Cần những giải pháp, chính sách đặc biệt cho doanh nghiệp

16:01 | 12/07/2012

550 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Việc giải quyết vấn đề hàng hóa tồn kho tăng cao hiện nay không phải là vấn đề trong ngắn hạn mà chúng ta phải có cách nhìn chiến lược dài hạn, đó là phát triển thị trường, bao gồm thị trường nội địa, thị trường ASEAN, thị trường Trung Quốc..." TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trả lời phỏng vấn về tình hình và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

TS. Vũ Tiến Lộc

PV: Thưa ông, theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa, phá sản trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng. Nguyên do của tình trạng này là gì, thưa ông?

TS. Vũ Tiến Lộc: Nền kinh tế 6 tháng đầu năm đặc biệt là trong quý II, có khá nhiều dấu hiệu khả quan hơn so với những tháng đầu năm. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tuy giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng tốc độ giảm đã chậm dần. Số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động đã chững lại và bước đầu có dấu hiệu giảm. Một số chuyển dịch tích cực về cơ cấu của doanh nghiệp đã được đẩy nhanh. Các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao vẫn trụ vững và phát triển. Nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và hoạt động cầm chừng vẫn ở mức cao. Thực tế này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang trong tình thế khó khăn, nhất là khu vực doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nói riêng về khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là khu vực doanh nghiệp được cho là có độ linh hoạt tốt, khả năng chịu đựng và vươn lên trong khủng hoảng khá bền bỉ. Đặc biệt, giai đoạn khủng hoảng 2008-2009 đã cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sống dựa vào vốn vay ngân hàng không nhiều, nên tác động bởi lãi suất ngân hàng tăng cao không lớn như nhiều khu vực doanh nghiệp khác.

Tuy vậy, tình thế lúc này thay đổi nhiều. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rơi vào tình trạng thiếu vốn và các nguồn vốn tự có có thể huy động được (từ người thân, gia đình, bạn bè, đối tác…) cũng cạn kiệt. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của khu vực này luôn bị cản trở bởi các điều kiện về tài sản thế chấp,… từ phía ngân hàng, quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn hẹp, chỉ mới được thành lập ở khoảng 9 địa phương, nguồn vốn nhỏ… Việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa bàn mãi vẫn chưa được triển khai.

Cộng với đó là sức mua thị trường giảm mạnh, ở cả thị trường hàng tiêu dùng cũng như hàng hoá phục vụ sản xuất, cả ở thị trường trong nước và thế giới, tác động tới hầu hết các doanh nghiệp, thì khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó khăn hơn cả. Sự đình trệ ở cả yếu tố đầu vào và đầu ra là nguyên do chính khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn.

PV: Một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp thậm chí còn khó khăn hơn khi giá đầu vào như điện lại tiếp tục tăng…?

TS. Vũ Tiến Lộc: Cũng có ý kiến cho rằng, lộ trình tăng giá đã được công bố trước, và các doanh nghiệp đang thực hiện theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế khó khăn, mọi động thái của thị trường, nhất là giá cả những hàng hoá đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất khác, sẽ tác động rất lớn, thậm chí làm xấu nhanh hơn hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét giãn các lộ trình tăng giả để giảm bớt sức ép cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Tình hình đặc biệt đang cần những giải pháp chính sách đặc biệt. Kể cả trong các điều kiện để tiếp cận vốn, nếu không xử lý hợp lý trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, có thể đang trong tình trạng lỗ tạm thời, doanh nghiệp có thể không còn cách để tồn tại và vượt lên. Chúng tôi đề nghị các ngân hàng thương mại nên tích cực xem xét giảm lãi suất cho các hợp đông vay cũ dù chưa đến thời hạn (và cũng không cứng nhắc cứ 3 tháng một lần mới xem xét việc này). Sự linh hoạt và cách xử lý trong các điều kiện đặc biệt trên tinh thần chia sẻ khó khăn giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng như chủ trương hỗ trợ đúng đối tượng được áp dụng trên nguyên tắc minh bạch về thông tin, phân tích và đánh giá đúng về tình hình và sức khỏe của doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy yêu cầu minh bạch hoá thông tin của Thủ tướng Chính phủ không chỉ đúng và cần thiết đối với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước mà cả đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp và là yếu tố quan trọng để có được sự giám sát của thị trường đối với hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tạo nên sự minh bạch của thị trường…

Bên cạnh đó, cộng đồng Doanh nghiệp rất mong muốn có những cuộc đối thoại giữa cơ quan nhà nước, ngân hàng, tài chính, doanh nghiệp để tăng cường trao đổi thông tin và có giải pháp kịp thời tháo gỡ rào cản để tiếp cận nhanh và hiệu quả với các chính sách của Chính phủ.

PV: Với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được đưa ra, hiệu quả thực tế thế nào, thưa ông?

TS. Vũ Tiến Lộc: CPI giảm mạnh theo từng tháng, lãi suất giảm, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp được cải thiện hơn so với những tháng đầu năm. Gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng từ giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ, đầu tư tư ngân sách nhà nước tăng khá mạnh. Đây là những tín hiệu tích cực đạt được từ hệ thống giải pháp chính sách khá đồng bộ và công tác điều hành thực hiện quyết liệt của Chính phủ từ đầu năm tới nay nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên kìm chế lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khúc mắc lớn nhất hiện tại là đầu ra lại chưa có giải pháp chính sách hỗ trợ đủ mạnh. Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ đẩy nhanh tiến độ đầu tư công để hỗ trợ ngành xây dựng và giải quyết tồn kho cho các ngành công nghiệp dịch vụ có liên quan. Nhưng các giải pháp để tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế qua các giải pháp tài chính, tiền tệ hay tăng đầu tư công thường không đơn giản, rất dễ gây ra điều kiện để lạm phát quay trở lại nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ trong thực hiện.

Trong khi đó, giải pháp phát triển thị trường, nền tảng cơ bản để thúc đẩy đầu ra cho doanh nghiệp, giảm tồn kho, tạo sự lưu thông bình thường trở lại của thị trường để từ đó kích thích sức mua, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và gia tăng cơ hội đầu tư dường như chưa được nhìn nhận đúng mức.

Theo tôi, trong lúc này, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cần phải phát huy hiệu quả trong việc mở rộng và thúc đẩy thị trường trong nước, tìm kiếm và hướng các doanh nghiệp vào phân khúc thị trường thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Có thể đó là phân khúc hàng giá trung bình, chất lượng tốt trong hệ thống cửa hàng, siêu thị, chợ trên cả nước, thay vì để trống phân khúc này cho các sản phẩm đến từ các quốc gia trong khu ASEAN và Trung Quốc.

Phải thẳng thắn là nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự coi trọng thị trường nội địa, thị trường khu vực ASEAN và Trung Quốc với số dân lớn, nhu cầu phù hợp với sản phẩm Việt Nam. Nhất là khi đến năm 2015, thị trường rộng lớn này sẽ trở thành sân nhà của các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta bắt đầu chiến lược thị trường cho hướng đi dài hạn của nền kinh tế vào lúc này không phải là sớm khi mà thị trường phân phối, bán lẻ của Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài.

PV: Vậy giải pháp nào khi mà nhiều doanh nghiệp vẫn đang lấn cấn với bài toán làm sao duy trì sự tồn tại, thưa ông?

TS. Vũ Tiến Lộc: Chúng ta phải nhìn trực diện vào giải pháp phát triển thị trường. Ở đây có vai trò của các cơ quan xúc tiến thương mại của Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp Việt Nam tăng kỹ năng phát triển thị trường, để không chỉ giữ thị trường nội địa mà còn thâm nhập được vào hệ thống cửa hàng, siêu thị của Trung Quốc và các nước ASEAN. Việc thâm nhập thành công vào thị trường Trung Quốc qua con đường chính ngạch của một số thương hiệu, sản phẩm Việt Nam thời gian gần đây là những bài học đáng được nhân rộng.

Giải pháp phát triển thị trường theo hướng này không chỉ nhìn ngắn hạn trong năm nay mà phải nhìn tới 2015 khi Hiệp định thương mại ASEAN Trung Quốc được thực hiện đầy đủ. Nếu chỉ loay hoay tìm cách giảm tồn kho mà không đặt chúng vào chiến lược thị trường nhất quán thì không thể giải quyết được đầu ra cho doanh nghiệp một cách căn bản. Phải tổ chức lại công tác xúc tiến thị trường cả ở tầm quốc gia và tầm doanh nghiệp, nghiên cứu và đề xuất và áp dụng ngay các hàng rào kỹ thuật được phép (để ngăn chặn làn sóng hàng ngoại nhập không lành mạnh), đặt giải pháp thị trường song hành với các giải pháp về tài chính, tiền tệ để có đầu tư nguồn lực thỏa đáng của nhà nước và doanh nghiệp. Tôi đề nghị Chính phủ sớm thảo luận và ban hành Nghị quyết về chiến lược và các giải pháp thị trường để vừa giải quyết vấn đề tồn kho hiện tại, vừa để giải quyết các vấn đề của thị trường ASEAN khi năm 2015 đang rất gần.

Ở đây, “bàn tay” của Nhà nước, hiệp hội rất cần trong nghiên cứu thị trường, tư vấn kỹ thuật cho các doanh nghiệp, tận dụng tâm lý thị trường không mặn mà với hàng Trung Quốc nhiều điều tiếng để chiếm lĩnh phân khúc hàng giá trung bình, chất lượng tốt (phù hợp với số đông người tiêu dùng trong khu vực, chứ không chỉ riêng Việt Nam). Hơn thế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thì tổn phí tìm kiếm thị trường trong khu vực sẽ thấp hơn nhiều so với tìm kiếm các thị trường xa xôi khác…

Các hiệp hội ngành hàng cũng phải nhìn thấy vị trí và trách nhiệm của mình trong chiến lược thị trường này và hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và các tổ chức khác trong khuôn khổ chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là những nỗ lực thành công bước đầu đáng được ghi nhận theo hướng đó.

Lê Quân (thực hiện)