Cần có cái nhìn bình tĩnh về TPP!

07:02 | 05/11/2015

964 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, các lợi ích TPP mang lại chỉ có được ít nhất là trong trung hạn. Việc kết thúc đàm phán mới là 50% chặng đường mà TPP phải đi qua, nên chúng ta cần có cái nhìn bình tĩnh về TPP.

Phát biểu tại Hội nghị Đầu tư tổ chức tại TP HCM vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: “Những cơ hội và thách thức của TPP chỉ có thể xuất hiện nếu TPP trở thành hiện thực, tức là được Quốc hội các nước tham gia thông qua và đi vào thực hiện. Việc kết thúc đàm phán chỉ là 50% chặng đường mà TPP phải đi qua. Vẫn còn 50% chặng đường trước mắt với không ít khó khăn, vất vả. Do đó, chúng ta cần có cái nhìn bình tĩnh về TPP.

can co cai nhin binh tinh ve tpp
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Các dự đoán về cơ hội TPP mang lại hiện nay đều chỉ được xây dựng dựa trên giả định, trong điều kiện không có những biến động xảy ra. Cơ hội hay lợi ích to lớn đó không đến ngay lập tức, bởi nhiều cam kết của TPP, đặc biệt là các cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu được xây dựng theo lộ trình nên ngay khi hiệp định có hiệu lực lợi ích có được cũng không lớn lắm. Đặc biệt lưu ý là TPP phải mất khoảng 1,5-2 năm để được thông qua, cho nên lợi ích mà chúng ta hy vọng ở TPP chỉ có được ít nhất trong trung hạn, 4-5 năm nữa.

Và muốn biến cơ hội thành hiện thực phải có năng lực nắm bắt. Năng lực này thể hiện ở tầm quốc gia là phải có hạ tầng, điện, đường, cầu cảng, sân bay để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài và các hạ tầng mềm như chất lượng lao động, bộ máy hành chính... Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc vào năng lực đổi mới tư duy của doanh nghiệp, phải chuyển từ tư thế thụ động sang chủ động, cạnh tranh về giá rẻ sang cạnh tranh bằng chất lượng”.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thông tin về một số cam kết mới trong TPP đang nhận được sự quan tâm của dư luận như: Vấn đề mua sắm chính phủ và các cam kết về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Trong đó, việc mua sắm Chính phủ là điều lần đầu tiên chúng ta cam kết. Trong cam kết này, các nước TPP đặt ra bộ quy tắc chung cho việc mở cửa thị trường mua sắm của các cơ quan Chính phủ. Cơ bản là phải sử dụng hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi, cho phép nhà thầu các nước TPP tham gia vào mua sắm ở các cơ quan Chính phủ; không áp dụng các điều kiện dự thầu mang tính ưu tiên doanh nghiệp, hàng hóa dịch vụ trong nước; minh bạch hóa thông tin, thủ tục đấu thầu ở tất cả các khâu và phải có một quy trình để bảo đảm sự liêm chính trong đấu thầu.

Tuy nhiên, TPP không yêu cầu các quốc gia mở cửa thị trường mua sắm ở các chính phủ địa phương - Ở nước ta là các cơ quan hành chính cấp tỉnh, thành phố và không yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm trong lĩnh vực an ninh.

Về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), TPP thừa nhận quyền của các quốc gia trong việc duy trì và sử dụng DNNN là công cụ để thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội quan trọng. TPP chỉ yêu cầu nếu DNNN tham gia cạnh tranh trên thị trường phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhà nước không được trợ cấp quá mức cho DNNN, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của các đối tác TPP khác. Nếu DNNN có vị trí độc quyền hoặc đặc quyền thì không được phép có các hành vi phản cạnh tranh và cần minh bạch hóa một số thông tin trong hoạt động.

Các cam kết trên chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp mà Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ và có một ngưỡng doanh thu nhất định. Cho nên sẽ không có quá nhiều DNNN chịu sự điều chỉnh của TPP. Việt Nam cũng bảo lưu việc loại trừ các DNNN có hoạt động liên quan đến an ninh, quốc phòng và các doanh nghiệp trực thuộc các tỉnh, thành phố khỏi phạm vi điều chỉnh của TPP.

Đánh giá về cơ hội do TPP mang lại, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, “TPP sẽ góp phần giúp ta cân đối lại thị trường xuất nhập khẩu, giảm phụ thuộc quá mức vào một thị trường nhất định. Vì hiện nay, xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc tương đối lớn vào khu vực Đông Á, chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

TPP cũng đem lại cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, khi thuế trên các thị trường đích như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada giảm xuống sẽ tạo cơ hội cho hàng xuất khẩu của nước ta. Các ngành hàng như: dệt may, da giày, nông thủy sản sẽ là những ngành hàng được hưởng lợi ích lớn khi TPP đi vào vận hành.

Từ cơ hội tiếp cận những thị trường lớn, kết hợp với các cam kết về cải thiện, minh bạch hóa môi trường kinh doanh, sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra năng lực sản xuất mới.

Quan trọng nhất là với các cam kết sâu, rộng hơn của TPP trên nhiều lĩnh vực sẽ giúp cho nền kinh tế nước ta phân bổ nguồn lực hợp lý, hiệu quả hơn, từ đó TPP sẽ hỗ trợ tích cực cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế cũng như đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, TPP hướng tới một môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hóa, khuyến khích sự tham gia của công chúng vào quá trình xây dựng chính sách nên sẽ tác động rất tốt để chúng ta hoàn thiện thể chế kinh tế và tăng cường cải cách hành chính. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư được hưởng lợi”.

Bên cạnh cơ hội, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, cũng có những mặt rủi ro, thách thức từ TPP như: Thách thức trong xây dựng khuôn khổ pháp luật mới, cải cách bộ máy hành chính, thách thức trong cạnh tranh...

Trong cạnh tranh, có những ngành sẽ khá khó khăn, như nông nghiệp. Vì nông nghiệp không dễ dàng thay đổi cơ cấu trong “một sớm một chiều”. Và khó khăn nhất có lẽ là thịt lợn và thịt gà, hai mặt hàng nước ta có sản xuất nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Với sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp còn yếu, trước yêu cầu của TPP về cơ bản xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu thì chúng ta phải có cách làm mới; tạo ra thật nhiều cơ hội xuất khẩu để cho người nông dân dần chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng chú trọng các sản phẩm mà chúng ta có thế mạnh và cố gắng tạo ra thời gian chuyển đổi đủ dài để người nông dân và doanh nghiệp có thời gian để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh.

Các lĩnh vực hàng hóa khác cũng gặp khó khăn nhất định nhưng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thì khó khăn không lớn vì cơ cấu hàng xuất nhập khẩu của các nước TPP về cơ bản không cạnh tranh đối đầu trực tiếp với ta mà bổ sung cho nhau. Ngay cả các mặt hàng đang sản xuất, các nước khác trong TPP cũng hướng đến phân khúc cao cấp hơn chúng ta. Chúng ta hiện nay vẫn chủ yếu hướng đến phân khúc thị trường trung bình.

Có thể nói Việt Nam là nước được hưởng nhiều linh hoạt nhất trong thực thi các cam kết trong số các quốc gia tham gia đàm phán TPP.

Dự phòng trường hợp có quốc hội một nước nào đó trong TPP không đồng ý thông qua hiệp định, TPP có thiết kế điều khoản cho phép chỉ cần một số lượng nhất định các quốc gia trong TPP thông qua thì hiệp định cũng có hiệu lực.

Lê Mai

Năng lượng Mới 471