Cái vòng luẩn quẩn

10:54 | 11/07/2011

335 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Tổ điều hành thị trường trong nước của Chính phủ dự đoán: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 chỉ tăng nhẹ, khoảng từ 0,7 đến 0,9%. Tuy nhiên, với những diễn biến khó lường như hiện nay, có vẻ mọi việc sẽ không nằm trong tầm tính toán của các cơ quan chức năng…

Trước tiên, chúng ta phải thống nhất, CPI tăng cao là vận động ngoài mong muốn với bất cứ xã hội nào. Bởi vậy, mỗi khi vấn đề chỉ số giá tiêu dùng xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, nó thường mang tính cảnh báo nguy cơ hơn là tuyên dương thành tích. Về cơ bản, ngoại trừ thời điểm một nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng, lạm phát phi mã, thông thường biểu đồ CPI luôn tịnh tiến bởi giá cả thị trường, chỉ tăng chứ không giảm.

Sau một vòng khảo sát nội thành, từ đầu tháng 7, giá các mặt hàng thiết yếu đều tăng đồng loạt. Chị Ngọc, 30 tuổi, đang làm việc cho một đơn vị hành chính sự nghiệp, dọn ra ở riêng cùng chồng và một con trai 4 tuổi. Từ cả tháng nay, “ngân sách” dành cho chợ búa đã “thặng dư” tới 10% mỗi tuần, từ 1 triệu đồng lên 1,1 và bây giờ là 1,3 triệu. Sẽ không có gì đáng nói, nếu chính sách lương bổng cho cán bộ khu vực Nhà nước được điều tiết linh hoạt để phù hợp với tình trạng lạm phát. Hiện Bộ LĐ – TB & XH đã dự định trình Chính phủ đề án phân chia lương theo 4 vùng, và có thể sẽ áp dụng ngay từ 1/10 nếu được chấp thuận.

Ở nhiều chợ “cóc” trong nội thành, giá thịt lợn đã lên tới 145 nghìn đồng/kg thịt nạc thăn, thịt ba chỉ giá cũng lên tới 125-130 nghìn đồng. Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường (Viện chăn nuôi – Bộ NN&PTNT) thống kê, phải mất ít nhất 3-4 tháng, một doanh nghiệp tư nhân mới có thể tái đàn lợn thịt. “Trong bối cảnh bệnh dịch đã được khống chế, hiện tại tâm lý người đầu tư cho chăn nuôi hết sức phấn chấn. Tuy nhiên, vấn đề vốn đang đè nặng lên doanh nghiệp, bởi nếu thành phẩm tăng bất ngờ, bản thân doanh nghiệp cũng ngại, không biết giải thích sao với thương lái.” Đó là còn chưa tính đến trong 3-4 tháng tái đàn, dịch bệnh bất ngờ ập đến, rủi ro kinh doanh, hoặc giá cả thị trường biến động theo hướng không có lợi.

Theo TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội), nhiều khả năng việc giá cả đang nhích dần là do tâm lý e ngại mùa mưa bão đang đến gần. “Cũng một phần vì việc tính CPI tháng 7 sẽ dựa trên cơ sở giá cả các loại hàng hóa từ ngày 16/6 đến ngày 15 tháng này, nên chỉ số trên khó có thể đạt mức dưới 1% so với tháng 6 như Chính phủ dự đoán”, TS Phong nói: “Hơn nữa khi vào mùa mưa bão, nguồn thực phẩm, rau quả bị giảm, nên giá cả chắc chắn sẽ còn tăng lên trong tương lai gần”.

Nhận định sâu hơn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do lãi suất ngân hàng quá cao khiến các doanh nghiệp chăn nuôi và trồng trọt gặp nhiều khó khăn, khi muốn tái đầu tư hoặc mở rộng sản xuất. “Giải pháp ngắn hạn là theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, can thiệp kịp thời về giá một số mặt hàng chiến lược nhằm giảm tốc độ tăng giá; hạn chế nạn đầu cơ tiêu cực. Về lâu dài và cơ bản, chính sách tiền tệ linh hoạt, với mấu chốt là lãi suất ngân hàng vẫn luôn là công cụ kiểm soát hiệu quả nhất”, TS Hiền kết luận.

Theo dõi sự leo thang từng ngày của giá cả các mặt hàng thiết yếu, có thể hình dung vòng đời của dòng-tiền-tệ, từ nguồn đầu tư đến tay các doanh nghiệp chăn nuôi và trồng rau củ quả sạch có sự can thiệp rất lớn của lãi suất ngân hàng.

Cái vòng luẩn quẩn CPI vẫn thắt nút ở nguồn vốn đầu tư, với vai trò nổi bật của các ngân hàng.

Hữu Tùng