Cấm bán rượu không có nhãn mác, nguồn gốc

15:39 | 13/03/2017

2,679 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội yêu cầu các sở ngành, quận huyện khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với kinh doanh sản phẩm rượu.

Cụ thể, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Y tế, Công Thương, Công an Hà Nội phối hợp, triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên địa bàn thành phố.

Khẩn trương hoàn thiện các văn bản tham mưu các Bộ, ngành và UBND thành phố ban hành quy định về quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông sản phẩm rượu, đồ uống có cồn, đặc biệt là sản phẩm rượu thủ công do người dân tự nấu, chưng cất, pha chế, rượu ngâm các loại theo.

cam ban ruou khong co nhan mac nguon goc
Một loại rượu quê truyền thống, có nhãn mác - ảnh minh họa.

Thực hiện nghiêm các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu và đồ uống có cồn theo quy định của pháp luật, kể cả đối với cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, chất men nấu rượu bằng phương pháp thủ công. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và có biện pháp quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn.

Quyết không để các tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu nhập lậu, không có nhãn mác, không dán tem, không có nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng dưới mọi hình thức. Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tất cả các cơ sở bán buôn, bán lẻ, tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doach dịch vụ ăn uống... trên địa bàn thành phố.

Việc cấm trưng bày, buôn bán rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ không phải là quy định mới. Trước đó, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ về sản xuất, kinh doanh rượu.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất. Khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.

Với Nghị định 94 này, tất cả các loại rượu “quê” được nấu thủ công và đang bán công khai, phổ biến ở mọi vùng miền trên cả nước sẽ bị xử lý nếu không làm thủ tục xin giấy phép sản xuất, gắn nhãn mác.

Liên quan đến vụ sinh viên nhập viện cấp cứu do uống rượu, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu tăng cường giám sát an toàn thực phẩm, có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm với sản phẩm rượu.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Công Thương khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên toàn quốc. Hoàn thiện các văn bản quy định về quản lý đối với sản phẩm rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo hướng.

Đồng thời cần thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu, theo quy định của pháp luật, kể cả đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, chất men nấu rượu bằng phương pháp thủ công.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không có nguồn gốc, xuất xứ dưới mọi hình thức; cần kiểm soát chặt chẽ tất cả các cơ sở kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại các cửa hàng ăn uống…) và nghiên cứu bổ sung chế tài, tăng mức phạt hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rượu và có giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.

Đức Trọng