Cần đưa chủ quyền biển đảo vào đề thi!

07:10 | 27/05/2016

1,322 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên tục thời gian qua, những đề thi đưa vấn đề liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa đã được học sinh, người dạy tỏ ra hào hứng. Đặc biệt, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp diễn ra, dư luận quan tâm liệu các vấn đề nóng xung quanh Biển Đông có được tiếp tục đưa vào đề thi cũng như cách thức, yêu cầu ra sao để không “đánh đố” thí sinh.

Hào hứng với đề thi liên quan thời sự

Mở đầu câu chuyện, TS Nguyễn Duy Bính, Chủ nhiệm bộ môn Sử Việt Nam (Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì rõ ràng đưa các vấn đề liên quan vào đề thi hoàn toàn hợp lý. Bởi, các tài liệu lịch sử đã chứng minh rõ ràng nó thuộc ông cha chúng ta để lại. Tuy nhiên, đưa vào đề thi ở mức độ ra sao thì phải tính”.

Đến thời điểm này, vấn đề thời sự nào sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vẫn được các học sinh đoán già đoán non. Tuy nhiên, ở tầm các kỳ thi địa phương, câu chuyện về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa đang được nhiều nơi chọn làm vấn đề thời sự trong đề thi. Rõ ràng, so với việc đưa “Hậu duệ mặt trời”, “Lệ rơi”… các trào lưu nhất thời vào đề thi thì sự kiện thời sự tại Biển Đông được đánh giá là điểm cộng.

 

can dua chu quyen bien dao vao de thi
Bản đồ tư duy của một học sinh hỗ trợ việc làm bài được nhiều người đánh giá cao

Thậm chí, dù là đề thi thử kỳ thi tốt nghiệp THPT của một địa phương cũng khiến các học sinh chia sẻ khá hào hứng. Cụ thể trong đề thi thử kỳ thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa có câu hỏi 3 điểm ở phần làm văn thu hút sự quan tâm đặc biệt.

“Máu của những người con đất Việt dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Ghi nhận công ơn to lớn đó, chia sẻ nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) là việc làm rất cần thiết của cả cộng đồng và xã hội. Trong lời kêu gọi ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” của đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có đoạn viết: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” để tri ân các chiến sĩ đã ngã xuống vì Hoàng Sa, Trường Sa, để lịch sử không quên, tôn vinh những người con của đất Việt đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc và thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ việc hiểu ý nghĩa của lời kêu gọi trên, anh/chị hãy viết một bài văn thể hiện những suy nghĩ, tình cảm của mình về vấn đề chủ quyền dân tộc”? (Trích đề thi).

Không chỉ các đề thi, các bài văn viết về các sự kiện liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa cũng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Gần đây nhất, trong cuộc thi vẽ sơ đồ tư duy cho Fanpage văn học, bài viết của học sinh Lê Phương Thảo (sinh năm 2000), lớp 10D1, Trường THPT Lý Nhân, Hà Nam thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Điều đặc biệt là học sinh này chọn vấn đề sự hy sinh của người lính Gạc Ma. Một sự kiện mà theo nữ sinh là: “Bạn bè cùng trang lứa hầu như không ai biết sự kiện này, vì vậy em muốn viết một bài nhỏ để chia sẻ. Sau khi bài viết được đăng tải trên mạng, em nhận được rất nhiều bình luận, nhận xét có ích”.

Quả thực, 64 con người, 64 tấm gương sáng của chiến sĩ trên đảo Gạc Ma chiến đấu và hy sinh vào năm 1988 không phải học sinh phổ thông nào cũng biết. Và ngay cả trong các tài liệu giảng dạy chính thống trong trường phổ thông cũng chưa có thì bài viết của Phương Thảo khiến cả những người lớn tuổi bất ngờ về ý thức tự tìm tòi, sự ghi chép tỉ mẩn cả những câu thơ ngoài sách vở miêu tả sự hy sinh này. Bài viết có cả chất văn, chất sử một cách nhẹ nhàng.

Lịch sử phải là môn thi bắt buộc

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ khi đưa các vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa theo dạng đề thi mở vào đề thi môn Ngữ văn. Tuy nhiên, GS Giang nhấn mạnh: “Đừng đố học sinh, theo cách đưa các câu hỏi dạng cái này là cái gì vào đề thi là được. Ở môn Sử chỉ nên yêu cầu vận dụng các kiến thức khác để đánh giá về một sự kiện lịch sử mới xảy ra thì hoàn toàn được. Tôi nghĩ cần khuyến khích đề thi theo dạng mở như thế ở môn Lịch sử lại là tốt”.

can dua chu quyen bien dao vao de thi
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội

“Thậm chí, những người ra đề thi có thể cho một đoạn về sự kiện lịch sử liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa. Yêu cầu người thi từ lịch sử của cha ông, học sinh suy nghĩ gì về sự kiện đó. Với đề thi này, tôi đánh giá là điểm cộng tuyệt vời để thí sinh hoàn toàn có thể vận dụng kiến thức đã học, của lịch sử cha ông nhiều thế hệ trước soi rọi vào có khi lại kích thích được tinh thần, ý thức dân tộc, sự chủ động của học sinh là điều hoàn toàn nên làm”, GS Giang chia sẻ.

Tuy nhiên, GS Giang cũng bày tỏ sự lo lắng rằng: “Những người ra đề ở các kỳ thi quan trọng chưa dám thi theo dạng đề mở mà lại đố cái này là cái gì, không dạy lại hỏi. Tôi vẫn bị ám ảnh bởi cách dạy cũ, ra đề cũ theo kiểu “cái này là cái gì”, không biết là 0 điểm. Rõ ràng, các đề thi ra theo hướng mở, không theo kiểu đánh đố, buộc học sinh vận dụng được các kiến thức đã học để giải quyết vấn đề là tốt. Lấy một vấn đề mới xảy ra nhưng tiếp cận từ bài học truyền thống nêu ra những nhận xét gì là loại đề thi hay. Từ đó, học sinh phải vận dụng kiến thức lịch sử để giải quyết một vấn đề thực tại đang đặt ra mà liên quan rất chặt chẽ đến lịch sử. Còn ở đề thi Ngữ văn, tôi thấy vừa qua nhiều nơi lấy cả các vấn đề đâu đâu cho vào thì vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa, câu chuyện Gạc Ma chắc chắn ý nghĩa hơn nhiều”.

Cùng quan điểm trên, không những ủng hộ việc đưa vấn đề thời sự Biển Đông vào các đề thi, TS Nguyễn Duy Bính còn mong muốn nội dung này sẽ được đưa vào đề thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. TS Bính nêu quan điểm: “Theo tôi, đặc biệt ở các kỳ thi Quốc gia chúng ta càng nên đưa vấn đề này như một cách kích thích học sinh tìm hiểu, nhận thức tự thân, khơi gợi ý thức công dân về vấn đề liên quan đến chủ quyền đất nước, vận mệnh dân tộc trước các nguy cơ xâm lược từ bên ngoài. Nhưng đề thi ra theo hướng đừng làm khó các em. Đặc biệt, ở các kỳ thi quan trọng, quyết định với các học sinh. Câu hỏi liên quan đến vấn đề này nên để mở”.

TS Bính tiếp tục nhấn mạnh về lượng điểm ở câu liên quan đến vấn đề trên. Theo ông là lượng điểm nên vừa phải, làm sao đánh giá được kiến thức xã hội, ý thức công dân. Đặc biệt, sự kiện Gạc Ma cần đưa vào tài liệu giảng dạy để một phần lịch sử của dân tộc được các thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước biết và hiểu đúng.

Theo các chuyên gia, ngoài việc đưa đầy đủ các nội dung giáo dục về Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa mới, Bộ GD&ĐT cần đặt đúng vị thế xứng đáng của môn Lịch sử.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập với thế giới, tăng cường nâng cao lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước đối với thế hệ trẻ thì môn Lịch sử càng phải được đặt ở vị trí quan trọng.

Để học sinh gắn bó với môn Lịch sử, Bộ GD&ĐT phải quy định môn học này là môn bắt buộc phải thi trong kỳ thi THPT Quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ cần tổ chức tập huấn giáo viên môn Địa lý và môn Lịch sử về nội dung và cách thức lồng ghép giáo dục biển đảo trong các môn học có liên quan; tăng cường các hoạt động ngoại khóa về giáo dục biển đảo như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biển đảo; lồng ghép vấn đề chủ quyền biển đảo vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.

Thảo Phượng

Năng lượng Mới 524

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.