Cận cảnh Tam Giác Vàng (Kỳ 1)

07:00 | 11/01/2015

2,531 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (PetroTimes) - Bấy lâu nay, người ta biết khu Tam Giác Vàng là vùng đất nằm ở khu vực ngã ba biên giới Lào - Thái Lan - Myanmar. Đây là nơi trồng thuốc phiện và chế biến thành các sản phẩm khác như heroin, các loại ma túy tổng hợp. Vùng đất này gắn liền với nghèo đói, bạo lực, ma túy và các mưu đồ chính trị, đồng thời cũng gắn liền với tên tuổi một người, đó là Khun Sa. PV sẽ cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn cận cảnh về khu Tam Giác Vàng, cũng như những sự thực về “vua thuốc phiện” Khun Sa.

Tôi bắt đầu phóng sự này từ Trại giam Phôn Thăn, mặc dù về mặt địa lý thì nơi này chẳng liên quan gì đến khu Tam Giác Vàng ở vùng ngã ba biên giới Thái Lan - Lào - Myanmar.

Kỳ 1: Bắt đầu từ trại giam Phôn Thăn

Trại giam Phôn Thăn cách trung tâm Viêng Chăn có 5 cây số, mà ở đây không có bến tàu thủy để ngược dòng Mê Kông lên tỉnh Bò Kẹo rồi đi vào khu Tam Giác Vàng; cũng chẳng làm gì có bến xe khách để đi đường bộ qua Luông Pha Băng lên Bò Kẹo. Vâng, đúng thế.

Người viết xin chân thành cảm ơn Tổng cục Chính trị, Cục Nghiên cứu lịch sử, Cục Điều tra tội phạm ma túy, Công an tỉnh Bò Kẹo và một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ An ninh quốc gia Lào đã giúp phóng viên hoàn thành phóng sự này.

Nhưng nói đến khu Tam Giác Vàng thuộc vùng ngã ba biên giới Thái Lan - Lào - Myanmar thì phải nói đến ma túy, bởi lẽ đây là khu vực trồng thuốc phiện và chế biến heroin, ma túy tổng hợp vào loại lớn nhất thế giới. Và tại trại giam Phôn Thăn này, có một nhân vật liên quan đến ma túy theo kiểu... “cha truyền... con nối”!

Hẳn không ít bạn đọc còn nhớ cách đây hơn 12 năm, có một vụ án buôn bán và vận chuyển chất ma túy làm chấn động cả nước - đó là vụ án Vũ Xuân Trường - Xiêng Phênh. Tôi là người bám khá sát vụ án ấy trong cả quá trình điều tra và xét xử, cho nên được tiếp xúc với Xiêng Phênh nhiều lần. Xiêng Phênh có nụ cười hiền lành, vô tư và đôi lúc ngây thơ, thật thà... như đếm.

Tòa án Việt Nam qua hai cấp xét xử đã kết án Xiêng Phênh tù chung thân, bởi lẽ anh ta khai báo thành khẩn và có sự hợp tác với Cơ quan điều tra khá tốt. Khi nghe tin không bị tử hình, Xiêng Phênh cười sung sướng, và sau đó chỉ tranh thủ... ngủ ở phòng chờ đưa ra xét xử. Tôi chụp được khối ảnh Xiêng Phênh cười, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Vụ án kết thúc, 7 đối tượng chính thì đi thẳng từ Trại giam ra trường bắn, còn Xiêng Phênh được đưa đi cải tạo ở Trại giam Thanh Xuân.

Có một chi tiết là ngày đưa Xiêng Phênh ra xét xử, cô con gái Xiêng Phênh tên là Chăn Tha Lay, vừa học hết lớp 8 (tương đương lớp 9 ở Việt Nam), đã viết mấy lá đơn xin sang được gặp bố. Lá đơn nào cũng đẫm nước mắt, thậm chí có lá đơn gửi Chính phủ Lào còn xin được... đi tù thay cha! Câu chuyện nếu dừng ở đó thì thật đáng viết thành... tiểu thuyết. Nhưng sự đời lại không đơn giản như vậy.

can canh tam giac vang ky 1

Nhà báo Nguyễn Như Phong tại khu vực Tam Giác Vàng.

Trung tá Khăm Tăn, Phó cục trưởng Cục Điều tra tội phạm ma túy (TPMT) - Bộ An ninh quốc gia Lào, người đã có nhiều năm làm điều tra án ma túy và hiện đang làm luận án Tiến sĩ tại Học viện Cảnh sát nhân dân - Bộ Công an Việt Nam với đề tài “Công tác điều tra chống buôn bán, vận chuyển và tàng trữ chất ma túy của lực lượng Cảnh sát nhân dân Lào”, cho tôi biết: Năm 1998, sau khi gửi đơn lên các cấp chính quyền xin cho Xiêng Phênh về thụ án tại Lào không được, chẳng hiểu nghe ai xúi bẩy, Chăn Tha Lay - khi đó mới 17 tuổi, dám vác tiền đi “chạy... án” cho bố. Nhưng cũng chẳng được bởi lẽ lãnh đạo hai Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh quốc gia Lào đã thống nhất là cứ để Xiêng Phênh cải tạo ở Việt Nam.

Từ năm 2000, những tưởng Chăn Tha Lay yên phận về cùng mẹ trông nom trang trại gà ở gần thủ đô Viêng Chăn, nhưng không, Chăn Tha Lay cũng lại lao vào con đường buôn bán ma túy. Cục Điều tra TPMT của Lào đã lập hẳn một chuyên án và ngày 26/2 vừa rồi, đã bắt quả tang Chăn Tha Lay đang giao... 37 kg ma túy tổng hợp cho một đối tượng.

Theo luật mới của Lào về chống ma túy, thì cứ 500gr ma túy tổng hợp là đủ lĩnh án “dựa cột”, thì với số lượng ma túy mà Chăn Tha Lay mang theo, đủ để cô ta 74 lần đi ra trường bắn!

Trại giam Phôn Thăn vắng vẻ lạ lùng. Ngoài cổng, chỉ có dăm người đúng chờ gửãi quà cho người nhà, còn phía trong, yên tĩnh đến mức chỉ có tiếng chim chào mào hót lảnh lót và tiếng chim cu gáy rúc từng hồi thong thả. Cũng phải nói thêm rằng, hiếm có quốc gia nào lại có số người phạm tội hình sự ít như ở Lào. Với số dân hơn 5,6 triệu, nhưng hiện nay chỉ có hơn 8 ngàn người đang chịu hình phạt của pháp luật, trong đó có 150 người chịu án tử hình. Mặc dù đã bị tòa kết án tử hình, nhưng suốt chục năm qua, chỉ có 1 bản án được thi hành. Điều này cũng dễ hiểu bởi người dân Lào hầu hết theo đạo Phật, cho nên việc phải trừng phạt bằng án tử hình không phải là đúng với tâm lý của đa số người dân.

Tỉ lệ người phạm tội của Lào cũng rất thấp. Khi tôi làm việc với Cục Điều tra tội phạm hình sự của Bộ An ninh quốc gia Lào, tôi đã phải sửng sốt khi biết số lượng vụ án mà đơn vị điều tra trong 1 năm chỉ không bằng một quận của Hà Nội. Năm 2008, cả nước Lào chỉ xảy ra 4 vụ giết người, 4.960 vụ phạm pháp hình sự lớn nhỏ... Người Lào vốn hiền lành, thật thà, lại sùng đạo Phật cho nên đó cũng là nguyên nhân để lý giải vì sao lại ít người phạm tội.

Khi anh cảnh sát dẫn giải đưa Chăn Tha Lay ra, thoạt nhìn, tôi tưởng như mình được gặp lại anh chàng Xiêng Phênh thuở nào. Chăn Tha Lay giống bố quá thể, và đặc biệt là nụ cười cũng ngây thơ, vô tư như... bố!

Tôi hỏi về tin tức của Xiêng Phênh, Chăn Tha Lay cho biết là từ ngày bị bắt ở Việt Nam, Xiêng Phênh đã viết thư về và cho phép mẹ tên là Phụt được đi bước nữa. Thi thoảng gia đình mới nhận được thư của Xiêng Phênh và được biết là vẫn khỏe. Vừa trả lời những câu hỏi của tôi, Chăn Tha Lay vừa cười như thể cô ta đang có niềm vui gì đó. (Lạ thật đấy. Sao lại cười được nhỉ?). Chăn Tha Lay bảo rằng số ma túy tổng hợp đấy không phải là của cô, và đấy là do Công an “bắt oan”.

Khi tôi hỏi rằng, vậy nếu không phải là của Chăn Tha Lay, sao lại phải hối lộ Trung tá Khăm Tăn 3 triệu đồng baht Thái Lan (tương đương gần 100.000USD)? Chăn Tha Lay lúng túng trước câu hỏi của tôi rồi cười, lảng tránh.

Tôi lại hỏi Chăn Tha Lay về nguồn mua ma túy ở đâu, Lay cười (lại cười mới... vô duyên chứ!): “Nhiều lắm cán bộ ơi. Có người mang từ Tam Giác Vàng về cho. Không phải đi xa đâu. Còn nếu lên được Bò Kẹo hoặc Luông Pha Băng mang về thì còn lãi lắm”.

Ra thế, chả trách mà người ta nói rằng hầu hết nguồn gốc ma túy đang tiêu thụ trên thị trường các nước Đông Nam Á đều có là “Made in Golden Triangle” (sản xuất tại Tam Giác Vàng). Rồi Chăn Tha Lay cũng cho tôi biết là cô cũng đã có vài lần tới khu Tam Giác Vàng trên đất Thái Lan thuộc huyện Chiang Sean, tỉnh Chieng Rai. Nhưng cô tới đó là đi “du lịch” và mua thức ăn tổng hợp về cho gà!

Cuộc gặp gỡ kéo dài không lâu bởi vì tôi phải về tiếp tục trao đổi với Trung tá Khăm Tăn. Trước khi quay lại phòng giam, Chăn Tha Lay bảo rằng, nếu tôi có gặp Xiêng Phênh thì cũng đừng nói chuyện cô bị bắt vì tội... như bố. Cô sợ Xiêng Phênh buồn!

Ở Lào, tình hình buôn bán, vận chuyển chất ma túy vẫn diễn ra nóng bỏng, mặc dù Chính phủ Lào đã có nhiều chủ trương, biện pháp cực kỳ quyết liệt. Năm 2008, Luật Phòng chống ma túy được ban hành. Theo luật mới này, nếu mang 300gr heroin hoặc 500gr ma túy tổng hợp, hoặc 3kg thuốc phiện là đã có thể bị tử hình. Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống ma túy quốc gia do đích thân Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ An ninh làm Phó ban... Nhờ những biện pháp kiên quyết nên diện tích trồng cây thuốc phiện ở Lào đã giảm 17.287 hécta vào năm 2001 xuống gần như hết sạch vào năm 2007. Tuy nhiên, theo điều tra mới nhất của Cục Điều tra TPMT thuộc Bộ An ninh quốc gia Lào thì đến năm 2008, lại có một vài nơi ở các tỉnh Phong Sa Lỳ, Luông Nậm Thà, Bò Kẹo, U Đôm Say tái trồng với diện tích khoảng hơn 500 hécta.

Trong công cuộc vận động nhân dân xóa bỏ cây thuốc phiện và thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chính phủ và chính quyền các địa phương đã cố gắng hỗ trợ nhân dân đảm bảo cuộc sống bởi vì sau khi không có nguồn thu từ thuốc phiện, nhiều gia đình không có tiền...

Trước đây, nguồn sống của họ là ngô, lúa, còn tiền tiêu là từ thuốc phiện, cho nên giờ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nơi đã chuyển sang trồng cao su, nhưng thứ cây công nghiệp mới được phát triển vài năm nay ở các tỉnh Bắc Lào, Bắc Thái Lan từ lúc trồng đến lúc... “cây biết khóc ra nước mắt khi bị chích” là 5 năm. Đó là quãng thời gian khá dài đối với người nông dân. Chính vì vậy, người ta có lén lút trồng lại thuốc phiện cũng không phải là khó hiểu.

Từ hàng chục năm nay, cuộc chiến chống ma túy ở Lào chưa bao giờ ngừng và càng ngày càng quyết liệt. Nếu như việc sản xuất, chế biến và vận chuyển ma túy bên khu Tam Giác Vàng do Khun Sa cầm đầu được tổ chức như một “chính quyền” thu nhỏ và chúng có liên hệ với các băng nhóm mafia quốc tế thì các băng nhóm buôn bán ma túy ở Lào lại hoạt động nhỏ lẻ, phân tán và không có tổ chức quy mô. Tuy hoạt động với nhiều thủ đoạn khác nhau, nhưng chúng đều giống nhau ở tính chất tàn bạo và sẵn sàng dùng vũ khí nóng. Trong cuộc chiến chống bọn tội phạm ma túy, Công an Lào cũng đã bị những tổn thất không nhỏ. Trong 2 năm 2006-2007 đã có hai đồng chí Phó cục trưởng Cục Điều tra TPMT của Bộ An ninh quốc gia Lào bị hy sinh.

can canh tam giac vang ky 1

Từ phải qua: Thượng tá Bun Phênh, Thượng tá Cau Khăm - 2 đồng chí Phó cục trưởng cục điều tra TPMT bộ an ninh Quốc gia lào đã hy sinh trong cuộc chiến đấu với bọn buôn bán ma túy.

Người thứ nhất là Thượng tá, Phó Cục trưởng Cục Điều tra TPMT, Tiến sĩ luật học Bun Phênh. Anh bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Học viện Cảnh sát nhân dân Việt Nam. Khi trở về nước, anh được phân công lên Bò Kẹo cùng với 50 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của Bộ An ninh tăng cường cho Công an tỉnh để đấu tranh với bọn buôn bán ma túy.

Chỉ sau khi lên Bò Kẹo nửa tháng, các anh lập án, bắt được Bun Mi, kẻ cầm đầu một đường dây buôn bán ma túy lớn. Bun Phênh quyết định đưa hắn về Viêng Chăn để có điều kiện đấu tranh khai thác mở rộng. Mặc dù việc dẫn giải hắn được tiến hành cẩn thận và giữ bí mật, nhưng không ai ngờ là ngay khi tên cầm đầu bị bắt, bọn đàn em tổ chức theo dõi việc di chuyển hắn rất chặt. Vì vậy khi xe của Bun Phênh chở Bun Mi đi thì bị chúng bám theo và rồi chúng tổ chức phục kích ở khu vực gần Sala Phu Khun.

Sở dĩ chúng chọn nơi này là vì nơi đây có địa hình hiểm trở, nhiều đèo cao, dốc đứng và xuyên qua những cánh rừng già. Và từ Phu Khun lại có một đường rẽ đi Xiêng Khoảng. Nếu bị truy đuổi, khi đã sang được đất Xiêng Khoảng thì từ đấy, chúng có thể đi các tỉnh khác bằng bốn ngả đường. Không biết là chúng có bao nhiêu tay súng, nhưng Thượng tá Bun Phênh hy sinh ngay từ phút đầu đọ súng. Nghe tiếng súng nổ, một đơn vị quân đội gần đó liền tổ chức chi viện. Bun Mi được giải cứu chạy lên một quả đồi gần đó, nhưng đã bị bộ đội bắn chết.

Người thứ hai là Thượng tá, Phó cục trưởng Cục Điều tra TPMT Cau Khăm. Anh hy sinh bởi bàn tay của bọn buôn bán ma túy, và nguyên nhân cái chết của anh vẫn còn là điều bí ẩn mà Ban chuyên án đang nỗ lực điều tra.

Theo Trung tá Khăm Tăn, bọn buôn bán ma túy ở Lào cũng giống như tất cả các bọn buôn ma túy trên thế giới không từ bất cứ thủ đoạn nào. Bên cạnh những thủ đoạn như ám sát, phá hoại, bôi nhọ vô hiệu hóa cán bộ thì một ngón võ quen thuộc là mua chuộc bằng tiền và gái. Trong cuộc chiến này, bên cạnh những cán bộ hy sinh để lại sự kính trọng và tiếc thương cho toàn thể CBCS như Bun Phênh, Cau Khăm thì cũng có những người bị truy tố, bị đuổi ra khỏi lực lượng.

can canh tam giac vang ky 1

Trung tá Khăm Tăn, Phó cục trưởng Cục Điều tra TPMT bên chiếc xe mới thu được của bọn buôn bán ma túy.

Với một quốc gia đất rộng người thưa, địa hình hiểm trở như CHDCND Lào thì chỉ riêng chuyện đi đến địa bàn cũng đã vô vàn khó khăn. Vậy mà trong 3 năm từ 2006 đến 2008, đơn vị đã trực tiếp điều tra hoặc chỉ đạo điều tra, phối hợp với công an các tỉnh phá 1.104 vụ buôn bán vận chuyển ma túy. Bắt 1.696 tên, trong đó có 28 người nước ngoài. Thu gần 80kg heroin, 735,2kg ma túy tổng hợp, 5 tấn cần sa, 77kg thuốc phiện, thu 12 súng AK, 21 ôtô, 37 xe máy...

Những con số tưởng như khô khan đó đã nói lên sự cố gắng vượt bậc của CBCS Công an Lào. Cũng phải nói thêm rằng, trong cuộc chiến đấu chống bọn buôn bán ma túy, Lực lượng Công an Lào đã được sự phối hợp, hỗ trợ rất tích cực và có hiệu quả của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an Việt Nam.

(Còn nữa)

Nguyễn Như Phong

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc