Cận cảnh Tam Giác Vàng (Kỳ 2)

07:05 | 12/01/2015

1,725 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (PetroTimes) - Cũng giống như ở Việt Nam, nước CHDCND Lào có 4 ngã ba biên giới. Ngã ba thứ nhất là ở cực Tây Bắc tiếp giáp với Myanmar và Thái Lan. Địa điểm của ngã ba này thuộc bản Mom, huyện Ton Pheng, tỉnh Bò Kẹo. Ngã ba biên giới nữa là tiếp giáp với Việt Nam và Campuchia tại tỉnh At Ta Pư, giáp với huyện Ngọc Hồi của tỉnh Kon Tum. Nhưng bấy lâu nay, hầu như không mấy ai biết là cột mốc ngã ba biên giới ở cực Tây Bắc nước Lào ấy nằm tại đâu?

>> Cận cảnh Tam Giác Vàng (Kỳ 1)

Kì 2: Đi tìm cột mốc ngã ba biên giới Lào - Thái Lan - Myanmar

Nói đến khu vực Tam Giác Vàng thì phải nói tới ba địa danh mới đủ. Phía Lào là toàn bộ khu vực huyện Tôn Pheng của tỉnh Bò Kẹo và cột mốc số 01 ở ngã ba biên giới nằm ở Bản Mom của Tôn Pheng.

Phía Thái Lan là khu vực huyện Chiang Sean thuộc tỉnh Chiang Rai và phía Myanmar là cả một khu vực rộng lớn của tỉnh Takilek và tỉnh Mong Hay.

Muốn đi lên cột mốc ngã ba biên giới ở Bản Mom có hai đường.

Đường thứ nhất là ra bến tàu thủy mua vé tàu đi qua Luông Pha Băng và đến thị xã Huổi Sai thủ phủ tỉnh Bò Kẹo. Mùa này, nước sông Mê Kông cạn kiệt cho nên chỉ có những loại thuyền thoi đuôi én mới đi được. Đi tàu thủy ngược nước nên phải mất 2 ngày mới tới.

Đường thứ hai là đi đường bộ. Từ Viêng Chăn đi ngược phía bắc, qua Văng Viêng - Phu Khun rồi qua tỉnh Viêng Chăn, qua Luông Pha Băng, qua tỉnh U Đom Say, Luông Nậm Thà rồi mới tới Bò Kẹo. Quãng đường này hơn 900km. Nhìn trên bản đồ thì từ Viêng Chăn đi Bò Kẹo, nếu theo đường thẳng chỉ hơn 500km.

Nhưng đi lên các tỉnh phía bắc Lào, chỉ có một con đường. Cho nên phải ngược lên tận Luông Nậm Thà rồi mới quặt xuống. Quãng đường buộc phải “mua” này dài có hơn... 400km, mà lại quá nửa là đường xấu. Đó là chưa nói đến đèo dốc ở đây cũng chẳng thua kém gì đường lên ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào ở Điện Biên.

Sau khi đến Huổi Sai thì phải đi hơn 70km nữa mới tới điểm được gọi là ngã ba biên giới. Như vậy, nếu lấy tròn số, thì từ Viêng Chăn đi lên cột mốc ngã ba biên giới Lào - Thái Lan - Myanmar đúng 1.000km.

Chúng tôi đến Công an tỉnh Bò Kẹo sau một ngày rưỡi chạy xe ôtô cật lực. Thời tiết ở Bò Kẹo mùa này thật khó chịu. Trời nóng hầm hập cứ như có chảo than đang rạc úp xuống đầu. Nắng ong ong và không gian lại cứ mù mù như đang bị bao phủ bởi màn khói mỏng.

Chúng tôi được mời vào phòng làm việc của Thượng tá Hum Phênh, Phó giám đốc Công an tỉnh. Đó là một căn phòng chỉ rộng khoảng 14m2, có một bàn làm việc của Phó giám đốc, một bàn họp đủ chỗ cho 8 người... và một chiếc tủ nhỏ. Tất cả chỉ có vậy, trên tường không tranh ảnh, không có tivi, tủ lạnh... Vật trang trí duy nhất là phiên bản tượng đài Chiến thắng Điện Biên đặt trên bàn làm việc và một cuốn lịch Công an nhân dân Việt Nam.

Thượng tá Hum Phênh, ân cần hỏi thăm sức khỏe của đoàn chúng tôi rồi vào việc ngay.

Bò Kẹo là tỉnh ở Tây Bắc Lào và là tỉnh duy nhất tiếp giáp với vùng Tam Giác Vàng. Tỉnh Bò Kẹo mới được thành lập từ năm 1983 trên cơ sở địa lý lấy 2 huyện của Luông Nậm Thà, hai huyện của U Đom Say. Bò Kẹo - tiếng Lào có nghĩa mỏ đá quý.

can canh tam giac vang ky 2

Cột mốc ngã ba biên giới Lào - Thái Lan - Myanmar.

Trước năm 1975, khu vực này có nhiều đá quý nổi tiếng, nhưng do khai thác vô tổ chức nên nguồn đá bây giờ không còn đáng là bao. Tỉnh Bò Kẹo có diện tích nhỏ nhất Lào, chỉ hơn 7.000 km2 (gấp 2 lần thành phố Viêng Chăn) và số dân chưa đầy 15 vạn. Tỉnh có 35km giáp biên với Thái Lan – mà đường biên là con sông Mê Kông, giáp với tỉnh Xiêng Tùng của Myanmar 98km. Trước giải phóng năm 1975, đây là khu vực trồng khá nhiều thuốc phiện và được nhóm của Khun Sa mua lại, chế biến rồi “xuất khẩu” sang Mỹ.

Từ năm 1985, bằng nhiều biện pháp quyết liệt, Chính phủ Lào đã cơ bản xóa được diện tích trồng thuốc phiện ở tỉnh vào năm 2006. Do vị trí địa lý đặc biệt như vậy, nên tỉnh Bò Kẹo từ lâu đã trở thành trung tâm cho bọn buôn lậu ma túy lợi dụng nơi này làm “kho” tàng trữ ma túy và từ đây tỏa đi các nơi. Chính vì là nơi nóng bỏng như vậy cho nên từ năm 2005 đến nay, lãnh đạo Bộ An ninh Lào đã tăng cường cho Công an tỉnh thêm 50 cán bộ, chiến sĩ chuyên trách chống ma túy.

Thượng tá Hum Phênh mời Thiếu tá Bun Phet Phum Sa Van, Phó phòng Điều tra ma túy báo cáo để giúp tôi hiểu kỹ về tình hình đấu tranh buôn bán ma túy tại Bò Kẹo.

Theo Thiếu tá Bun Phet, việc chống buôn bán ma túy tại đây còn gặp nhiều khó khăn trước hết là do tình hình kinh tế của đa số người dân trong tỉnh còn khó khăn. Trong khi đó, lượng ma túy từ bên kia biên giới tuồn sang rất lớn và lợi nhuận từ ma túy cũng cao khủng khiếp.

Tại bên kia biên giới, trên đất Myanmar, 1 viên ma túy tổng hợp loại “chúa” có giá khoảng 20.000kip Lào (tương đương với 42.000 đồng Việt Nam). Nhưng khi sang đất Bò Kẹo thì đã có giá 30.000 kip. Đưa về được Viêng Chăn giá lên tới 50.000 kip. Còn sang được Điện Biên thì giá đã lên 150.000 kip.

Heroin cũng vậy. Một bánh heroin loại con sư tử 350gr, ở bên Thái, Myanmar chỉ khoảng 12 triệu kip, nhưng sang Bò Kẹo là 15 triệu, và khi sang đến Việt Nam thì giá phải tăng gấp chục lần. Với lợi nhuận cao như vậy, cộng với địa hình hiểm trở dễ luồn lách trốn tránh, cho nên không ít người tranh thủ lúc “nông nhàn” đi sang bên kia, làm “đôi bánh” về gọi là “thêm thu nhập”.

Với bọn buôn chuyên nghiệp, chúng thường sử dụng đường thủy, và thủ đoạn ưa thích là nhét ma túy vào can nhựa, buộc dưới đáy thuyền... Hoặc thả trôi theo dòng sông, khi nào qua trạm kiểm soát thì lại lôi lên. Trên đường bộ thì còn tuần tra, phục kích... nhưng đường thủy thì chịu vì không biết thuyền nào của Lào, thuyền nào của Thái Lan... Chúng cắm cờ Lào khi đi qua trạm kiểm soát của Cảnh sát Thái Lan và cắm cờ Thái Lan khi qua trạm Lào. Tất nhiên, chúng có đủ giấy tờ để chứng minh quốc tịch của mình.

Thiếu tá Bun Phet bảo: “Nếu có sự phối hợp như Công an Lào và Việt Nam, có gì gọi điện thoại trao đổi thì còn bắt được nhiều nữa”. Thiếu tá Bun Phet cũng thẳng thắn cho biết, vì tình hình khó khăn như vậy, cho nên Công an tỉnh chỉ bắt được bọn buôn bán nhỏ, còn đám chủ lớn, chưa vồ được vụ nào. Năm 2008, Phòng Điều tra ma túy của Công an tỉnh phá được 20 vụ, bắt giữ đưa ra xét xử 33 người, thu 503 ngàn viên ma túy tổng hợp, 6kg cần sa, 30kg thuốc phiện.

Chúng tôi đang trao đổi thì một sĩ quan của Văn phòng Tổng hợp vào và cho biết: Hiện nay, tình hình bên khu Tam Giác Vàng đang rất phức tạp cho nên cảnh sát Thái Lan và Myanmar ở Chiang Rai và Takilek đã từ chối đưa chúng tôi đi vào khu Tam Giác Vàng, với lý do vào khu vực này – nhất là khu đại bản doanh cũ của Khun Sa ở Me Sai - không an toàn. Thái Lan và Myanmar cũng đã cấm không cho du khách đi tới một số địa điểm mà theo họ là “chưa kiểm soát tốt”, và hơn nữa, giữa hai quốc gia này vẫn đang ở tình trạng “bằng mặt nhưng chưa bằng lòng”, cho nên họ tăng cường kiểm soát tại khu vực này rất mạnh.

Nghe vậy, mặt tôi ngắn tũn lại... Như hiểu tâm trạng của tôi, Thượng tá Hum Phênh khuyên tôi hãy đến cột mốc ngã ba biên giới ở bản Mom huyện Ton Phenh, rồi tìm hiểu ở khu vực xung quanh. Còn việc sang Tam Giác Vàng trên đất Thái Lan và Myanmar thì phải... chờ!

can canh tam giac vang ky 2

Dọn dẹp quanh Cột mốc ngã ba biên giới Lào - Thái Lan - Myanmar.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi lên cột mốc ngã ba biên giới. Công an tỉnh cử Thiếu tá Khăm Lả, trước là Phó công an huyện Ton Pheng, người khá am hiểu vùng ngã ba biên giới đưa chúng tôi đi... Đường lên cột mốc ngã ba biên giới nhiều đoạn đẹp như tranh. Đường nhựa phẳng lỳ, uốn lượn, chạy men theo bờ sông Mê Kông... Nhưng cũng chỉ được hơn ba chục cây số thì đường xấu khủng khiếp. Xe chạy cứ như đang lăn trên đống bột được trải dày cả gang tay trên đường.

Tới khu vực ngã ba biên giới, chúng tôi phải đi qua khu vực mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang xây dựng một khu casino và trung tâm thương mại vào loại lớn nhất vùng Tam Giác Vàng. Khu casino được xây dựng trên khu đất gần 600 hécta, và trên địa bàn của ba bản là Khoam Phiêng Ngam và Xi Bun Hương và vốn đầu tư là hơn 2 tỉ đôla cho 2 giai đoạn. Dự kiến vào cuối năm 2009, sẽ có một số công trình đi vào hoạt động.

Dự án này được Chính phủ Lào cấp phép cho hoạt động 50 năm và khi khu casino khai trương, người dân có thể vào đây vui chơi.

Anh Khăm Lả đưa chúng tôi ra bờ sông. Và anh sững người kêu lên thảng thốt: “Cột mốc đâu rồi”. Tất cả chúng tôi đều ngơ ngác... Chẳng có biểu hiện gì là nơi đây từng có một cột mốc chủ quyền của Lào ở ngã ba biên giới... Anh Chăn Tay cũng kêu lên: “Trước ở đây cơ mà... Tôi đã biết”.

Rồi theo hướng tay anh chỉ là nơi từng có cột mốc thì bây giờ chỉ là... dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Chả lẽ cột mốc bị đổ xuống sông? Hay là bị công nhân đang xây dựng khu casino kia phá đi để “lấy mặt bằng”. Nhưng làm gì có chuyện đó. Cột mốc chủ quyền quốc gia chứ có phải hòn đá vô tri đâu mà tùy tiện phá được.

Đứng từ đây trông sang bên kia sông là huyện Chiang Sean của Thái Lan với nhà cửa san sát và ôtô chạy nườm nượp trên đường. Còn chếch lên phía tây bắc là Myanmar với những ngôi chùa có tháp nhọn được sơn vàng rực. Cũng không khó khăn lắm, chúng tôi thấy những tốp bộ đội Myanmar đang lăm lăm tay súng đi tuần dọc bờ sông.

can canh tam giac vang ky 2

Khu Casino đang được xây dựng ở bản Mom.

Chúng tôi chia nhau đi tìm cột mốc ngã ba biên giới, nhưng sau một hồi lội trong đất bột, chỉ thấy những túp lều tạm bợ của công nhân Trung Quốc đang xây dựng casino, những đống sắt thép, bêtông ngổn ngang. Anh Khăm Lả hỏi những người công nhân Trung Quốc, họ cũng chẳng biết gì... Anh Khăm Lả lại để mặc chúng tôi đấy và đi ôtô tới một bản gần đó để hỏi dân. Gần một giờ sau, anh mới quay lại và mang theo một người dân bản.

Ông dẫn chúng tôi ra cột mốc và hóa ra, nó nằm trước khu lán của công nhân Trung Quốc, ngay trước mắt chúng tôi. Chỉ có điều là nó bị dây leo phủ kín, nên bị chìm vào những lùm cây dại mọc xung quanh. Sau khi gỡ hết dây leo bám chằng chịt, cột mốc ngã ba biên giới Lào - Thái Lan - Myanmar hiện ra, đơn giản và cũ kỹ như một phế tích.

Đó chỉ là một khối bê tông hình thang có 4 mặt, cạnh đáy là 1,2m, cạnh trên 80cm và ở giữa có cắm một cọc sắt cao hơn 2m và trên đó có những vòng sắt hình quả cầu. Trên 3 mặt của cột mốc có khắc chữ Lào. Một bên chỉ lãnh thổ Lào, bên đối diện ghi lãnh thổ Thái Lan, còn một bên chỉ có mũi tên, và theo hướng mũi tên đó là lãnh thổ Myanmar và con số 177m. Hỏi ra mới biết là theo hướng mũi tên chỉ 177m nữa thì tới đường ranh giới. Không có ghi kinh độ, vĩ độ, mà chỉ có năm lập cột mốc. Người dân bản cho biết, trước kia, có một cột mốc nằm sát bờ sông, nhưng hai năm trước, bờ sông bị lở và cuốn cột mốc xuống sông cho nên người ta mới dựng lại cột mốc này.

Tôi ngạc nhiên vô cùng bởi lẽ, nếu cột mốc dựng tại vị trí này, cách bờ sông đến hơn 100m, vậy thì chả lẽ lãnh thổ Thái Lan và Myanmar lại sang tận mép sông bên này hay sao? Đúng ra, theo vị trí địa lý, thì cột mốc ngã ba biên giới này phải được đặt ở giữa dòng sông Mê Kông, bởi vì từ lâu rồi, con sông là đường biên giới của 3 nước.

Tôi chưa kịp mang thắc mắc ra hỏi anh Chăn Tay thì có tiếng súng nổ chát chúa từ phía Myanmar. Nhìn sang thì thấy một chiếc xuồng cao tốc đang phóng như xé nước chạy về phía Thái Lan. Hóa ra đó là xuồng của du khách thuê đi chơi. Họ muốn dừng lại mảnh đất bồi ngã ba sông của Myanmar.

(Còn tiếp)

N.N.P

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc