Cần phát triển công nghệ hỗ trợ người lái xe container

11:05 | 16/04/2017

903 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian qua, liên tiếp các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe container gây ra khiến dư luận đặt dấu hỏi lớn về tính an toàn của loại phương tiện này.

Vào lúc 13h50 ngày 11/4, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra giữa xe đầu kéo chở container và xe con tại ngã tư Đệ Tứ - Phù Nghĩa (Nam Định). Chiếc xe con bị thùng container đè bẹp, 2 người ngồi trong xe con tử vong tại chỗ.

Chưa hết, 8h ngày 12/4, xe đầu kéo mang biển kiểm soát 30S-9921, trong lúc lưu thông trên tuyến đường Quỳ Hợp - Vinh thì bất ngờ thùng container rơi xuống đường. Thời điểm xảy ra vụ việc rất may không có ai gần đó, nên không có thương vong.

can phat trien cong nghe ho tro nguoi lai xe container
Hiện trường vụ tai nạn khiến 2 người tử vong ở Nam Định

Cũng trong ngày 12/4, tại ngã tư giao cắt giữa đường Dũng Quyết và đường Nguyễn Du (TP Vinh, Nghệ An), xe khách mang biển kiểm soát 75B-012.97 va chạm với xe đầu kéo container mang biển số 51D-048.02 đang sang đường. Vụ va chạm khiến 2 chiếc xe dính chặt vào nhau, phần đầu xe khách và phần hông xe đầu kéo bị hư hỏng nặng. Hành khách trên xe được phen hoảng hồn, rất may không có thương vong về người.

Đây chỉ là một vài vụ tai nạn do xe container gây ra. Cụm từ “xe đầu kéo, xe container” thực sự trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Lê Vân Anh - Phó trưởng Khoa Công nghệ ô tô (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho rằng, xe đầu kéo chở container, xe siêu trường, siêu trọng có kích thước lớn, dài nên rất khó điều khiển. Nếu không kiểm soát được tốc độ, tai nạn là khó tránh khỏi.

"Trong việc điều khiển xe đầu kéo chở container, vai trò của người lái rất quan trọng" - Tiến sĩ Lê Vân Anh nói.

Ở một góc độ khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Hường - Giảng viên Bộ môn ô tô và xe chuyên dụng (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) nêu quan điểm: “Khi lưu thông trên đường, gặp sự cố, phản ứng của người lái là rất tự nhiên. Nhiều khi chỉ cần một tích tắc, tức là 1 góc vô lăng nhanh hơn là xe đã có thể bị lật rồi”.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Hường, Việt Nam cần thiết phải phát triển công nghệ hỗ trợ người lái, với những phương tiện khó điều khiển như xe đầu kéo, rơ-moóc thì càng quan trọng. Các quốc gia phát triển họ đã làm rất tốt và cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, ở góc độ này chúng ta vẫn còn yếu và thiếu.

“Phát triển công nghệ hỗ trợ người lái là yếu tố then chốt để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Điểm mấu chốt là duy trì được tốc độ ổn định, vòng vô lăng hợp lý, mà người lái thì không phải lúc nào cũng kiểm soát hết được. Vì thế, cần thiết phải có thiết bị cảnh báo mất ổn định, xe chạy vận tốc bao nhiêu, gia tốc thế nào, đều có thể đo được, dựa trên những thông số này để dự đoán góc lật và đưa ra cảnh báo kịp thời cho người lái” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Hường nhấn mạnh.

Một cán bộ Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội chia sẻ: “Để đảm bảo an toàn, các phương tiện tham gia giao thông không được bám sát các xe đầu kéo, xe container, xe quá khổ quá tải. Khi tránh vượt phải đảm bảo khoảng cách an toàn nhất định, không được bám quá gần. Vào phần đường cua, đường dốc do xe lớn nên hệ số an toàn không cao, các phương tiện khác cần hạn chế vượt lên. Trong khu vực đường giao nhau cần giảm tốc độ, quan sát các hướng đi tới để đảm bảo di chuyển an toàn”.

Bên cạnh đó, theo chương IV của Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển xe siêu trường, siêu trọng không được làm việc quá 10 tiếng và lái xe không được lái liên tục quá 4 tiếng trong 1 ngày để đảm bảo đủ tỉnh táo điều khiển phương tiện. Ngoài ra, do vị trí ngồi lái của xe lớn rất khuất tầm nhìn, nên khả năng quan sát các phương tiện di chuyển bên cạnh khá hạn chế. Do đó mỗi người lái xe cũng cần phải chủ động quan sát, giảm tốc độ mỗi khi có tín hiệu xin vượt từ các phương tiện khác, nhất là các điểm đường cua, dốc, khu vực giao nhau.

Quang Thịnh - Đông Nghi