TS Nguyễn Trí Hiếu:

Cần đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT

15:12 | 27/08/2017

924 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa qua, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% đã tạo nên những tranh luận “nóng” trong dư luận xã hội. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng.

PV: Vừa qua, Bộ Tài chính có đề xuất tăng thuế VAT, ông có nhận xét gì về đề xuất này?

can danh gia tac dong cua viec tang thue vat

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi ủng hộ chủ trương cải cách chính sách thuế để đáp ứng nhu cầu ngân sách cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Riêng về đề xuất tăng thuế VAT, theo tôi, việc Bộ Tài chính lập luận rằng, thuế suất VAT của nước ta so với thế giới là thấp và chính vì thế cần điều chỉnh để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế là chưa thuyết phục lắm. Bởi vì để có một sự so sánh cần có nghiên cứu rộng rãi về tình hình tài chính cũng như các loại thuế của các nước khác. Như ở Mỹ không có thuế VAT mà áp dụng thuế “sales tax”, thuế bán hàng, đánh vào người tiêu thụ cuối cùng, trong khi thuế VAT của Việt Nam là đánh vào người mua. Ví dụ, một sản phẩm được sản xuất ra từ đơn vị 1 bán cho đơn vị thứ 2, 3, 4 và cuối cùng cho người tiêu dùng thì ở mỗi công đoạn, người mua phải chịu thuế VAT. Nếu tính cộng dồn lại qua các công đoạn thì thuế VAT mà người tiêu dùng cuối cùng phải chịu là rất cao chứ không chỉ dừng lại ở 10%. Thành ra sự so sánh đó không thuyết phục.

Phải có sự nghiên cứu và so sánh chính sách thuế ở nhiều quốc gia và còn tùy thuộc vào điều kiện ở từng quốc gia, chứ lấy thuế suất 10% của Việt Nam so sánh với các nước châu Âu thì có thể rất thấp vì các nước đó thuế suất khoảng 20%, thậm chí cao hơn, nhưng so với các quốc gia khác trong khu vực thì như thế nào?

Bộ Tài chính cần có nghiên cứu sâu rộng, cụ thể bằng những con số. Như việc tăng thuế suất VAT từ 10 lên 12% sẽ tác động như thế nào đến ngân sách quốc gia và người dân?

PV:Ông đánh giá thế nào về sự tác động của việc tăng thuế VAT?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Việc tăng thuế nhằm vào hai đối tượng là Chính phủ và người dân. Chính phủ là cơ quan luôn muốn tăng thuế để cân đối ngân sách, còn người dân luôn muốn giảm thuế để hỗ trợ cho đời sống sinh hoạt. Hướng vào hai đối tượng này Bộ Tài chính cần có nghiên cứu sâu rộng, cụ thể bằng những con số. Như việc tăng thuế suất VAT từ 10% lên 12% sẽ tác động như thế nào đến ngân sách quốc gia và người dân?

can danh gia tac dong cua viec tang thue vat
Giá cả hàng hóa sẽ tăng nếu tăng thuế VAT

Về phía người dân, tùy theo thu nhập của họ mà việc tăng thuế ảnh hưởng khác nhau. Đặc biệt, người dân Việt Nam với thu nhập trung bình chỉ hơn 2.000USD/người/năm, có nghĩa là có những người thu nhập rất thấp. Với những người thu nhập thấp thì tăng thuế 2% là rất nhiều, nhưng đâu phải chỉ là trả thuế VAT cho món hàng mình cần mà tất cả món hàng khác cũng theo “cơn bão giá” mà tăng và nhiều sản phẩm khi ra được ngoài thị trường lại trải qua rất nhiều công đoạn phải chịu thuế VAT. Thành ra, cộng dồn lại thì người thu nhập thấp bị tác động rất lớn.

PV: Theo Bộ Tài chính, tăng thuế là giải pháp làm giảm tình trạng mất cân đối ngân sách, ông có đồng tình với lập luận đó?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Với đề xuất điều chỉnh 5 luật thuế của Bộ Tài chính, trong đó có thuế VAT thì chỉ là nhắm đến đầu vào. Còn đầu ra là sử dụng ngân sách như thế nào thì chưa được nói đến. Nếu chỉ nói khâu bổ sung ngân sách từ đầu vào thì người dân có cảm tưởng như là Chính phủ đang tìm cách tận thu. Trong khi vế bên kia là vế chi, chi ngân sách thường xuyên, chi đầu tư công… thì chưa được bàn đến. Tôi đề nghị cần làm rõ cả hai vế chi và thu, như vậy sẽ thuyết phục hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Đức Thuận - giảng viên Khoa Thuế - Hải quan, Đại học Tài chính - Marketing:

Nếu tăng thuế VAT từ 10% lên 12% sẽ tác động rất lớn vì đây là thuế đánh trực tiếp vào người tiêu dùng, cho nên sẽ ảnh hưởng đến đời sống của tất cả mọi người dân. Bởi khi thuế VAT tăng thì kéo theo giá tất cả các loại hàng hóa cũng sẽ tăng. Đơn cử như giá bất động sản sẽ tăng lên bởi cát, đá, gạch… đều tăng giá do tăng thuế VAT, người tiêu dùng phải gánh chịu.

Bộ Tài chính lập luận thuế VAT của nước ta thấp khi so với các nước EU nhưng nếu so với các nước Đông Nam Á thì thuế VAT của nước ta cũng thuộc dạng cao. Do đó, để bù đắp ngân sách còn những giải pháp khác để tăng nguồn thu như: cổ phần hóa doanh nghiệp lớn; đấu giá những tài sản mà Nhà nước còn nắm giữ quá nhiều; giảm chi phù hợp, hạn chế lãng phí và thất thoát ngân sách…

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, Bộ Tài chính cần làm rõ cơ sở nào để lấy mức tăng là 2%? Nếu cứ đưa ra một con số mà không có sự giải thích thì sẽ không thuyết phục.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế hiện hành gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng thuế VAT từ 10% lên 12%; bổ sung nhiều hàng hóa như: trà, cà phê đóng gói, nước ngọt… vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống còn 5 bậc.

Mai Phương