1.500.000đ

- Tiền học trại hè: 800.000đ

- Tiền học bán trú: 120.000đ/1 tháng

- Thu tiền Kỹ năng sống: 100.000đ/1 tháng x 10 tháng

- Chuyên đề ngoại khóa và hoạt động sáng tạo: 16 chuyên đề: 40.000đ/1 CĐ

- Tạp phí: 50.000đ/1 tháng x 10 tháng

- Sổ liên lạc và thẻ học sinh: 100.000đ/1 học sinh

- Huy động lắp đặt hệ thống điện, đèn và quạt cho khu nhà mới và bàn ghế cho cho sinh lớp 1: 228.345.000đ

- Trang bị 12 điều hòa: 110.000.000đ

- Tổ chức câu lạc bộ trong hè (kỹ năng sống, tiếng Anh, múa hát) trong hè: 800.000 đ/1 học sinh / 1 tháng hè.

- Vận động hỗ trợ ủng hộ: 500.000đ/1 học sinh

- Trải nghiệm sáng tạo 2 lần: 320.000đ/1học sinh x 2 lần

- Dạy tiếng Anh: 2.000.000đ/1học sinh/1 năm

- Tin nhắn điện thoại: 80.000đ/1 học sinh

- Quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh: 500.000đ/1 học sinh/1 kỳ

- Thu hộ sinh hoạt hè cho Đoàn TNCS HCM xã Đặng Cương: 20.000đ/1 học sinh.

Anh Trúc