Cán bộ trong sạch, bộ máy vững mạnh

09:05 | 04/02/2017

1,595 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời trước những người có chức sắc trong bộ máy nhà nước phong kiến được gọi là quan và lại. Quan giữ vai trò tư vấn, giúp việc cho nhà vua trong xây dựng các chính sách và ban hành pháp luật, triển khai thực hiện quyền lực nhà nước. Lại là người thừa hành mệnh lệnh của quan, đóng vai trò trung gian giữa quan và dân.

Theo địa bàn làm việc, quan được phân thành “quan trong” và “quan ngoài”. Theo lĩnh vực quản lý, quan được phân thành bốn ngạch, bao gồm quan văn, quan võ, tăng quan và nội quan. Thời phong kiến có lắm người trung hiếu, cung cúc, tận tụy, nhưng cũng không ít quan lại hư hỏng, đục khoét, bắt nạt dân.

Ngày 15 tháng 8 năm Bính Ngọ (1906), Phan Châu Trinh đứng ra tranh đấu công khai với chính quyền bảo hộ Pháp, theo đó, ông gửi lên Toàn quyền Pháp ở Ðông Dương một bức thư dài 12 trang. Bức thư có đoạn kể về những cách đối xử tàn ác của bảo hộ Pháp mà quan lại lợi dụng bắt nạt dân chúng, tìm cách vơ vét cho đầy túi tham. Ông viết: “Mũ áo thùng thình, ngựa xe rộn rịp, hỏi quan chức thì ông này là đại thần trong triều, ông kia là đại lại các tỉnh, chỉ biết có một việc là ngày đi hội thương hay ra công đường xử kiện, còn hỏi đến việc lợi bệnh trong nước hay là trong một tỉnh thì mơ màng chẳng biết một chút gì. Còn đến việc đút lót người trên, sách nhiễu kẻ dưới thì không cứ là quan to quan nhỏ, đều công nhiên cho là cái quyền lợi của người làm quan đáng được, dẫu có ai bàn nói đến cũng không kể vào đâu”.

can bo trong sach bo may vung manh

Khi Đảng ta lãnh đạo nhân dân đứng lên giành được chính quyền rồi giao cái quyền đó vào tay cán bộ, hàng loạt thói xấu của quan lại phong kiến đã xuất hiện trong thời kỳ mới. Đó là một loạt bệnh như: “trái phép”, “cậy thế”, “hủ hóa”,“tư túng”, “chia rẽ”, “kiêu ngạo”. Chỉ mấy năm sau độc lập, kháng chiến, các “căn bệnh” của quan lại phong kiến phát triển thành căn bệnh núp dưới “cái áo” cán bộ cách mạng. Đó là: “Địa phương chủ nghĩa”, “Óc bè phái”, “Óc quân phiệt, quan liêu”, kiểu hống hách như một “Ông vua con”, “Óc hẹp hòi”, “Ham chuộng hình thức”, “Làm việc lối bàn giấy”, “Vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm”, v.v...

Khi Bác Hồ viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, các căn bệnh của “quan cách mạng” đã được liệt vào là “kẻ địch” của nhân dân. Những căn bệnh này trở thành “kẻ địch bên trong”, “là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên trong ta đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”.

Đến nay, đối chiếu với những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII, chỉ ra, thì những căn bệnh của một bộ phận cán bộ đã khiến cho sức chiến đấu của Đảng, niềm tin của dân với Đảng bị giảm sút. Có thể nói, chưa bao giờ biểu hiện của sự tha hóa về đạo đức lại diễn biến nghiêm trọng, phức tạp như hiện nay. Những biểu hiện này so với những thói hư, tật xấu của một số quan lại thời phong kiến có nhiều điều còn nặng nề hơn, tinh vi hơn rất nhiều.

Đáng lo ngại là một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn ung dung ngồi trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, thậm chí còn giữ vị trí lãnh đạo cấp này, ngành khác. Cách đây 50 năm, ngày 30-12-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính phủ ta là một Chính phủ làm đày tớ của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Nếu ai ở trong Chính phủ mà muốn làm quan thì không ở được trong Chính phủ ta”. Bác nói như thế là chẳng những trong Chính phủ Trung ương mà cả chính quyền địa phương cho đến các ủy ban hành chính xã, nếu ai muốn làm quan thì mời đi làm quan chứ không được ở trong chính quyền của ta.

Vậy làm thế nào để phân biệt đâu là “quan cách mạng”, đâu là công bộc của dân trong bộ máy Chính phủ và chính quyền các cấp? Có nhiều giải pháp để phân biệt, trong đó yếu tố quan trọng đầu tiên là dân chủ trong công tác cán bộ, dựa vào dân để lựa chọn cán bộ của ta. Nhưng dưới góc độ của quần chúng nhân dân thì khâu nào trong công tác cán bộ mà có sự tham gia trực tiếp của quần chúng nhân dân thì chắc chắn sẽ có hiệu quả, chất lượng, chọn đúng người có đức, có tài. Có sự tham gia của quần chúng nhân dân trong tất cả các khâu giới thiệu, đề cử, tuyển chọn, đánh giá, giám sát, kiểm tra, lấy phiếu tín nhiệm, đề bạt, cất nhắc, sắp xếp, luân chuyển, kỷ luật v.v… thì không thể có những điển hình xấu trong thời gian qua.

Để thật sự dân chủ trong công tác cán bộ thì một trong những khâu cực kỳ quan trọng trong công tác này là làm trong sạch bộ máy tổ chức và đội ngũ những người làm công tác tổ chức, cán bộ. Cán bộ có trong sạch thì bộ máy mới trong sạch, vững mạnh. Việc đánh giá, bố trí, sắp xếp cán bộ không đúng người, không đúng việc, hiệu quả kém thuộc về trách nhiệm cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy. Và hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, suy cho cùng là thuộc về trách nhiệm của các tổ chức, cấp ủy đảng.

Do vậy, muốn dân chủ trong công tác cán bộ nói chung thì trước hết phải dân chủ ngay trong những tổ chức và người đứng đầu cấp ủy trực tiếp phụ trách công tác tổ chức - cán bộ. Khi nhậm chức, các đồng chí lãnh đạo đứng đầu Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã đọc lời thề trước Tổ quốc, đồng bào. Thiển nghĩ, trước khi cán bộ, công chức vào làm việc trong cơ quan Chính phủ, chính quyền các cấp cần cam kết hết lòng, hết sức làm tròn phận sự, tuyệt đối không được có những biểu hiện tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu dân.

Vũ Lân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc