Cần đổi mới Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

08:49 | 24/10/2011

551 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tồn tại hay không tồn tại loại hình quỹ này hoặc đổi mới ra sao cơ chế hoạt động của quỹ.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được một số nước trên thế giới, như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Chile, Mexico sử dụng như là một công cụ tài chính hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang chịu nhiều lời chỉ trích hơn là khen ngợi, cả về cơ sở pháp lý, cách thức trích lập, quản lý, sử dụng quỹ… Vậy tồn tại hay không tồn tại loại hình quỹ này hoặc đổi mới ra sao cơ chế hoạt động của quỹ.

Trước hết, cần khẳng định giá xăng dầu có ảnh hưởng mạnh trực tiếp và gián tiếp đến lạm phát ở Việt Nam; những động thái về giá xăng dầu phản ánh và cho thấy sự minh bạch, cũng như sự lành mạnh trong cơ chế thị trường. Hơn nữa, giá xăng dầu còn là thước đo và ảnh hưởng đến uy tín, cũng như hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế – xã hội của Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi… Một khi cơ chế quản lý giá xăng dầu không cho phép ổn định và thị trường hóa giá xăng dầu thì cũng có nghĩa là hiệu quả quản lý Nhà nước đối với giá xăng dầu nói riêng, giá cả thị trường và nền kinh tế vĩ mô nói chung đang chưa đạt yêu cầu đề ra. Tóm lại, đằng sau giá xăng dầu là bức tranh về những triển vọng lạm phát, về sự minh bạch của môi trường đầu tư và cơ chế thị trường, cũng như của uy tín, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước…

Hơn 2 năm qua, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (gọi tắt là Quỹ) được thiết kế và vận hành như là một giải pháp thử nghiệm từ vận dụng kinh nghiệm quốc tế, cũng như kế thừa thực tiễn vận hành Quỹ Bình ổn giá quốc gia.

Quỹ đang được thực hiện trích lập, sử dụng, quản lý theo quy định tại Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Việc trích lập và sử dụng Quỹ là bắt buộc và theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, chứ không phải không phụ thuộc ý chí của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải chấp hành đúng các quy định của Liên bộ Tài chính – Công Thương thông qua các thông báo của Tổ Giám sát liên ngành.

Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đang tiến hành kiểm toán việc trích lập, sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và tại Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Kết quả cuối cùng chưa được công bố; song bước đầu, Kiểm toán Nhà nước cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chưa thấy có vi phạm về hướng dẫn trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá của Liên bộ Tài chính – Công Thương.

Thực tế cũng cho cho thấy, hoạt động của Quỹ đã góp phần nhất định vào việc bình ổn giá thị trường xăng dầu trong một số thời gian nhậy cảm và ở mức cần thiết.

Bên cạnh những thông tin dường như khá minh bạch và an lòng trên đây, người ta vẫn thấy có những bất cập cả trong cơ chế hiện hành, lẫn trong triển vọng hoạt động và vị thế của Quỹ, cụ thể: Thứ nhất, hoạt động trích lập Quỹ qua giá xăng dầu khiến người tiêu dùng chịu thiệt nhiều hơn lợi. Thứ hai, cơ chế quản lý hành chính của Quỹ đi ngược xu hướng và làm méo mó giá cả thị trường. Thứ ba, việc ủy thác quản lý thu trích lập và chi dùng Quỹ cho doanh nghiệp có thể tạo nhiều kẽ hở cho sự lạm dụng và tham nhũng hoặc làm phát sinh chi phí quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ. Thứ tư, hiệu quả và vị thế của Quỹ là chưa thật rõ ràng và thiểu ổn định.

Đặc biệt, cơ chế Quỹ cũng như phân cấp quản lý xăng dầu hiện hành khó cho phép bóc tách, phân biệt các hoạt động kinh doanh xăng dầu với quản lý dự trữ xăng dầu cho bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Điều này dễ gây lãng phí, chồng chéo trong hoạt động quản lý Nhà nước, cũng như dễ tạo cơ hội cho sự lạm dụng và hạch toán thiếu minh bạch vì lợi ích nhóm, cục bộ, nhưng nhân danh “nhiệm vụ chính trị “trong lĩnh vực xăng dầu.

Sự phân tích trên cho thấy, rõ ràng nhu cầu đổi mới mục tiêu và cơ chế hoạt động của Quỹ là hết sức bức thiết và cần quán triệt một số điểm nhấn nguyên tắc sau: Về mục tiêu và tên gọi của Quỹ, thay vì lấy sự ổn định hình thức của giá xăng dầu trong thời điểm “có tính chất chính trị” làm mục tiêu hàng đầu, thì Quỹ cần lấy việc hỗ trợ chuyển nhanh hoạt động kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường làm ưu tiên số 1. Có thể xem xét mở rộng và đổi tên Quỹ thành Quỹ An ninh năng lượng Quốc gia.

Về cơ chế quản lý Quỹ, trước hết, cần nhấn mạnh rằng, dù là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hay Quỹ An ninh năng lượng Quốc gia, thì cũng cần bãi bỏ ngay cơ chế quản lý Quỹ như hiện nay vì vừa yếu, vừa thiếu năng lực và trách nhiệm về pháp lý; tức phải coi đây là Quỹ Quốc gia và phải được quản lý trực tiếp, tập trung bởi Hội đồng Quỹ liên ngành và trực thuộc một cơ quan quản lý Nhà nước thích hợp, trong đó tốt nhất là Bộ Tài chính, hoặc Bộ Công Thương.

Đặc biệt, cần lồng ghép việc thu lập Quỹ qua giá xăng dầu vào một khoản thu ngân sách trực tiếp trong các nguồn thu ngân sách Nhà nước; có thể giữ nguyên tên gọi khoản thu này như một khoản thu ngân sách chính thức mới, nhưng “mềm” về mức thu và thời gian áp dụng hoặc tiện nhất là lồng ghép với thu qua thuế xuất – nhập khẩu xăng dầu. Điều này là cần thiết để khắc phục các bất cập trong hình thành và quản lý Quỹ hiện hành, đồng thời tạo sự linh hoạt trong quản lý Quỹ cho mục tiêu mới nêu trên của Quỹ, cũng như cho các mục tiêu quản lý Nhà nước khác có thể đặt ra; Điều này còn giúp giải tỏa tâm lý xã hội đầy bức xúc trước quá nhiều các khoản thu phức tạp cộng vào giá xăng dầu, nhất là tâm lý cho rằng việc thu và quản lý Quỹ như hiện nay làm tăng quyền hạn và sự phiền hà, cũng như chỉ có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, cần tách bạch nhiệm vụ, cơ chế quản lý xăng dầu cho mục tiêu dự trữ bảo đảm an ninh xăng dầu với nhiệm vụ kinh doanh xăng dầu vì mục tiêu thương mại của các đầu mối về xăng dầu hiện nay và trong tương lai.

Trên hết, cần bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng trong mục tiêu và tính có thể dự báo được, cũng như tăng cường thông tin và trách nhiệm giải trình trong cơ chế hoạt động của Quỹ.

Nguyễn Minh Phong