Cam go cuộc chiến chống hàng giả

07:00 | 04/07/2018

422 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng đang mang lại hệ lụy tiêu cực cho xã hội, làm giảm uy tín của các doanh nghiệp (DN)… Đó là nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia được phóng viên Báo Năng lượng Mới ghi lại tại Hội thảo “Chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”.
cam go cuoc chien chong hang gia

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:

Câu chuyện chống hàng giả hàng nhái, bảo vệ quyền SHTT không mới. Dù Việt Nam đã tham gia nhiều công ước về SHTT, nhưng ngay cả người thực thi cũng không thuộc hết nội dung, chứ chưa nói đến DN.

Trong việc chống hàng giả và hàng xâm phạm SHTT, biện pháp đang được nhiều DN đánh giá cao và áp dụng là hợp tác với truyền thông. Cụ thể, khi bị xâm phạm SHTT, DN lập tức mời truyền thông vào cuộc và trong chừng mực nhất định, nhiều DN đã thành công bởi truyền thông có “quyền lực mềm” cực mạnh

cam go cuoc chien chong hang gia

Ông Nguyễn Phương Minh - Phó trưởng phòng Thực thi giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ): Hàng giả đang phá hoại nền kinh tế

Theo báo cáo của các cơ quan thực thi cũng như các vụ việc đã được gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị cung cấp ý kiến chuyên môn cho thấy: Các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu; xảy ra với mọi loại hàng hóa từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng quan trọng như: Thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu… Vì mục tiêu lợi nhuận, nên việc làm giả các sản phẩm được bảo hộ SHTT trở thành hiện tượng phổ biến. Hàng hóa nào có thương hiệu, có lợi nhuận, có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng thì lập tức có hàng giả.

cam go cuoc chien chong hang gia
Toàn cảnh hội nghị

Hàng giả đang phá hoại nền kinh tế và sức khỏe người tiêu dùng. Tình trạng xâm phạm quyền SHTT diễn ra rất phức tạp. Hàng giả, hàng nhái không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ. Doanh nghiệp than phiền là hàng hóa chỉ mới ra thị trường trong 1 tháng là có ngay hàng giả. Phân bón, thuốc thú y, thuốc thực vật giả không chỉ làm người dân thiệt thòi mà còn làm giảm năng suất vụ mùa, chết cây giống, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Ví dụ: phân NPK giả mà người ta dùng đất đỏ hay bùn để làm thì còn đỡ, chứ lấy bột đá làm thì càng nguy hiểm, bón vào cà phê là chết hết. Không chỉ cây mà người cũng chết vì hàng giả. Rượu giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe người dùng... Tình trạng sang chiết gas trái phép, chiếm đoạt vỏ bình chứa gas, nhái nhãn hiệu… không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, gây tai nạn nghiêm trọng cho người sử dụng.

Không chỉ kỹ thuật sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, mà phương thức kinh doanh hàng giả thời thương mại điện tử cũng khiến hàng giả “lên ngôi” nhưng rất khó kiểm soát, quyền lợi người tiêu dùng càng trở nên mong manh trước nạn hàng giả.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cần thực thi một số giải pháp nhằm ngăn chặn việc xâm phạm SHTT:

Phổ biến tuyên truyền cho người dân, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất về chống hàng giả, hàng xâm phạm SHTT. Công tác giáo dục, phổ biến tuyên truyền pháp luật được thực hiện tốt sẽ góp phần tạo nên những chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật trong nhân dân và cán bộ, công chức Nhà nước. Thường xuyên hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và phân biệt được giữa hàng thật và hàng giả thông qua đài, báo, các buổi triển lãm hàng thật, hàng giả. Vận động, triển khai việc ký cam kết không kinh doanh, tàng trữ hàng giả, hàng vi phạm SHTT.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cho cán bộ thực thi.

Phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng với doanh nghiệp.

Tăng cường kiểm soát và kiểm tra các cơ sở in ấn bao bì, nhãn mác, cơ sở cung ứng nguyên liệu có vi phạm vì đây là nguồn cung cấp sản phẩm làm hàng giả.

Tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm thực thi quyền SHTT của những nước phát triển.

cam go cuoc chien chong hang gia

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Quyền lợi người tiêu dùng rất mong manh

Ở nước ta hiện nay, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp. Người tiêu dùng rất lúng túng trước thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng nhưng thật, giả khó lường.

Hàng giả tại Việt Nam xuất hiện tràn lan từ vật tư, máy móc, thiết bị, tiền, văn bằng, chứng chỉ, đặc biệt là hàng giả có liên quan đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...

Về hàng tiêu dùng, các loại hàng giả có giá trị từ thấp như bao diêm, bật lửa, quần áo, giày dép, túi xách, khóa cửa, xe đạp... đến cao cấp như đồng hồ, điện thoại, máy ảnh, tivi, máy điều hòa, vàng; từ sản phẩm vật chất đến sản phẩm tinh thần như băng, đĩa, máy nghe nhạc, tác phẩm hội họa, tác phẩm văn học, sách giáo khoa...

Về vật tư, máy móc, thiết bị, hàng giả xuất hiện vố số, như: Thóc giống, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thức ăn gia súc, sắt thép, xi măng, ống nhựa, dây điện, sơn quét tường, linh kiện kỹ thuật số, thiết bị vệ sinh, sen vòi tắm, thiết bị mạng, điện tử, máy động lực...

Trong khái niệm hàng giả không hề có khái niệm hàng giả về kiểu dáng công nghiệp, chỉ có hàng giả về nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý... Nhưng hiện nay có nhiều hàng hóa bắt chước về kiểu dáng công nghiệp, do vậy chỉ có thể xử theo Luật Sở hữu trí tuệ, mà tội đó thì nhẹ hơn nhiều so với tội làm hàng giả.

Không chỉ kỹ thuật sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, mà phương thức kinh doanh hàng giả thời thương mại điện tử cũng khiến hàng giả “lên ngôi” nhưng rất khó kiểm soát, quyền lợi người tiêu dùng càng trở nên mong manh trước nạn hàng giả.

Trước tình hình đó, ở góc độ một tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã rất quan tâm đến quyền được bảo đảm an toàn, quyền được cung cấp thông tin, quyền được lựa chọn, bồi thường đối với người tiêu dùng.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính và gìn giữ môi trường kinh doanh trong sạch, công tác đấu tranh chống sản xuất và kinh doanh hàng giả cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm khống chế và đẩy lùi hàng giả.

cam go cuoc chien chong hang gia

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị thương hiệu (Đại học Thương mại Hà Nội): Chống hàng giả từ tư duy đến hành động

Việc chống hàng giả, hàng nhái cần phải được thực hiện từ tư duy đến hành động. Nói đến vấn đề chống hàng giả, chúng ta cần phải tiếp cận từ góc độ tư duy và thay đổi ngay từ trong tư duy của cơ quan quản lý, của các cơ quan chức năng, của cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng. Nếu không thay đổi tư duy, chúng ta không thể chống được hàng giả.

Vấn nạn hàng giả đã được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, nhưng số lượng hàng giả vẫn không giảm xuống mà ngày càng tăng lên, đó là vì chúng ta chưa thay đổi tư duy, bao gồm cả tư duy về pháp lý và tư duy về cộng đồng.

Về khía cạnh pháp lý, hiện nay chúng ta có Nghị định 185 đưa ra định nghĩa về hàng giả và định nghĩa này tiếp cận theo hướng liệt kê, kể ra những thứ như thế nào thì là hàng giả. Đương nhiên đã là liệt kê thì sẽ không đủ vì thực tế đời sống liên tục xuất hiện các cái mới. Chính vì vậy, cơ quan thực thi rất khó xử lý.

Ví dụ, trong khái niệm hàng giả không hề có khái niệm hàng giả về kiểu dáng công nghiệp, chỉ có hàng giả về nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý... Nhưng hiện nay có nhiều hàng hóa bắt chước về kiểu dáng công nghiệp, do vậy chỉ có thể xử theo Luật Sở hữu trí tuệ, mà tội đó thì nhẹ hơn nhiều so với tội làm hàng giả. Như vậy, chúng ta đã bỏ sót một loại hình của hàng giả. Do vậy cần phải thay đổi tư duy. Nếu pháp lý không mạch lạc, rõ ràng thì các cơ quan thực thi rất khó xử lý.

Một vấn đề quan trọng nữa đó là ý thức của cả cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng. Có 2 tình huống xảy ra với người tiêu dùng: Một là không biết hàng giả, hai là mua hàng giả mà tưởng đó là hàng thật. Ngoài ra, rất nhiều người tiêu dùng đang “thông đồng” với hàng giả, thừa biết là hàng giả nhưng vẫn dùng. Điều này đang góp phần kích thích việc sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo khảo sát, trong 100 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ thì 90% doanh nghiệp sợ sản phẩm của mình bị doanh nghiệp khác làm giống. Nhưng 70% doanh nghiệp khi được hỏi lại trả lời rằng sẵn sàng sao chép kiểu dáng, mẫu mã của sản phẩm khác. Đấy là một nghịch lý đã và đang tồn tại dai dẳng.

Do vậy, vấn đề là làm thế nào để thay đổi nhận thức, tư duy cả trong cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, để dần dần sau một vài chục năm nữa, người tiêu dùng Việt Nam thông minh hơn trong nhận thức và tiêu dùng sản phẩm.

Trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội rất lớn, đặc biệt trong việc cho người tiêu dùng thấy được tầm quan trọng của việc lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng, phải tuyên truyền cho người tiêu dùng nhận thức đúng về việc tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường và quyền SHTT.

Hiện nay, tình trạng xâm phạm quyền SHTT phát triển rất mạnh. Tuy vậy, những hành vi đó tại Việt Nam khi bị phát hiện thì 98,37% bị xử lý bằng biện pháp hành chính, chỉ có 1,63% bị xử lý thông qua tòa án.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước thì không đủ người, đủ nhân lực để xử lý. Do vậy, điều cần làm là phải tăng cường những biện pháp xử lý vi phạm thông qua hệ thống tư pháp để bảo đảm tính răn đe đối với những hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái.

cam go cuoc chien chong hang gia

Ông Trần Trọng Hữu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc (PV GAS NORTH): Gia tăng vi phạm về sở hữu chai LPG

Trong hoạt động kinh doanh LPG thời gian qua trên thị trường có nhiều hành vi vi phạm pháp luật như vi phạm về điều kiện kinh doanh, về phòng cháy chữa cháy, kiểm định an toàn đối với thiết bị, bình gas, vi phạm về chai (bình) LPG về sang, chiết gas trái phép…

Nổi cộm trên thị trường hiện nay là hành vi vi phạm về sở hữu bình LPG như: Thu gom, chiếm giữ các bình gas của nhau, chiếm đoạt bình LPG để hoán cải, cắt tai, mài vỏ bình gas của chủ sở hữu, sang chiết gas trái phép vào bình LPG của chủ sở hữu. Các hành vi này gây náo loạn thị trường kinh doanh LPG làm thiệt hại về uy tín, tài chính của chủ sở hữu, nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng, Nhà nước thất thu thuế…

Đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Gas Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh khí rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan điều chỉnh kịp thời những quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn công tác chống gian lận thương mại và hàng giả; xác định rõ những căn cứ pháp luật để quy định rõ chủ sở hữu bình LPG, quy định rõ hành vi, mức độ… đối với những vi phạm trong hoạt động kinh doanh gas phải chuyển qua xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cần phải tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng gas an toàn cho người tiêu dùng và tuyên truyền nâng cao văn hóa kinh doanh của các thương nhân kinh doanh gas không thể chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà quên sự an toàn của người tiêu dùng, an ninh trật tự của xã hội dẫn đến cháy nổ.

Nguyễn Hoan