Cần có những cú hích cho điện mặt trời

07:14 | 21/09/2017

924 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các chuyên gia tham dự Hội thảo khởi động “Đánh giá tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời (ĐMT) nối lưới quốc gia tại Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cho rằng, để phát triển ĐMT, cần thêm những chính sách mới và phải có thêm các ưu đãi về thuế, cơ sở hạ tầng...  

Ông Nguyễn Sỹ Chí - Phó giám đốc Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương: Cần mở thêm cơ chế về giá cho ĐMT

can co nhung cu hich cho dien mat troi

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 16 quy định các dự án ĐMT được hưởng cơ chế giá bán điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScent/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỉ giá VND/USD). Thông tư này sẽ là cú hích tạo đà cho phát triển điện năng lượng mặt trời. Vì hiện Việt Nam đang là một nước sử dụng điện rẻ nhất trong khu vực và thế giới do được Nhà nước bảo hộ về giá. Việc tăng giá bán ĐMT ở thời điểm này rất tốt, nhưng giá chỉ áp dụng đến năm 2019, như vậy chỉ mang tính tạm thời.

Cá nhân tôi cho rằng, chính sách này phải kéo dài hơn nữa, vì các dự án ĐMT phải mất 20-30 năm để thực hiện. Câu hỏi đặt ra là, với các nhà đầu tư thì liệu sau năm 2019, giá điện sẽ như thế nào để còn tính phương án đầu tư? Còn nếu chính sách mang tính dài hơi thì sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư hơn.

Cùng với việc tăng giá bán điện cho ĐMT, từ góc độ nhà đầu tư, tôi cho rằng, cần có thêm chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư trong vấn đề mặt bằng. Như hiện nay, giá đất thuê 50 năm cho dự án vẫn còn khá cao, mặc dù tại các tỉnh, thành phố đều có những chính sách riêng, nhưng đó cũng là một trong những yếu tố trở thành một phần rào cản cho các nhà đầu tư.

Ông Yannis Vasilopoulos - Chuyên viên tư vấn của Chương trình Hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương/GIZ: Phát triển ĐMT không nên vội vàng

can co nhung cu hich cho dien mat troi

Theo tôi, những khó khăn mà các bạn đang vấp phải như chính sách, cơ chế, giá, nguồn vốn đầu tư... là khó khăn mà tất cả các nước đang phát triển năng lượng mặt trời đều gặp phải ở những giai đoạn đầu. Tại các nước lớn, điều quan trọng nhất đó chính là phải lựa chọn và đánh giá chính xác được những khu vực mà cùng một lúc đáp ứng được những tiêu chí khác nhau như: nơi có khúc xạ mặt trời tốt, có thể dễ dàng đấu lưới và nhu cầu về tải trên khu vực.

Một vấn đề nữa mà các bạn đang gặp phải, đó chính là diện tích đất để làm ĐMT quy mô lớn. Vì để đầu tư, thì ĐMT thường quy hoạch ở những khu vực hoang hóa. Nhưng ở Việt Nam, những khu vực như vậy lưới điện lại không tốt, đây lại là một trong những khó khăn của các đơn vị làm ĐMT hiện nay. Như tôi được biết, ở đất nước các bạn có ý tưởng sử dụng các mặt hồ thủy điện để lắp các tấm pin năng lượng mặt trời, vừa để tận dụng diện tích mặt nước trên các đập vừa tiện nối lưới, đây là một trong những ý tưởng lạ và hay. Ở trên thế giới có một số nước thí nghiệm nhưng chỉ dừng ở dạng nhỏ để họ có thể tính toán được chi phí lắp đặt, chi phí bảo trì bảo dưỡng như thế nào, chứ chưa có ở đâu triển khai tận dụng sản xuất ĐMT trên mặt hồ thủy điện như vậy, hy vọng rằng các bạn sẽ thành công.

Ông Trần Hồng Kỳ - Chuyên gia Năng lượng, Ngân hàng Thế giới: Thí điểm đấu thầu để giảm giá điện từ ĐMT

can co nhung cu hich cho dien mat troi

Hiện nay, ĐMT phát triển ở nhiều nước trên thế giới, ở thời điểm này có Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang phát triển rất mạnh, nhưng mỗi nước có một đặc thù riêng, chúng ta không thể nôn nóng mang cách làm ở nước bạn sang áp dụng ở nước ta được, phải xem cách nào cho phù hợp.

Giá ĐMT mới được công bố, dư luận cho rằng đó là cao, nhưng phải xét lại trên diện rộng, đầu tư ĐMT rất đắt nhưng hiệu quả về môi trường lại rất cao. Cùng với đó, thủy điện hay điện than đều được Nhà nước bảo hộ về giá, nhưng ĐMT thì không có và nếu ĐMT không có giá cạnh tranh thì sẽ rất khó có thể khả thi được. Hiện tại, chúng ta chỉ có thể tìm cách để làm sao có thể giảm giá thành, trong đó phải có ưu đãi về chính sách, nguồn vốn để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo ý kiến của Ngân hàng Thế giới, có thể áp dụng phương pháp đấu thầu để giảm giá thành. Khi chúng ta đưa được giá ĐMT thấp ngang với giá điện từ thủy điện hay điện than, thì các nhà đầu tư mới có cơ sở để làm. Đó là một trong những cách làm mà trong thời gian tới, Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để làm thí điểm. Theo tôi nghĩ, đây sẽ là một trong những cách để ổn định giá điện từ ĐMT nhằm tạo đà cho các nhà đầu tư triển khai các dự án tại Việt Nam.

Không đợi ban hành giá, nhiều nhà đầu tư vẫn xây dựng dự án

Hội thảo khởi động “Đánh giá tiềm năng phát triển dự án ĐMT nối lưới quốc gia tại Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030” là hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (4E) do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) hợp tác với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương triển khai dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).

Phát biểu tại hội thảo, bà Sonia Lioret - Trưởng Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng của GIZ - cho biết: Năm 2017, tổng công suất lắp đặt của ĐMT trên toàn thế giới tăng 30%, tại Trung Quốc tăng gấp đôi. Chính vì vậy, “việc khởi động quá trình đánh giá tiềm năng ĐMT là một bước quan trọng. Quá trình này sẽ giúp xác định được danh sách các dự án ĐMT và các tiêu chí để phát triển dự án. Quá trình đánh giá cũng sẽ đem lại những thông tin chuyên sâu về tiềm năng ĐMT và thực trạng phát triển hiện nay tại Việt Nam.

Theo bà Sonia Lioret, thực tế cho thấy, các nhà đầu tư đã không đợi đến khi Chính phủ công bố mức giá mua điện, họ đã xác định các khu vực tiềm năng để xây dự án từ rất sớm. Vì vậy, điều quan trọng là không chỉ tìm hiểu về tiềm năng mà còn tìm hiểu về hoạt động đầu tư đang diễn ra, để có thể lập quy hoạch một cách hiệu quả nhất.

Diệu Thuần

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps