Cần điều tra làm rõ việc phê duyệt, thẩm định dự án Formosa

13:47 | 11/07/2016

4,498 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Đây là dự án đầu tư của nước ngoài được phê duyệt rất nhanh, và sau đó thảm họa cũng rất nhanh, mặc dù chỉ mới đưa vào sử dụng…" -  Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh tại phiên họp thứ 50 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 11-7.

Thảo luận đầu phiên họp về sự cố ô nhiễm môi trường Formosa, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đề nghị lãnh đạo các bộ ngành thông tin thêm một số vấn đề khác mà qua thẩm tra phát hiện được, ví dụ việc sử dụng lao động người nước ngoài ở Formosa.

Trình bày tóm lược việc kiểm tra, xử lý tại khu công nghiệp này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Hiện Formosa đang trong giai đoạn thử nghiệm, trước khi các cơ quan quản lý Nhà nước vào kiểm tra và cho phép hoạt động. Có 6 nhà thầu nước ngoài tham gia, liên quan đến chuyển giao công nghệ và lắp ghép các thiết bị, vận hành xử lý nước thải và 6 nhà thầu này hầu hết đều từ Trung Quốc.

can dieu tra lam ro viec phe duyet tham dinh du an formosa
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà: phát hiện 53 vi phạm tại Formosa

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, qua công tác kiểm tra phát hiện 53 hành vi vi phạm về hành chính tại Formosa, trong đó liên quan đến quá trình thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công, và phát hiện có dấu hiệu xảy ra sự cố trong triển khai hệ thống xử lý, chưa đúng quy trình và chưa đúng quy định của pháp luật.

“Đặc biệt có một hành vi nghiêm trọng là tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc từ khô (thân thiện với môi trường) sang ướt, phát tán ra môi trường nhiều khí thải. Đây là công nghệ họ hoàn toàn tự ý điều chỉnh, là một trong những nội dung bằng chứng pháp lý quan trọng. Tuy nhiên việc thay đổi này không liên quan sự cố môi trường mà liên quan đến việc vi phạm các quy định của ta. Trên thực tế nguồn thải nguy hiểm nhất chính là lò luyện cốc, tại đấy nguồn thải xử lý ra qua trạm sinh hoá thì chỉ mới chạy ¼ công suất, nên việc ô nhiễm môi trường vừa qua là do sự cố”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo ông, nếu vận hành đúng quy định, triển khai chặt chẽ thì hoàn toàn có thể kiểm soát được việc xử lý chất thải ra môi trường ở Formosa. Sau khi họ thừa nhận trách nhiệm, phía Chính phủ đang thực hiện các giải pháp đồng bộ kiểm soát, giám sát để buộc họ khắc phục hậu quả sự cố…

Đối với vấn đề quản lý lao động người nước ngoài tại Formosa, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & xã hội Phạm Minh Huân cho biết, Bộ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra việc cấp giấy phép cho lao động người nước ngoài, qua đó nhận thấy 70% lao động tại Formosa được cấp giấy phép, còn con số nhà thầu thì luôn luôn biến động theo từng giai đoạn. “Hiện con số người lao động nước ngoài ở Formosa chúng tôi đã giao cho Hà Tĩnh cấp giấy phép và chúng tôi được biết là họ đã thực hiện theo đúng quy định”, ông Huân khẳng định.

can dieu tra lam ro viec phe duyet tham dinh du an formosa
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến yêu cầu điều tra làm rõ nguyên nhân chủ quan trong phê duyệt, thẩm định dự án Formosa

Cũng đề cập đến Formosa, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, việc khắc phục hậu quả môi trường cần phải nhấn mạnh giải pháp xử lý. Vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, chúng ta đã đấu tranh buộc Formosa phải nhận trách nhiệm, đặc biệt đối với một tập đoàn đã có kinh nghiệm đối phó và gây ra thảm hoạ môi trường trên thế giới. Hiện chúng ta cần phải nhấn mạnh việc điều tra làm rõ nguyên nhân chủ quan trong việc phê duyệt, thẩm định dự án này.

“Theo thông tin chúng tôi nhận được, đây là dự án đầu tư của nước ngoài được phê duyệt rất nhanh, đánh giá tác động môi trường được phê duyệt rất nhanh, yêu sách của nhà đầu tư được đáp ứng rất nhanh, và sau đó thảm hoạ cũng rất nhanh, mặc dù chưa đưa vào sử dụng, chỉ mới trong giai đoạn vận hành… Cần làm rõ nguyên nhân thì sau này mới có uy tín với cử tri và nhân dân”, ông Chiến nhấn mạnh.

Theo ông, qua sự cố Formosa, một dự án được cấp phép 70 năm, ở một địa bàn nhạy cảm như vậy, có nên đưa vào loại dự án cần phải phê duyệt, xét duyệt ở cấp độ nào; có nên đưa vào loại công trình trọng diểm quốc gia hay không. “Cần phải đánh giá, làm rõ những nguyên nhân chủ quan của chúng ta, để có giải pháp khắc phục, tới đây tiếp tục thực hiện như thế nào, có điều chỉnh lại quy mô dự án, điều chỉnh lại ưu đãi hay không... Không thể nói chung chung như báo cáo là khắc phục ô nhiễm môi trường, mà phải có giải pháp khắc phục triệt để, đồng thời không để xảy ra tiêu cực ở các dự án khác”, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị.

Q.Vinh

Công an nhân dân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc