Cần lộ trình thích hợp

06:45 | 01/05/2017

2,670 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
TP Hồ Chí Minh vừa đưa ra đề xuất cấm xe máy để khắc phục vấn nạn tắc đường và đề xuất này đang được dư luận quan tâm.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn đang đứng trước thực trạng kẹt xe, tắc đường nhất cả nước. Giải pháp đầu tiên được cả hai thành phố đề xuất là cấm các loại xe môtô, xe máy hoạt động. Đề xuất này khiến nhiều người cảm thấy hoang mang. Vỉa hè đã không cho buôn bán, giờ phương tiện phổ biến nhất, tiện dụng nhất có nguy cơ không được sử dụng thì người dân lao động biết sinh nhai thế nào.

can lo trinh thich hop
Kẹt xe trong giờ cao điểm tại TP Hồ Chí Minh

Đề xuất cấm xe máy đang đứng trước hai luồng ý kiến có tỷ lệ tương đương nhưng trái chiều nhau. Phía phản đối tất nhiên là những người đang hằng ngày sử dụng xe máy đi làm, đi học và buôn bán, vận chuyển hàng hóa. Còn phía ủng hộ thì chủ yếu là cán bộ có tiêu chuẩn đi xe hơi và những người giàu đang sử dụng ôtô cá nhân. Những đối tượng này lập luận rằng, cấm xe máy cũng được, vì xe máy là một trong những phương tiện mất an toàn nhất thế giới. Ở Việt Nam, hơn 9.000 người chết mỗi năm phần lớn có nguyên nhân từ xe máy.

Vấn đề trước mắt mà ai cũng nhìn thấy được là cấm xe máy thì người dân đi lại bằng phương tiện gì? Đó là câu hỏi mà các nhà chức trách đang tìm lời giải. Lời giải mang tính khả thi nhất vẫn là cải tạo hạ tầng giao thông công cộng. Mà muốn cải tạo, nâng cấp được hạ tầng này thì còn bao nhiêu điều kiện khác phát sinh, không phải ngày một, ngày hai làm được. Một khoản kinh phí khổng lồ, một quỹ đất chiếm 25% diện tích thành phố và thời gian thực hiện. Do đó, để triển khai thực hiện được đề xuất cấm xe máy thì phải có một lộ trình thích hợp.

Một thực tế đơn giản là không phải ai cũng có thể sử dụng phương tiện công cộng là xe buýt. Nơi họ cần đến thì không có tuyến xe buýt chạy qua hoặc phải chuyển tuyến xe tới 2-3 lần. Như vậy, một ngày có người phải mất 2-3 giờ chờ xe, chuyển xe và di chuyển trên đường, lãng phí quá nhiều quỹ thời gian. Rất nhiều người ở trong những ngõ, hẻm sâu, đi bộ ra đến đường phố chính để lên xe buýt có khi xa hàng cây số, cũng khá vất vả và mất thời gian, chưa kể nắng mưa. Người bán hàng, vận chuyến hàng hóa không thể mang hàng tạ hàng lên xe buýt vì phương tiện này không cho hành khách mang theo hành lý. Do đó, xe máy vẫn sẽ tồn tại nhiều năm nữa, song hành với kế sinh nhai của số đông người dân lao động.

Người tham gia giao thông trên đường hiện nay đổ lỗi cho nhau. Người đi ôtô thì cho rằng, tắc đường là do xe máy chạy lộn xộn. Người đi xe máy lại cho rằng, tắc đường là do ngày càng có nhiều xe ôtô, chiếm diện tích nhiều hơn xe máy. Cũng có ý kiến đưa ra giả thiết rằng, nếu nhiều người đang sử dụng xe máy mà có điều kiện chuyển sang mua ôtô thì đường còn tắc hơn bao nhiêu.

Tại các nước phát triển, người dân tự bỏ dần xe máy khi hạ tầng giao thông được hoàn thiện, đáp ứng mọi nhu cầu đi lại. Họ có hệ thống tàu điện ngầm như mạng nhện dưới lòng đất và đại lộ thông thoáng đủ chỗ cho mỗi gia đình sở hữu ít nhất 1 xe hơi.

Vì thế, ở nước ta, người dân sẽ hoàn toàn ủng hộ chủ trương cấm xe máy nếu như có đủ phương tiện công cộng thay thế hoàn toàn hoặc tốt hơn xe máy.

Các chuyên gia nhận xét: Mặc dù là đô thị lớn nhưng kết cấu kinh tế của TP Hồ Chí Minh còn mang nặng dáng dấp nông nghiệp, buôn bán manh mún, nhỏ lẻ, phân tán khắp nơi. Đặc điểm này cần có một phương tiện dễ sử dụng, nhỏ gọn, tiện lợi có thể vận chuyển hàng hóa giữa các điểm.

Công cuộc mưu sinh của hàng triệu người dân đang gắn chặt với chiếc xe máy. Sự phát triển kinh tế của thành phố lớn nhất nước có sự đóng góp không nhỏ từ đội ngũ tiểu thương xe “hai bánh” đổ về từ các tỉnh thành lân cận. Do vậy, chưa thể “cấm” ngay được xe máy mà thành phố phải bỏ ra hàng tỉ đôla đầu tư hạ tầng giao thông. Đó mới là cách giải quyết vấn đề tại gốc. Còn bây giờ, nếu xe máy bị cấm mà số lượng ôtô tăng lên thì tình hình giao thông còn ách tắc hơn với hạ tầng giao thông hiện có, trở thành cách làm ngược. Chưa thể bắt buộc người dân bỏ xe máy trong khi họ không có những lựa chọn nào khác.

Chính từ những lẽ trên mà việc cấm xe máy ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh phải có một lộ trình thích hợp. Trước mắt, biện pháp khả dĩ mà các nhà chức trách ở Hà Nội nêu ra là cấm lưu hành những xe máy quá đát, dễ gây tai nạn và ô nhiễm môi trường. Khi đã có hệ thống hạ tầng giao thông tốt hơn, hệ thống xe buýt phát triển, tạo thuận lợi hơn thì tự khắc nhiều người sẽ bỏ xe máy và chuyển sang đi xe buýt. Số lượng xe máy sẽ giảm dần một cách tự giác. Nghĩa là khi ấy chẳng có lệnh cấm thì người dân cũng chẳng dùng xe máy nữa!

Ngọc Linh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc