Cần 30 tỉ USD đầu tư cho ngành điện

10:10 | 26/01/2017

843 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong giai đoạn 2016-2030, nhu cầu nguồn điện tăng thêm là 95.852MW (bình quân khoảng 6.400MW/năm), riêng giai đoạn 2016-2020, cần đưa vào vận hành 21.600MW. Việt Nam cần một nguồn vốn khổng lồ để thực hiện chương trình đầu tư này. Phóng viên Năng lượng Mới đã trao đổi với ông Đinh Thế Phúc - Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) về khả năng huy động vốn và đảm bảo điện trong giai đoạn 2016-2020.  

PV: Thưa ông, xin ông cho biết tăng trưởng phụ tải điện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và nhu cầu vốn đầu tư cụ thể như thế nào để đáp ứng?

can 30 ti usd dau tu cho nganh dien
Ông Đinh Thế Phúc

Ông Đinh Thế Phúc: Theo quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, để đáp ứng nhu cầu điện năng, đến năm 2020 tổng công suất các nhà máy điện cần phải đạt khoảng 60.000MW, như vậy là trong 5 năm 2016-2020, tổng số các nguồn điện cần được đưa thêm vào vận hành là khoảng 21.600MW. Trong đó, loại trừ khoảng 1.800MW là đầu tư theo hình thức BOT, số còn lại thì theo ước tính của Viện Năng lượng là đơn vị thực hiện xây dựng quy hoạch điện, chúng ta sẽ cần khoảng gần 30 tỉ USD để đầu tư số lượng nguồn này. Đó là chưa kể đồng bộ với các nguồn điện, chúng ta sẽ cần đầu tư lưới điện để truyền tải, phân phối điện tới khách hàng sử dụng. Tổng nguồn vốn trong giai đoạn này là khoảng gần 40 tỉ USD, tính bình quân mỗi năm cần khoảng 7,9 tỉ USD.

PV: Đó là những con số rất lớn, vậy việc huy động vốn phải thực hiện qua những kênh nào và liệu có khó khăn gì không?

Ông Đinh Thế Phúc: Vốn đầu tư cho các nguồn điện thì thông thường đến từ 3 nguồn cơ bản: Một là, vốn của các công ty nước ngoài, vốn của các công ty trong nước đầu tư vào các nguồn điện theo hình thức IPP; Hai là, vốn vay các tổ chức tài chính quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Tái thiết Đức...); Ba là, vốn chủ sở hữu và vay thương mại của các tập đoàn Nhà nước đầu tư vào các công trình nguồn điện.

Tuy nhiên, hiện nay vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế đang gặp khó khăn, Chính phủ sẽ không tiếp tục đứng ra bảo lãnh các khoản vay của các tập đoàn Nhà nước, do đó các tập đoàn Nhà nước sẽ phải vay trực tiếp và rủi ro đối với khoản vay này sẽ lớn hơn. Mặt khác, việc nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình cũng hạn chế việc tiếp cận với những nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp.

PV: Nhiều quan điểm cho rằng, chi phí sản xuất điện có xu hướng gia tăng và nhà đầu tư không mặn mà với các công trình điện do giá điện của ta còn thấp, thực tế này như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Thế Phúc: Chi phí sản xuất điện tăng là điều có thể dự đoán được. Theo quy luật chung thì những nguồn điện có giá thành sản xuất rẻ hơn sẽ được khai thác, sử dụng trước. Khi nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng, sẽ phải tiếp tục khai thác các nguồn điện có giá thành cao hơn. Do đó chi phí sản xuất điện sẽ có xu hướng tăng cao. Ví dụ ở nước ta thì thủy điện và nhiệt điện than được ưu tiên khai thác trước, rồi đến các nguồn turbine khí sử dụng khí khai thác tại thềm lục địa. Tuy nhiên, các nguồn điện này gần đây đã được khai thác hầu hết. Sắp tới chúng ta sẽ phải xây dựng, vận hành các nguồn điện sử dụng than nhập khẩu, sử dụng khí hóa lỏng (LNG) có giá thành cao hơn. Bên cạnh đó, các yêu cầu về môi trường cũng ràng buộc chúng ta phải sử dụng các công nghệ sạch có giá thành cao, đồng thời phải phát triển các nguồn điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời hiện nay vẫn có giá thành cao hơn các nguồn điện truyền thống.

can 30 ti usd dau tu cho nganh dien
Đường dây 500kV Phú Mỹ - Sông Mây

Cần phải nói rằng cũng có những nguyên nhân khiến cho chi phí sản xuất điện giảm, ví dụ khi công nghệ điện mặt trời phát triển làm cho giá thành sản xuất điện mặt trời hạ xuống. Đối với các công nghệ khác, nếu không có đột phá về mặt công nghệ thì cần áp dụng các biện pháp quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành để giảm chi phí, tăng năng suất, qua đó có thể giảm giá thành.

Tóm lại, với nhu cầu sử dụng điện năng vẫn ở mức cao như hiện nay thì khả năng chi phí sản xuất điện có xu hướng tăng là điều khó tránh khỏi. Việc chi phí sản xuất điện tăng không ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực tài chính đầu tư phát triển điện. Nói đúng ra mối quan hệ nó ngược lại, nghĩa là nhu cầu điện tăng, phải xây dựng các nguồn điện có chi phí cao làm cho chi phí sản xuất điện sẽ có xu hướng tăng. Còn chuyện huy động các nguồn lực tài chính để xây dựng các nhà máy điện thì chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác như tỷ giá, lãi suất vay v.v…

Theo thống kê kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện đã được công bố thì tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm các năm 2010-2014 là 10,5%; 11,4%; 9,3% và 11,6%; Giá thành sản xuất, kinh doanh điện cũng có mức tăng cao tương ứng với tốc độ tăng của điện thương phẩm là 20,4%; 14,94%; 21,81% và 16,54%. Điều này gây áp lực lớn cho việc huy động các nguồn lực tài chính cho việc đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện thương phẩm ở mức rất cao trong các năm vừa qua cũng như cho giai đoạn 2016-2020.

PV: Năng lượng tái tạo không hề rẻ và nếu không cẩn thận thì cũng rất nguy hại cho môi trường. Ông giải thích thế nào về vấn đề này?

Ông Đinh Thế Phúc: Nếu như chỉ kể nhược điểm thì chúng ta sẽ không dám làm bất cứ công trình nào, vì tất cả các công trình nói chung và công trình điện nói riêng đều có mặt lợi, mặt hại. Báo chí có nêu thủy điện xả lũ, gây thiệt hại cho dân, nhưng báo chí cũng đã nêu hệ thống thủy điện trên sông Đà, sông Lô, sông Gâm đã không những loại bỏ hoàn toàn được lũ lụt cho hệ thống sông này, mà hằng năm, vào vụ đổ ải của Đồng bằng Bắc Bộ đã xả hàng tỉ mét khối nước giúp người dân làm nông nghiệp. Từ khi có Thủy điện Tuyên Quang, thành phố Tuyên Quang không còn bị úng ngập nữa. Ngay tại miền Trung và Bắc Nam Bộ, trong đợt mùa khô hồi đầu năm nay, các hồ thủy điện đã đóng vai trò rất lớn cho việc điều tiết cấp nước cho vùng hạ du, nhưng trong mấy đợt áp thấp nhiệt đới liên tục vừa rồi gây mưa dài ngày làm cho một số hồ thủy điện buộc phải xả để đảm bảo an toàn đập thì lại có ý kiến phản đối thủy điện.

Ngay cả các nguồn điện năng tái tạo được coi là sạch như hiện nay cũng có những mặt bất lợi. Ví dụ như điện gió cũng gây tiếng ồn, điện mặt trời có vấn đề khi phải xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn. Do đó cần lựa chọn vị trí xây dựng, lựa chọn công nghệ pin mặt trời phù hợp.

Điều quan trọng là mỗi khi xây dựng một công trình, đều cần phải có đánh giá nghiêm túc về tác động môi trường, đến việc đền bù cho những hộ dân bị ảnh hưởng khi xây dựng công trình đó, đến việc vận hành sau này sao cho giảm thiểu những bất lợi có thể xảy ra.

Đối với Việt Nam, trong thời gian tới, khi xây dựng các nhà máy điện chúng ta sẽ phải xem xét rất kỹ các giải pháp giảm thiểu tác động ảnh hưởng đến môi trường, như nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ sạch, các nhà máy turbine khí, các dạng năng lượng sạch như gió, mặt trời, sinh khối, thủy triều.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Long

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps