Phát triển năng lượng tái tạo trong thị trường điện cạnh tranh

Cần nhiều giải pháp và cơ chế ưu đãi

07:00 | 26/01/2017

489 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là tính kinh tế của nguồn NLTT chưa thực sự hấp dẫn, cùng với đó là các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, trình độ áp dụng công nghệ… đã hạn chế việc triển khai các dự án NLTT. Bởi vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng, vì lợi ích người tiêu dùng rất cần những cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng còn nhiều hạn chế này.

Tạo sự bình đẳng, minh bạch hóa thị trường điện

Phát biểu tại hội thảo Khuyến khích phát triển NLTT trong thị trường điện cạnh tranh do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, theo kinh nghiệm của các nước phát triển, phát triển NLTT, thì không thể thiếu thị trường điện cạnh tranh, việc phát triển thị trường điện cũng là dư địa cho các nguồn năng lượng khác xuất hiện và phát triển. Mặt khác, để phát triển NLTT ở Việt Nam, cần phải đảm bảo tất cả các nhà sản xuất, phân phối đều có quyền tiếp cận công bằng đến hệ thống truyền tải điện quốc gia, áp dụng triệt để cơ chế giá điện cạnh tranh theo hướng thị trường… Nói cách khác, thị trường điện cạnh tranh tạo sự bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp tham gia thị trường là một trong những trụ cột quan trọng trong thúc đẩy cải cách nền kinh tế của Việt Nam.

Cùng chung quan điểm với ông Cung, bà Vũ Chi Mai - chuyên gia đến từ Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cũng cho rằng: EVN với vai trò của mình phải cùng với Nhà nước minh bạch hóa thị trường điện, đáp ứng đầu tư phục vụ nhu cầu sử dụng điện và tăng trưởng kinh tế. Bởi theo bà, hiện nay giá điện của Việt Nam với 6,8 cent/kWh thực chất đang thấp hơn một số nước như Philippines 20 cent/kWh. Giá điện đó không phản ánh đúng giá thành sản xuất. Với cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước như vậy sẽ cản trở các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào ngành điện Việt Nam nói chung, điện tái tạo nói riêng.

can nhieu giai phap va co che uu dai
Hội thảo khuyến khích phát triển NLTT trong thị trường điện cạnh tranh

Theo nghiên cứu của của tổ chức này, khi hỗ trợ Bộ Công Thương rà soát lại giá cố định năm 2014, các chuyên gia GIZ có đánh giá lại và thấy, nếu Việt Nam phát triển được 1.000MW điện gió thì lúc đó suất đầu tư giảm đi và lúc đó giá điện gió không đắt nữa. "Mỗi hộ gia đình trả thêm 5 đồng/kWh vào giá hiện tại, Việt Nam có thể có thị trường NLTT cạnh tranh", bà Mai đưa ra khuyến nghị từ nghiên cứu của GIZ và CIEM.

Phát triển NLTT còn nhiều rào cản

Theo như tính toán, để bù mức chênh lệch giữa giá mà Nhà nước đang trả được và giá thực tế để một dự án NLTT khả thi, mỗi một hộ dân chỉ phải trả thêm 5 đồng/kWh điện thì Việt Nam đã có thị trường NLTT. Tuy nhiên, việc tăng giá điện hiện nay không hề đơn giản. “Trong thời gian tới, nhu cầu về điện của Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều, chúng ta sẽ phải xây dựng nhiều nhà máy điện. Tuy nhiên, Nhà nước không có thêm tiền để đầu tư vào những nhà máy đó nữa và cần có đầu tư từ nước ngoài. Song các nhà đầu tư nước ngoài chỉ vào khi giá điện của Việt Nam tăng lên, còn hiện nay giá điện của Việt Nam không phản ánh được tính thị trường”, chuyên gia Vũ Chi Mai nhận định.

Nghiên cứu của CIEM chỉ rõ, hiện tỷ lệ NLTT trong sản xuất điện ở nước ta tương đối cao (37-40% tổng nguồn điện). Tuy nhiên, chủ yếu là nhờ thủy điện còn các nguồn năng lượng khác không đáng kể. Nhưng trong tương lai, các thủy điện nhỏ không thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam. Việt Nam đã xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển NLTT. Sản xuất điện năng lượng tái tạo thuộc nhóm ưu đãi đầu tư về giá, đất đai, thuế, vay vốn.

Mặc dù đã có cơ chế hỗ trợ phát triển NLTT như vậy nhưng theo Viện trưởng CIEM, để NLTT có thể thu hút được nhà đầu tư, hoàn thành mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Điện VII thì phải tách biệt các cấu phần của giá điện đối với người tiêu dùng cuối cùng.

Thị trường điện phải “cạnh tranh” đúng nghĩa

Cần biết ở Việt Nam, sản xuất điện NLTT thuộc nhóm ưu đãi đầu tư (ưu đãi về giá, thuế, đất đai, vay vốn…). Theo ông Phạm Đức Chung - đại diện nhóm nghiên cứu thị trường điện của CIEM, Việt Nam đã áp dụng cơ chế giá ưu đãi cố định. Tuy nhiên, thị trường điện hiện nay chưa đảm bảo tính độc lập của các doanh nghiệp trong các khâu sản xuất - truyền tải - phân phối. Thị trường điện đã hoạt động nhưng chưa “cạnh tranh”. Hơn nữa, tính độc lập của các cơ quan điều tiết, giám sát cạnh tranh còn thấp. Do đó, thị trường điện thiếu nền tảng của thị trường điện cạnh tranh nên khó thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo mới.

Để thúc đẩy phát triển nguồn NLTT trong thị trường điện cạnh tranh một cách hiệu quả, ông Phạm Đức Chung nhấn mạnh, việc cần tiếp tục tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo kế hoạch, đặc biệt quan tâm đến tái cấu trúc quản trị công ty, bao gồm cả vấn đề chủ sở hữu; đảm bảo tính độc lập đầy đủ giữa các doanh nghiệp sản xuất, phân phối với các nhà điều hành truyền tải.

Đồng thời bảo đảm tất cả các nhà sản xuất và phân phối đều có quyền tiếp tục cân bằng và như nhau đến hệ thống truyền tải điện quốc gia. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao tính độc lập của Cục Điều tiết điện lực, nâng cao năng lực của Cục Quản lý cạnh tranh; áp dụng triệt để theo cơ chế giá điện cạnh tranh, thỏa thuận theo cơ chế thị trường.

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất, các dự án phát triển, sử dụng nguồn NLTT cần được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư. Theo đó, các dự án phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Đồng thời, bố trí kinh phí từ các quỹ để hỗ trợ các nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các dự án thí điểm, dự án công nghệ liên quan đến sự phát triển và sử dụng NLTT. Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần xây dựng một môi trường thuận lợi và thu hút đầu tư để ngành này phát triển. Cụ thể, phải tăng mức giá bán áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo là năng lượng điện gió đồng thời đơn giản hóa thủ tục, quy trình áp dụng và triển khai hay như áp dụng biểu giá khuyến khích cho năng lượng sinh khối.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Trọng Thực - Vụ trưởng Vụ NLTT (Bộ Công Thương), bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển NLTT thì trong Chiến lược phát triển NLTT Việt Nam, Bộ Công Thương có đặt ra yêu cầu về trách nhiệm sử dụng NLTT cho các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch.

Chuyên gia Vũ Chi Mai: “Việt Nam cần nhất là minh bạch hóa sản xuất điện để người dân hiểu được sản xuất ra 1kWh điện Nhà nước đã hỗ trợ bao nhiêu tiền. Trong tương lai, Nhà nước không thể tiếp tục hỗ trợ sản xuất điện được, vì Nhà nước phải đầu tư các vấn đề khác. Mong mỏi của người dân muốn có một môi trường sạch, thân thiện, sức khỏe tốt bởi vậy tôi rất mong truyền thông làm nhiều hơn nữa để hiểu được lợi ích của năng lượng tái tạo”.

Nguyễn Kiên

Năng lượng Mới 583

  • el-2024