Cải tạo cây xanh hồ Gươm - cần một ứng xử văn hóa

09:23 | 10/07/2017

1,122 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hà Nội  đang triển khai dự án đầu tư xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu vực hồ Gươm. Đây không phải là câu chuyện mới.

Bởi lẽ, trước đây, vào dịp chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, tháng 4-2010, Hà Nội cũng đã triển khai việc chỉnh trang cảnh quan, kiến trúc hồ Gươm, trong đó có việc lát đá tự nhiên đường dạo xung quanh hồ. Thế nhưng, việc làm này không được sự đồng thuận của người dân, nên dự án đang triển khai dở dang phải dừng lại. 2 năm sau, năm 2012, dự án lẽ ra được tiếp tục nhưng do vướng vào chuyện quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050, nên phải chờ để có điều chỉnh phù hợp. Và đến nay 2017, dự án mới lại tiếp tục thực hiện.

cai tao cay xanh ho guom can mot ung xu van hoa

Còn việc lập các đồ án, phương án quy hoạch kiến trúc cải tạo chỉnh trang hồ Gươm và vùng phụ cận thì cũng không ít, kể cả vài cuộc thi có tính quốc tế, cũng từng được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước. Thế nhưng, thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, chưa thấy một đồ án nào (kể cả đồ án từng được giải cao nhất qua các cuộc thi) được đem ra thực thi cho dù chỉ một phần.

Vốn là người nặng lòng với Hà Nội, với hồ Gươm, vì thế, mỗi một sự thay đổi nào, tác động nào đến cảnh quan khu vực nơi đây là tôi lại thấy lo lắng, thảng thốt. Bởi thực tế đã và đang diễn ra ở rất nhiều nơi trong cả nước, cứ sau mỗi lần được cải tạo, chỉnh trang, thì di sản, di tích lại trở nên mới mẻ, khác lạ, thậm chí còn long lanh như vừa được xây mới?!

Dự án lần này do tập đoàn tư vấn nước ngoài có tên là AREP lập với nhiều ý tưởng thiết kế hoành tráng, hiện đại với mục đích biến khu vực hồ Gươm thành một trung tâm văn hóa - du lịch dịch vụ hấp dẫn thu hút khách du lịch bốn phương, phù hợp với sự phát triển của một Hà Nội mới, hiện đại, văn minh văn hiến trong tương lai. Ý tưởng của các KTS AREP đã được triển lãm ở Nhà Thông tin hồ Gươm - số 2 Lê Thái Tổ và theo như tổng kết của Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm thì gần 90% người đến xem ủng hộ (?!).

Một trong những hạng mục của dự án lớn này có việc cải tạo, thay thế, trồng mới cây xanh quanh bờ hồ Gươm. Đây là chuyện rất nhạy cảm. Chả thế mà trong văn bản của Bộ Xây dựng về dự án này cũng đã khuyến cáo và chỉ ra những bất cập của dự án như bản vẽ cây xanh quanh hồ còn sơ sài, không chỉ rõ vị trí cây cần thay thế, chủng loại cây, tuổi đời của cây, tình trạng phát triển của cây… và Bộ này đề nghị phải lập hồ sơ cho mỗi cây hiện có ở nơi đây v.v…

Cây xanh hồ Gươm gắn liền với việc quy hoạch xây dựng hồ từ năm 1883, khi người Pháp tiến hành quy hoạch Hà Nội theo kiểu đô thị châu Âu. Trước đó, khu vực xung quanh hồ Gươm vốn là các làng xóm, nối với nhau bằng những con đường đất lầy lội, nhỏ hẹp. Cây cối trồng quanh đây chỉ là chuối, tre và những cây truyền thống của làng quê Việt như cây đa, cây gạo, cây muỗm. Năm 1893, khi việc thực hiện quy hoạch khu vực hồ Gươm và làm đường quanh hồ (Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ - Hàng Khay) cơ bản hoàn thành, thì chỉ có rất ít cây cổ thụ được giữ lại, còn quanh hồ là cây trồng mới. Trong đó, hầu hết cây trồng được lựa chọn lấy từ vườn ươm Bách Thảo đem về.

Trải qua hơn 100 năm thăng trầm, thời cuộc biến đổi, nhưng những hàng cây quanh hồ vẫn xanh tốt và phát triển. Rất nhiều cây cổ thụ đã trở thành biểu tượng của hồ Gươm. Cho đến nay, tôi cũng không rõ có cơ quan nào thống kê xem quanh hồ có bao nhiêu cây, bao nhiêu loại cây và cả tuổi đời của mỗi cây cổ thụ nữa.

Có một điều rất đặc biệt mà không một hồ cảnh quan nào ở Hà Nội và có thể trên cả nước có được, đó là cây trồng quanh bờ hồ Gươm rất đa dạng sinh học, có cây thuần Việt như lộc vừng, đa, gạo, nhưng có những cây xuất xứ từ châu Phi hay ở một nơi xa lắc nào đó trên thế giới như cây dừa dầu chẳng hạn. Cây quanh bờ hồ Gươm như những chứng nhân của lịch sử. Cây đa ở đền Ngọc Sơn có tuổi đời dễ hơn 300 năm, chẳng kém gì cây đa trong khuôn viên trụ sở báo Nhân Dân (xưa đây vốn là Trường Hà Đình do TS Vũ Tông Phan lập năm 1837), mà cố KTS Tạ Mỹ Duật quả quyết cho rằng, đó là cây đô thị cổ nhất Đông Dương. Năm 1977, cây đa bị bão đánh bật gốc, nằm nghiêng trên mặt đất, người ta đã phải dùng tời và sức người kéo dựng nó lại và tích cực chăm sóc.

Cho đến giờ cây đa này vẫn phát triển xanh tốt , xum xuê. Chuyện về cây trồng quanh bờ hồ Gươm thì nhiều lắm. Mỗi cây, mỗi loài cây đều có số phận riêng, lịch sử riêng, như đời người vậy. Vì thế, mỗi khi động đến cảnh quan, cây xanh nơi đây rất cần có thái độ ứng xử cẩn trọng. Xin đừng đồng loạt hóa cây xanh nơi đây. Hãy để những cây xanh cổ thụ quanh hồ được bình yên với dáng vẻ, màu sắc vốn có của nó. Hàng trăm năm đã trôi qua. Biết bao phận người, đời người đã đi qua hồ Gươm với sự chứng kiến của những hàng cây huyền thoại đó!

Người ta có thể làm được nhiều thứ khi có tiền và lại có quyền nữa, thế nhưng, lịch sử không thể viết lại. Di sản không thể làm mới. Vì lẽ đó, xin hãy cẩn trọng khi đụng đến cây xanh, nhất là những cây cổ thụ quanh hồ Gươm linh thiêng này.

Và đó chính là thái độ ứng xử có văn hóa với danh thắng bậc nhất của thủ đô, của cả nước - danh thắng hồ Gươm!

Thật hay, trong cuộc họp mới đây nhất, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định không có chuyện Hà Nội lên kế hoạch thay thế cây xanh quanh hồ Gươm.

KTS Phạm Thanh Tùng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc