Cẩn trọng với kinh doanh giáo dục

00:36 | 22/07/2012

920 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc quá dễ dãi trong cấp phép thành lập và thiếu sự kiểm tra, quản lý nên những năm gần đây các trường đại học mọc lên như nấm, trong khi chất lượng đào tạo đang bị bỏ ngỏ. Đào tạo kém chất lượng, không hiệu quả đã làm lãng phí thời gian học tập của sinh viên và tiền của đầu tư của xã hội.

Giấc mơ phổ cập đại học

Hiện nay, cả nước có gần 400 trường đại học, cao đẳng, so với giai đoạn 1999-2000 thì số trường đại học, cao đẳng đã tăng hơn 2,5 lần. Với sự phát triển ồ ạt của các trường đại học như hiện nay, nhiều người nhận định nước ta sẽ nhanh chóng tiến đến “phổ cập đại học”.

Có lẽ đã qua rồi cái thời chỉ có những học sinh khá, giỏi mới vào được đại học. Hiện nay, các trường đại học quá nhiều với đủ các loại hình đào tạo: chính quy, dân lập, đào tạo từ xa, liên thông, liên kết… Việc có được tấm bằng đại học trở nên quá dễ dàng; không đỗ nguyện vọng 1 thì xét nguyện vọng 2, nguyện vọng 3; không đỗ vào trường công lập thì vào dân lập; không được nữa thì học trung cấp, cao đẳng rồi liên thông dần lên đại học...

Có những trường đại học tuyển sinh chỉ cần đủ điểm sàn là đỗ mà vẫn thiếu sinh viên. Do đó, hầu như năm nào sau kỳ tuyển sinh đại học cũng có trường đề xuất hạ điểm chuẩn xét tuyển để lấy sinh viên. Một số trường nhắm mắt làm liều tuyển thí sinh không đạt điểm sàn theo quy định để đủ số lượng. Hiện tượng này xảy ra nhiều ở các trường tư thục và các trường đóng tại địa phương. Như thế mới thấy được sự “lạm phát” các trường đại học đến mức nào, trường đại học mở ra nhiều đến độ phải “vét” mới có đủ người vào học.

 

Các trường đại học gia tăng nhanh chóng nhưng số trường có chất lượng đào tạo tốt, uy tín chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí vẫn còn một số trường không đáp ứng được chất lượng đào tạo mà mở ra chỉ nhằm mục đích kinh doanh. Nhiều trường thiếu giảng viên, trang thiết bị giảng dạy, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, tuyển sinh viên vào chỉ nhằm mục đích thu học phí chứ không chú tâm cho công tác đào tạo.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến nay cả nước có khoảng 77.500 giảng viên, trong đó có 14% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên, 35% trình độ thạc sĩ. Như vậy, còn hơn 50% giảng viên ở các trường cao đẳng, đại học chưa có bằng sau đại học. Do thiếu giảng viên nên buộc các trường phải sử dụng giảng viên có trình độ đại học để dạy đại học, hoặc sử dụng giáo viên thỉnh giảng từ các trường khác. Vì vậy, nhiều trường đại học trong tình trạng thiếu cán bộ cơ hữu có kinh nghiệm, thiếu giảng viên có trình độ cao, chất lượng đào tạo không đảm bảo.

Bạn N.M.T, sinh viên Trường đại học Tài chính Maketing TP HCM cho biết: Nhiều thầy cô đến dạy ở trường giới thiệu là giảng viên từ các trường đại học khác như: Đại học Kinh tế, Đại học Ngân hàng… vì học nhiều môn học không phải do giảng viên của trường dạy nên sinh viên rất bị động về thời gian. Có khi ngày thứ Bảy, Chủ nhật phải đi học cả ngày còn nhiều ngày khác trong tuần thì lại nghỉ.

GS Ngô Văn Lệ - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP HCM nhận định: Các trường đại học bây giờ quá nhiều nhưng thầy thì đi mượn để đủ chỉ tiêu mở trường, giảng viên chạy sô như ca sĩ. Để được Bộ GD&ĐT cấp phép cho mở trường, các trường này đã đưa ra một danh sách giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ theo đúng chỉ tiêu của Bộ yêu cầu nhưng thực tế những tiến sĩ, thạc sĩ trên lại không tham gia vào công tác quản lý và giảng dạy tại trường. Hiện tượng này hầu như ai cũng biết nhưng do thiếu sự rà soát và kiểm tra nên các trường này vẫn nghiễm nhiên tồn tại và xuất hiện ngày càng nhiều. Việc đua nhau mở trường, mở các khoa, ngành mới, đào tạo tràn lan nhưng không đủ năng lực giảng dạy đã làm chất lượng đào tạo đại học hiện nay giảm sút mạnh.

Lãng phí nhân đôi

Do thiếu sinh viên nên các trường đại học tuyển cả những sinh viên học lực yếu, không đáp ứng yêu cầu của ngành học, dẫn đến sinh viên không thể theo kịp chương trình đào tạo. Việc đó cộng thêm với chất lượng đào tạo yếu kém nên đã cho “ra lò” những nguồn nhân lực yếu, kém, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, làm lãng phí thời gian học tập của sinh viên và tiền của của gia đình và xã hội. Tấm bằng đại học ngày càng mất uy tín trên thị trường lao động. 

Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có nhu cầu việc làm khá nhiều, nhưng do các doanh nghiệp yêu cầu nhân lực có trình độ chất lượng cao, có những kỹ năng mềm… mà nhiều sinh viên chưa đáp ứng được nên lượng được tuyển vào ít. Điều đó dẫn đến nghịch lý vừa thiếu, vừa thừa lao động trên thị trường. Sinh viên thất nghiệp nhiều trong khi doanh nghiệp không tuyển được lao động có thực lực.

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo và Thông tin thị trường lao động TP HCM: Hằng năm, thành phố có 55.000 sinh viên đại học, cao đẳng ra trường. Tuy nhiên, chỉ có 50% tìm được việc làm phù hợp với năng lực và phát triển tốt, 50% làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp hoặc thất nghiệp.

Bạn L.H.N, cựu sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP HCM chuyên ngành điện lạnh cho biết: “Ra trường đã gần cả năm mà em vẫn chưa có được công việc phù hợp. Em rất lo lắng vì thực tế chuyên môn không có, học trên lớp cũng chủ yếu thi cho hết môn lấy điểm rồi lấy bằng ra trường, còn kiến thức thực tế rất ít. Tiếng Anh bằng C do trường cấp để đủ điều kiện tốt nghiệp nhưng trình độ thực của em cũng rất yếu. Vì vậy, em đã xin việc ở nhiều nơi nhưng không được, chuyên môn không có nên đành phải chấp nhận làm thuê, “sai đâu đánh đó” như những công nhân bình thường để kiếm sống”.

Thạc sĩ Vũ Thế Tùng nhận định, việc tăng thêm các trường đại học và cao đẳng để đáp ứng nhu cầu học tập trong xã hội, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là cần thiết. Song việc ồ ạt mở các trường trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ giáo viên chưa đủ, đồng thời một cơ chế quản lý lỏng lẻo, nhiều bất cập thì lại trở thành một điều đáng lo ngại đối với giáo dục nước ta. Hiện nay, chúng ta đang tràn ngập đại học mà học xong làm thực tế lại không có hiệu quả. Vậy thử hỏi học 4-5 năm đại học mà năng lực thực tế đi làm lại không đáp ứng được công việc thì đào tạo có tác dụng gì?

Mỗi năm, hàng chục vạn học sinh đổ xô đi thi vào các trường đại học những mong sau khi học xong có được một công việc ổn định trong tương lai. Thực tế, không ít người trong số đó trở thành nạn nhân của việc “kinh doanh giáo dục”, lãng phí thời gian và tiền của vào các trường đại học kém chất lượng để rồi sau 4-5 năm học ra trường với tấm bằng “thất nghiệp”.

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc