Cần lắm những tấm lòng dầu khí!

07:00 | 26/06/2013

691 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Quỹ học bổng Thắp sáng niềm tin của 3 sáng lập viên Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã đồng hành cùng các em sinh viên nghèo, hỗ trợ các em về tài chính suốt 4-6 năm học nhưng khi các em ra trường, một câu hỏi lớn đặt ra: “Các em sẽ đi đâu, làm nghề gì?”. Bởi từ điểm xuất phát khi biết kết quả đỗ đại học, nhiều em đã có ý định bỏ học để đi làm phụ giúp đình vì gia đình quá nghèo. Vài năm sau, khi các em ra trường, kinh tế gia đình các em vẫn dậm chân tại chỗ vì phải lo cho các em ăn học đại học. Cầm tấm bằng khá, giỏi trong tay không có nghĩa các em sẽ có một công việc xứng đáng với thành quả học tập đó.

Hướng đi mới

Bản thân các em chỉ có một quyết tâm, khát khao, một nền tảng kiến thức được đào tạo bài bản. Ngoài ra, các mối quan hệ xã hội, nguồn lực tài chính của gia đình các em là không có. Theo anh Nguyễn Trọng Đạt, phụ trách Truyền thông gây Quỹ, trong vòng 6 tháng đến 1 năm kể từ ngày ra trường, nếu các em không có việc làm sẽ dẫn tới bi quan, đánh rơi lý tưởng của mình. Và các em sẽ mặc cảm, trở thành gánh nặng cho gia đình như thời kỳ trước khi học đại học.

Ban điều hành Quỹ đã nhận thấy điều này từ khi lứa sinh viên đầu tiên được nhận học bổng ra trường năm 2011. Hàng chục sinh viên ra trường cũng là thời điểm kinh tế khó khăn chung. Mọi công ty, ngành hàng, hội sở đều thắt chặt chi tiêu công, co hẹp phạm vi tuyển dụng. Quỹ Thắp sáng niềm tin đã có ngay một hoạt động thiết thực là thiết lập sàn giao dịch việc làm, chợ việc làm trên website của Quỹ. Ban lãnh đạo Quỹ quyết định song song với những hoạt động sinh hoạt quý, Quỹ sẽ thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm về hướng nghiệp cho các em sinh viên chuẩn bị ra trường. Đồng thời, Quỹ tổ chức các buổi ngoại khóa để các anh chị trong Quỹ lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các em sinh viên để từ đó có cách giải quyết phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công trao chứng nhận tốt nghiệp đại học của Qũy cho các em sinh viên trong buổi hòa nhạc tối 22/5/2013

Một việc làm thiết thực là trong buổi sinh hoạt Quỹ quý I/2013, Thạc sĩ Nguyễn Minh Phúc, giảng viên bộ môn Vận tải - Bảo hiểm, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường đại học Ngoại Thương và chị Lê Thị Tân, Giám đốc Quản lý Quan hệ Khách hàng Doanh hghiệp - Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam đã cùng giao lưu, chia sẻ bí quyết học tập, xin việc với các em sinh viên trong tọa đàm “Chắp cánh ước mơ”.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Phúc nhận định: “Các em phải học kỹ năng sống, hoàn thiện hơn nữa kỹ năng mềm”. Với chị Lê Thị Tân: “Các em đừng nghĩ quá nhiều các vấn đề vĩ mô mà hãy mở rộng mối quan hệ xã hội, tập trung vào một vài công việc thôi”.

Thật ý nghĩa và xúc động khi nghe những tâm sự về học tập, nghề nghiệp của anh Nguyễn Minh Phúc và chị Lê Thị Tân. Bởi thời điểm này, khi có hơn 20 em sinh viên cộng đồng Thắp sáng niềm tin khu vực Hà Nội chuẩn bị ra trường cũng là lúc các em cần được tư vấn, định hướng việc làm nhiều nhất.

Nỗi lo còn đó

Khi tìm hiểu về hoàn cảnh của từng em tân cử nhân thì mới biết, có nhiều em đã mất bố, mất mẹ từ nhiều năm nay; giờ phải tự kiếm sống qua ngày, chờ đợi việc làm. Gia đình em Mai Hùng Sơn, ĐH Quốc gia Hà Nội là hoàn cảnh như thế. Sơn sinh ra đã không biết bố mẹ đẻ của mình là ai, được bố mẹ nuôi nhận nuôi ở bệnh viện khi mới 3 ngày tuổi và lúc đó em không biết bú sữa mẹ. Một đêm giao thừa năm 1992, người bố nuôi là thợ mộc và người mẹ làm kế toán của một xí nghiệp gạch đã đón nhận sinh linh bé nhỏ này về chăm sóc.

Sau đó, người bố nuôi bỏ vào Nam làm ăn, để lại hai mẹ con Sơn sống qua ngày bằng đồng lương công nhân ít ỏi chỉ 40 đồng/tháng. Người mẹ nghèo của Sơn không may qua đời vào năm 2009 khi Sơn 18 tuổi và em vừa thi đại học xong. Nỗi đau này khiến em tưởng chừng bỏ học, đi kiếm việc làm và sống nay đây mai đó, bỏ buông số phận. Nhưng Qũy đã giang rộng vòng tay nhân ái, trợ giúp em ăn học suốt mấy năm qua. Nhưng nỗi cực sẽ chỉ bắt đầu ngay từ bây giờ khi em không biết đi đâu, về đâu. Một tân cử nhân, một hiền tài của đất nước; không cha mẹ, không người thân thích, việc làm chưa có nhưng nghe em tâm sự mà ai cũng ứa nước mắt: “Kế hoạch trước mắt của em là kiếm tiền để cuối năm em sẽ sang cát cho mẹ nuôi em”. Một tấm lòng đáng quý và trân trọng.

Em Nguyễn Thị Lan, Học viện Tài chính, có kết quả học tập khá giỏi cũng băn khoăn trước ngưỡng cửa tương lai. Là con út trong gia đình 4 anh chị em, bố mất khi Lan mới 2 tuổi. Mẹ đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe ngày càng yếu, lại mắc bệnh kinh niên nên làm ruộng cũng không được nữa. Nhà dột nát, ruộng vườn ít, gia sản không có gì.

Khi ra trường, Lan chỉ mong được làm việc liên quan đến Kế toán - Kiểm toán, hoàn thành xuất sắc những nghiệp vụ kế toán từ khâu chứng từ đến khâu lập báo cáo tài chính, phấn đấu trở thành nhân viên chính thức của một công ty. Và mục tiêu dài hạn của em là trở thành kế toán viên chuyên nghiệp trong 3-5 năm tiếp theo. Hiện tại, Lan đang hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị nộp vào một số nơi nhưng có lẽ cơ hội kiếm việc làm của em cũng chưa khả quan.

Bên cạnh việc trợ giúp các em về tài chính để ăn học, giúp các em có kỹ năng sống và giới thiệu việc làm cho các em thì Qũy học bổng Thắp sáng niềm tin kêu gọi toàn thể các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có cái nhìn nhân ái, mở rộng vòng tay chào đón các tân cử nhân xuất sắc về cống hiến, làm việc. Đó không chỉ thể hiện nét văn hóa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp trong lựa chọn nhân tài cho ngành Dầu khí.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status