Cần có “nhạc trưởng” cho các cảng biển vùng Đông Nam Bộ

08:00 | 28/02/2018

|
(PetroTimes) - Trong 6 nhóm cảng biển trên phạm vi cả nước, nhóm cảng biển vùng Đông Nam Bộ được đánh giá là có vai trò quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhóm cảng này còn chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu vai trò của một “nhạc trưởng”.

Năng lực cao, hiệu quả thấp

Để nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng các cảng biển Đông Nam Bộ, từ năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải”. Trong đó, những mục tiêu quan trọng của đề án là nhằm điều chỉnh, cân đối cung cầu hàng hóa và bến cảng để nâng cao hiệu quả khai thác những bến cảng đã được đầu tư. Từ đó, thu hút hàng hóa trung chuyển về các bến cảng nhằm tận dụng khả năng tiếp nhận tàu lớn để thực hiện dịch vụ trung chuyển quốc tế.

can co nhac truong cho cac cang bien vung dong nam bo
Tạp chí hàng hải Alphaliner xếp hạng cụm cảng Cái Mép có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2016, với 35,3%

Tuy nhiên, trên thực tế tình hình khai thác hạ tầng cảng biển của cả khu vực chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bởi số lượng hàng hóa thông qua các cảng biển này dù có tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế. Số liệu thống kê từ Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) cho thấy, tỷ trọng hàng hóa thông qua cảng biển TP HCM đã giảm dần từ 65,2% xuống 56,7%; tỷ trọng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu từ 30,6% lên 35,2% và cảng biển Đồng Nai từ 4,2% tăng lên 8% (số liệu so sánh giữa năm 2013 và 2016).

Tại các bến cảng tổng hợp, container tại khu vực Cái Mép - Thị Vải thông qua khoảng 40,9 triệu tấn đạt khoảng 45% công suất thiết kế. Riêng hàng container năm 2016 thông qua bến cảng Cái Mép đạt 2,03 triệu teus (1 teus bằng 1 container 20 feet). Tuy có tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng mới đạt 30% công suất xếp dỡ của các bến cảng container trong khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Trong khi đó, năm 2016 cảng Cát Lái tăng trưởng 8,2% so năm 2015, đạt xấp xỉ 4 triệu tấn, tiếp tục tạo áp lực lên mạng lưới giao thông đường bộ, gây ùn tắc giao thông vốn dĩ đã quá tải. Không chỉ vậy, việc tập trung hàng hóa lớn ở các cảng khu vực TP HCM, dẫn đến tình trạng hàng hóa đi thị trường biển xa Âu, Mỹ sẽ tiếp tục trung chuyển tại các cảng biển Singapore, Hongkong (Trung Quốc). “Việc này làm tăng chi phí vận tải, dẫn đến giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trong nước” - đại diện một công ty hàng hải cho biết.

Đề xuất mô hình “chính quyền cảng”

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhóm cảng biển ở Đông Nam Bộ hiện đảm nhận khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Vì vậy, ngay thời điểm hiện tại cần phải có một giải pháp tổng thể để quản lý đầu tư, khai thác hiệu quả, trong đó giải pháp vĩ mô để điều tiết hiệu quả hàng hóa giữa các cảng biển là yếu tố quan trọng nhất.

Để có vai trò “đầu tàu” điều tiết nhóm cảng biển này, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đề xuất cần phải hình thành sớm mô hình “chính quyền cảng”. Bởi tổ chức này sẽ điều hành, kết nối, phối hợp, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển cho cả cụm cảng.

“Chính quyền cảng sẽ là đầu mối hỗ trợ rất lớn trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh doanh và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, đặc biệt thực hiện tốt cơ chế một cửa trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả và hiệu suất của cả cụm cảng” - Hiệp hội Cảng biển Việt Nam nhấn mạnh.

Được biết, hiện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang nghiên cứu mô hình quản lý cảng biển tại khu vực Cái Mép - Thị Vải và sẽ có báo cáo lấy ý kiến các bộ, ngành sau khi hoàn thành. Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang triển khai nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cảng. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để đảm bảo trong tương lai việc quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển sẽ đồng bộ với quy hoạch khác như: giao thông kết nối, logistics, phát triển đô thị… đúng phân kỳ, trọng điểm đầu tư.

Nhằm tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần phát huy vai trò liên kết vùng để đảm bảo tính đồng bộ. Trước mắt, để nâng cao năng lực thủy nội địa thì cần sớm nâng cấp các cầu trên sông Sài Gòn, Đồng Nai…

An An