Cần cấm ngay lập tức việc bán rượu độc hại

07:00 | 19/03/2017

604 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc rượu do có thành phần methanol vượt quá mức cho phép, khiến hàng trăm người nhập viện. Đáng nói, ngộ độc rượu đang có chiều hướng gia tăng, nhưng nhiều người vẫn bàng quan với tính mạng của chính mình.

Tử thần mang tên methanol

Tháng 2-2017, một vụ ngộ độc rượu tập thể đã xảy ra tại xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu khiến 8 người chết và hàng chục người nhập viện.

Theo UBND tỉnh Lai Châu, ngày 10-2, sau khi ăn nhậu tại nhà, ông Phù Văn Lèng (ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong ngay sau đó. Sau khi ông Lèng chết, gia đình đã tổ chức hậu sự. Dân bản đến ăn cơm, uống rượu theo phong tục của địa phương. Những ngày sau đó, nhiều người đã đến nhà ông Lèng ăn cơm có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử. Đến tối 13-2, 9 người dân trong bản đã tử vong, hàng chục người khác được đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Sau khi phát hiện sự việc, lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu đã tiến hành thu giữ các mẫu thực phẩm để xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng methanol các mẫu rượu vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.

can cam ngay lap tuc viec ban ruou doc hai
Rượu không nhãn mác bán tràn lan tại các quán cơm

Một tháng sau, tại Hà Nội cũng xảy ra vụ ngộ độc tương tự khiến 7 người nhập viện. Theo TS Hà Trần Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cả 7 bệnh nhân đều có quê ở Gia Lai và đang là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (Cơ sở II đóng trên địa bàn phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Sau khi được cấp cứu, Siu L (bệnh nhân ngộ độc nhẹ nhất) nhớ lại, nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, nhóm sinh viên này đã mua khoảng 1,5 lít rượu không có nguồn gốc xuất xứ, được đóng vào chai nhựa không có nhãn mác về phòng trọ tại Trung Kính (quận Cầu Giấy) để liên hoan. Đến sáng 9-3, một số người xuất hiện triệu chứng đau đầu, mờ mắt và nôn ra máu nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 19-8 và sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc vào rạng sáng 10-3.

Tiếp nhận thông tin về vụ ngộ độc, Sở Y tế Hà Nội đã vào cuộc và xác định được cửa hàng những sinh viên này mua rượu là số nhà 17, ngõ 259, đường Yên Hòa (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy Hà Nội). Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm quận Cầu Giấy đã kiểm tra và lấy mẫu rượu của cửa hàng để xét nghiệm.

Ở diễn biến mới nhất, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 7 bệnh nhân này bị ngộ độc methanol. Trong nhóm sinh viên bị ngộ độc rượu, có 4 người chịu di chứng ảnh hưởng thị lực, 3 người có dấu hiện tổn thương não.

Liên quan đến vụ 7 sinh viên nhập viện do uống rượu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ về hành vi “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Nhiều việc cần làm ngay

Ngay sau khi xảy ra vụ sinh viên nhập viện cấp cứu do uống rượu, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tăng cường giám sát an toàn thực phẩm, có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm với sản phẩm rượu.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Công Thương khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên toàn quốc. Hoàn thiện các văn bản quy định về quản lý đối với sản phẩm rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đồng thời cần thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu, theo quy định của pháp luật, kể cả đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, chất men nấu rượu bằng phương pháp thủ công.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không có nguồn gốc, xuất xứ dưới mọi hình thức; cần kiểm soát chặt chẽ tất cả các cơ sở kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại các cửa hàng ăn uống…) và nghiên cứu bổ sung chế tài, tăng mức phạt hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rượu và có giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với kinh doanh sản phẩm rượu.

Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Y tế, Công Thương, Công an Hà Nội phối hợp, triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên địa bàn thành phố.

Khẩn trương hoàn thiện các văn bản để các bộ, ngành và UBND thành phố ban hành quy định về quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông sản phẩm rượu, đồ uống có cồn, đặc biệt là sản phẩm rượu thủ công do người dân tự nấu, chưng cất, pha chế, rượu ngâm các loại.

Thực hiện nghiêm các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu và đồ uống có cồn theo quy định của pháp luật, kể cả đối với cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, chất men nấu rượu bằng phương pháp thủ công. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và có biện pháp quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn.

Quyết không để các tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu nhập lậu, không có nhãn mác, không dán tem, không có nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng dưới mọi hình thức. Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tất cả các cơ sở bán buôn, bán lẻ, tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doach dịch vụ ăn uống... trên địa bàn thành phố.

Phải khẳng định rằng, việc cấm trưng bày, buôn bán rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ không phải là quy định mới. Trước đó, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ về sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất. Khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.

Với Nghị định 94 này, tất cả các loại rượu “quê” được nấu thủ công và đang bán công khai, phổ biến ở mọi vùng miền trên cả nước sẽ bị xử lý nếu không làm thủ tục xin giấy phép sản xuất, gắn nhãn mác.

Rượu ở quán cơm chứa methanol cao gấp 2002 lần

Từ tháng 2 đến tháng 3, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 11 người bị ngộ độc rượu methanol phải vào Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, trong đó có một trường hợp tử vong. Trong số người bị ngộ độc rượu ở Hà Nội, có tới 3 người nhập viện sau khi uống rượu ở các quán ăn tại quận Đống Đa.

Tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 225 cơ sở, lấy mẫu xét nghiệm tại labo 25 mẫu; niêm phong gần 2.000 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; tiến hành xử phạt 18 cơ sở với số tiền gần 70 triệu đồng.

Trong đó, mẫu rượu trắng pha cẩm lấy tại quán cơm Vĩnh Thành (khu giãn dân phường Mộ Lao, quận Hà Đông) có hàm lượng methanol lên tới 202.475mg/l, vượt ngưỡng cho phép 2002 lần. Mẫu rượu ngâm của gia đình ông Nguyễn Đình Chính (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) có nồng độ là 89.680mg/l, vượt ngưỡng gần 900 lần.

Thiên Minh - Xuân Hinh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.