Cần bãi bỏ trợ giá nhiên liệu hóa thạch

07:00 | 01/03/2018

664 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong Hội nghị Thượng đỉnh “Vì một hành tinh”, One Plannet Summit, được tổ chức hồi tháng 12-2017, Nichos Hulot, Bộ trưởng Sinh thái và Đoàn kết Pháp đã lên án một thực tế là cộng đồng quốc tế vẫn đang tiếp tục hỗ trợ cho các nhiên liệu hóa thạch dưới nhiều hình thức khác nhau.  

Những trợ cấp này đang làm chậm quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng toàn cầu sang một cơ cấu năng lượng ít phát thải khí carbon hơn. Để hiểu rõ hơn về các khoản trợ cấp này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Toshiyuki Shirai, chuyên gia phân tích cấp cao của Cơ quan Năng lượng quốc tế (AIE).

PV: Trên thế giới hiện có những loại trợ cấp nào dành cho nhiên liệu hóa thạch?

can bai bo tro gia nhien lieu hoa thach
Ông Toshiyuki Shirai

Ông Toshiyuki Shirai: Trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có thể là các trợ cấp dành cho việc tiêu thụ và sản xuất loại nhiên liệu này.

Các trợ cấp tiêu thụ được thực hiện thông qua việc kiểm soát giá cả và miễn thuế để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhiên liệu hóa thạch với một mức giá rẻ hơn giá năng lượng trên thị trường.

Các khoản trợ cấp tiêu thụ trực tiếp bằng các khoản vay ưu đãi hoặc miễn thuế cho các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch cũng sẽ được coi là hỗ trợ tiêu thụ nếu các khoản hỗ trợ đó giúp người tiêu dùng cuối cùng mua được nhiên liệu hóa thạch với giá cả rẻ hơn giá thị trường.

Còn trợ cấp sản xuất sẽ bao gồm các trợ cấp trực tiếp và các khoản ưu đãi về thuế để hỗ trợ cho việc sản xuất năng lượng như các mức thuế suất ưu đãi dành cho việc khảo sát thăm dò dầu khí.

PV: Vì sao lại phải có các khoản trợ cấp này?

Ông Toshiyuki Shirai: Các khoản trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch được chính phủ các nước đưa ra nhằm giúp họ đạt được các mục tiêu về chính trị, kinh tế và xã hội. Ví dụ như giúp giảm nghèo năng lượng, phát triển khả năng tiếp cận nguồn năng lượng hoặc tái phân phối tài sản từ việc khai thác các nguồn lực quốc gia.

Tuy nhiên, nhiều khoản trợ cấp đặt mục tiêu kém nên không mang lại hiệu quả tương xứng với mục tiêu đã đề ra. Ví dụ, những người giàu nhất thế giới lại là những người sử dụng các nhiên liệu được hưởng trợ cấp nhiều hơn.

Trên thực tế, phần lớn các khoản trợ cấp này vô hình trung lại kích thích người tiêu dùng lãng phí năng lượng. Các khoản trợ cấp gây thêm áp lực cho các hệ thống năng lượng và với môi trường, bên cạnh đó cũng phải nhắc đến là nó tạo thêm áp lực cho lĩnh vực hành chính công.

PV: Số tiền trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch là bao nhiêu?

Ông Toshiyuki Shirai: Trong báo cáo Triển vọng năng lượng (World Energy Outlook) mới nhất, chúng tôi đánh giá rằng trị giá của các khoản trợ cấp toàn cầu liên quan đến việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch là khoảng 260 tỉ đôla trong năm 2016 (ít hơn 15% so với năm 2015), trong đó xăng dầu và điện than đều chiếm 40%.

can bai bo tro gia nhien lieu hoa thach
Nhiên liệu hóa thạch vẫn đang nhận được sự trợ cấp lớn

30% các khoản trợ cấp toàn cầu là dành cho việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch tập trung tại Trung Đông. Trong ước tính của mình, chúng tôi vẫn chưa xác định được bất kỳ khoản trợ cấp nào dành cho nhiên liệu hóa thạch tại Mỹ và Pháp (lưu ý rằng các tổ chức như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế có đưa các hỗ trợ về thuế vào bản hạch toán của các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch).

Để so sánh, chúng tôi ước tính giá trị của các khoản trợ cấp từ việc triển khai năng lượng tái tạo là khoảng 170 tỉ đôla năm 2016, thấp hơn nhiều so với các khoản tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch. Vì không có dữ liệu cụ thể, nên chúng tôi không tính đến các khoản trợ cấp dành cho việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

PV: Vì sao phải duy trì các khoản trợ cấp lớn cho nhiên liệu hóa thạch?

Ông Toshiyuki Shirai: Trong bối cảnh giá xăng dầu tương đối thấp, nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp để gỡ bỏ các khoản trợ cấp dành cho việc tiêu thụ năng lượng hóa thạch. Tại một số nước Trung Đông như Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Arập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất đã tăng giá nhiên liệu. Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Mexico cũng đã giảm trợ cho các sản phẩm dầu mỏ.

Tuy nhiên, về mặt chính trị, rất khó để thực hiện cải cách các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch do thường xuyên gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía công chúng. Duy trì một cuộc cải cách như vậy trong một thời gian sẽ trở thành một thách thức lớn, đặc biệt là khi giá nhiên liệu đang tăng. Nhiều chính phủ có thể bị gây áp lực để hồi phục các khoản trợ cấp.

Trong nhiều trường hợp, một số cuộc cải cách đã bị chất vấn về nguyên nhân và một số khác bị khôi phục trở lại do áp lực chính trị hoặc từ phía công chúng. Để tránh tình trạng như vậy, chính phủ có thể cung cấp sự hỗ trợ cho các nhóm dân cư khó khăn nhất. Đồng thời, thuyết phục để công chúng hiểu rõ hơn về mục đích của việc tiến hành cải cách trợ cấp nhiên liệu.

PV: Việc bãi bỏ các khoản trợ cấp này có phải là mục tiêu trọng tâm để chống lại sự nóng lên của toàn cầu?

Ông Toshiyuki Shirai: Bất chấp những thành quả đã đạt được tại nhiều quốc gia, các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch vẫn còn khá phổ biến. Chúng không khuyến khích đầu tư vào các công nghệ làm giảm khí thải carbon. Và điều này cản trở việc giảm phát thải khí CO2 có liên quan đến năng lượng.

Do đó, việc cải cách trong trợ giá nhiên liệu hóa thạch là sáng kiến chính trị quan trọng giúp chống lại sự biến đổi khí hậu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Nam sẽ xóa bỏ hoàn toàn trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch vào năm 2020. Đây là phát biểu của ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng, Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong hội thảo về kết quả Hội nghị Toàn cầu về Biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra ngày 9-1-2016. Theo ông Tấn, doanh nghiệp sẽ là nguồn lực chủ yếu giúp Việt Nam thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị COP21 đầu tháng 12-2015 tại Pháp, Việt Nam cam kết sẽ giảm 8% lượng phát thải khí CO2 vào 2030 và 25% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Đây là một phần trong nỗ lực chung của 195 nước, nhất trí cắt giảm lượng phát thải CO2 nhằm giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp.

S.Phương