Cân bằng giữa phát triển và bảo tồn

15:47 | 11/12/2017

509 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình trạng vi phạm khu bảo tồn biển đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Hiện tượng quá tải khách du lịch tại một số khu bảo tồn biển đang có những tác động xấu đến môi trường.

Các khu bảo tồn biển ở Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế về đa dạng sinh học. Nhưng sự phát triển mạnh về kinh tế, nhất là du lịch biển thời gian gần đây đang đặt ra vấn đề cấp bách là làm sao giải quyết tốt được mối quan hệ giữa bảo tồn và làm kinh tế.

Sức ép lớn lên các khu bảo tồn biển

Đến hết tháng 11-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thành lập được 10 khu bảo tồn biển gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo và Phú Quốc.

Bên cạnh đó, có 4 khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết, 2 khu bảo tồn biển đang xây dựng quy hoạch chi tiết. Từ năm 2005 đến nay, Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hơn 2.000 lượt cán bộ, người dân, qua đó giúp nâng cao năng lực, nhận thức và kinh nghiệm trong việc quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn biển.

can bang giua phat trien va bao ton
Phú Quốc nằm trong số 10 khu bảo tồn biển

Nhiều địa phương cũng đã tổ chức tập huấn cho ngư dân về kỹ thuật khai thác nguồn lợi biển, đồng thời xây dựng các mô hình khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi này dựa vào cộng đồng.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, các khu bảo tồn biển đang chịu sức ép rất lớn từ phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, khai thác hải sản trong và xung quanh các khu bảo tồn; sức ép này đang ngày càng gia tăng, đe dọa đến sự tồn tại của các khu bảo tồn biển.

Tình trạng vi phạm khu bảo tồn biển đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Hiện tượng quá tải khách du lịch tại một số khu bảo tồn biển đang có những tác động xấu đến môi trường như: xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, giẫm đạp làm gãy san hô...

Đánh giá về thực trạng quản lý mạng lưới khu bảo tồn biển ở Việt Nam, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho rằng, các khu bảo tồn biển đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển... nhưng chưa thực sự được ưu tiên phát triển và đầu tư đầy đủ nguồn lực tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo, giáo dục.

Các khu bảo tồn biển được thành lập và hiểu lầm để phục vụ cho hoạt động du lịch, dẫn đến đóng góp của các khu bảo tồn biển đối với tái tạo nguồn lợi không cao, thời gian để tái tạo kéo dài, bãi đẻ và ương giống bị bỏ sót trong phân vùng chức năng.

Theo Viện trưởng Viện Hải dương học Võ Sĩ Tuấn, sự thay đổi môi trường vùng ven biển là do hoạt động phát triển kinh tế, xã hội như: khai hoang rừng ngập mặn để nuôi tôm hoặc xây dựng khu dân cư; hủy hoại các vùng rạn san hô, thảm cỏ biển để xây dựng cảng. Hiện tượng ô nhiễm do chất thải từ các hoạt động kinh tế từ đất liền cũng đã và đang hủy hoại nhiều hệ sinh thái biển.

Mối quan hệ bảo tồn và phát triển

Để các khu bảo tồn biển hoạt động hiệu quả, IUCN khuyến nghị, Việt Nam không nên đợi đến khi có đầy đủ điều kiện về tài chính và thể chế, mà phải sử dụng hiệu quả nhất điều kiện hiện có, hợp tác với các viện nghiên cứu, cộng đồng, địa phương, để thực hiện thật tốt các hoạt động.

can bang giua phat trien va bao ton
Canô đưa du khách tham quan Cù Lao Chàm

Kinh nghiệm trong việc bảo tồn biển của Nhật Bản cũng rất cần được tham khảo. Nước này đã thành lập được trên 6.400 khu vực bảo tồn biển và quản lý hiệu quả. Đáng chú ý, Nhật Bản thành lập nhiều kiểu khu bảo tồn biển, mỗi khu có quy mô, quy định khác nhau.

Cụ thể, khu bảo tồn động vật hoang dã, nghiêm cấm mọi hoạt động phát triển và khai thác; khu bảo tồn bờ biển tự nhiên, nghiêm cấm tất cả hoạt động đe dọa sự sinh tồn của sinh vật; vườn quốc gia, nghiêm cấm mọi hoạt động phát triển; vùng cấm khai thác theo quy định, cấm khai thác vào mùa di cư hoặc sinh sản của các loài được bảo vệ...

“Bài toán” tạo nguồn thu bền vững từ các khu bảo tồn biển cũng đang rất được quan tâm. Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam được cho là đang thực hiện tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và tạo được nguồn thu bền vững.

Theo đại diện Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đơn vị đã thiết lập được nguồn tài chính bền vững thông qua xây dựng các cơ chế như: thu phí tham quan, lặn biển; kêu gọi đầu tư, hợp tác nghiên cứu và đào tạo; hướng dẫn thực tập với các trường, viện trong và ngoài nước; hợp tác với tình nguyện viên trong và ngoài nước hoạt động tại khu bảo tồn.

Công cụ để bảo tồn biển chính là du lịch sinh thái, bởi du lịch sinh thái đòi hỏi các hoạt động bảo tồn phải có hiệu quả để thu hút khách du lịch tới tham quan, đem lại nguồn lợi tài chính phục vụ bảo tồn và cộng đồng địa phương, thúc đẩy hoạt động giáo dục môi trường, làm cho du khách nhận thức được giá trị của thiên nhiên và tôn trọng khi tới các khu vực tham quan.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã yêu cầu các địa phương rà soát lại mô hình quản lý, cơ chế bảo vệ đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn biển. Nếu không giải quyết được mối quan hệ giữa phát triển du lịch với bảo vệ đa dạng sinh học, thì trong thời ngắn nữa chúng ta không còn nguồn lợi để mà bảo vệ.

Nguyên Lý