Cải cách giáo dục và những thách thức

08:34 | 23/03/2014

3,046 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là nơi tập trung rất nhiều chuyên gia có đủ năng lực và trí tuệ, các nhà sư phạm mô phạm nhưng sao cải cách đổi mới GD&ĐT lại khó làm vậy?

Năng lượng Mới số 305

Bộ GD&ĐT đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện Nghị quyết cải cách giáo dục của Đảng. Đề án của Bộ cũng phải sửa chữa kéo dài qua 3 hội nghị Trung ương VI đến hội nghị Trung ương VIII mới được thông qua. Đến nay, bước đầu thực hiện cải cách, chúng ta thấy rõ Bộ tỏ ra lúng túng, triển khai thiếu bài bản và căn bản, ra các quyết định bất cập. Nhiều việc làm của Bộ mang tính chất đến đâu hay đấy, thiếu chiến lược thực thi. Như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận xét chưa thiết kế xong đã thi công, thi đỗ 98% việc gì phải miễn thi 20%.

Chương trình thi tốt nghiệp phổ thông với hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn và hai môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử, tương ứng với chương trình dự kiến học trong tương lai của lớp 11 và 12. Chưa kể các môn học được thiết kế cho lớp 10, 11, 12 cải cách trong tương lai có hợp lý hay không thì cũng không thể đem cách thi cải cách cho lớp chưa cải cách. Các chỉ tiêu xét tốt nghiệp lúc thế này lúc thế kia, rất lộn xộn, làm tăng áp lực lên cho học sinh. Nói như GS Văn Như Cương, Bộ GD&ĐT hay ra các quyết định lạ.

Bộ GD&ĐT coi cải cách thi cử là trận đánh mở màn. Thật ra điều này là không ổn và thực tế đã chứng minh điều đó. Điểm mấu chốt là yếu tố con người để thực hiện cải cách. Trong hiện trạng giáo dục hiện nay yếu tố đạo đức bị sa sút nghiêm trọng. Nếu chúng ta có đủ một đội ngũ các thầy cô đầy đủ phẩm chất, đạo đức và việc thi kiểm tra được tổ chức nghiêm túc, thì kết quả học tập của học sinh xứng đáng là tiêu chí để cấp bằng tốt nghiệp, Bộ không phải ôm đồm đứng ra tổ chức thi cử, nhẹ cả học sinh và nhẹ cả thầy. Bởi vậy tốt hơn hết là Bộ nên tập trung sức nâng cao phẩm chất của các thầy, đặc biệt là phẩm chất của các hiệu trưởng. Ở nhiều nước tiên tiến người ta không tổ chức thi quốc gia tốt nghiệp phổ thông.

Thi đại học khác hẳn thi kiểm tra kiến thức phổ thông, đây là thi tuyển. Chỉ có thể nhận 1.000 sinh viên, nhưng số người đăng ký là 2.000 thì tất nhiên sẽ phải tổ chức thi để gạt đi 1.000 người. Thi đại học có thể rất khó và có thể nhẹ nhàng tùy thuộc vào ngành nghề. Như trường RMIT họ chỉ cần điểm trung bình cuối năm lớp 12 ≥ 7.0, điểm Toán  ≥ 7.0 và bằng ngoại ngữ IELTS hoặc TOEFL là có thể nhập học, nhưng điều đầu tiên là phải có tiền, nhiều tiền. Ngay trong trường hợp trình độ ngoại ngữ không đủ thì vẫn có thể nộp tiền để học lấy bằng ngoại ngữ. Luật Giáo dục đã cho phép các trường đại học tự chủ thi cử thì Bộ không nên đa mang chuyện này làm gì. Các trường đại học “lợi dụng” Bộ tổ chức thi cử để giảm nhẹ công tác tuyển sinh của mình, thật ra đó là công việc của họ. Vì sao Bộ lại phải lẩn quẩn trong công tác thi cử. Vai trò của Bộ là quản chặt đầu ra, để tránh hiện tượng “treo đầu dê bán thịt chó”.

Hiện nay không ít trường, chuyên ngành quảng cáo rất ghê nhưng đào tạo rất kém. Sản phẩm họ đào tạo ra không được xã hội chấp nhận dẫn đến thất nghiệp. Quyết định của Bộ cấm các cơ sở không đủ năng lực tuyển sinh rất đáng hoan nghênh. Nhưng con số 207 chuyên ngành của 71 trường bị dừng tuyển sinh chưa phải là tất cả, Bộ còn bỏ sót nhiều chuyên ngành ngay trong các trường lớn.

Chương trình và giáo trình cũng được Bộ GD&ĐT giải quyết theo kiểu ngắt ngọn. Như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra, việc đầu tiên là phải thiết kế hệ thống giáo dục, từ đó mới ra được chương trình khung chuẩn, căn cứ vào đấy mới đào tạo giáo viên, viết sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy. Thiết kế hệ thống giáo dục Việt Nam chưa rõ ràng, khung chương trình chưa chuẩn đã vội phân công biên soạn thử nghiệm sách giáo khoa 3 lớp (lớp 1, 6 ,10) là bất cập. Tư duy học lệch của Bộ là rất lớn, coi nhẹ các môn học khác ngoài Toán và Ngữ văn. Bộ quên mất rằng, giáo dục phổ thông chưa phải là dạy nghề, sau đó mới là trường dạy nghề và hệ thống đào tạo đại học. Bộ quên mất rằng giáo dục phổ thông là đào tạo ra những công dân có kiến thức toàn diện. Hãy thử tưởng tượng ra các chiến sĩ quân đội chúng ta ngày ngày bảo vệ biên giới, bầu trời biển đảo thế mà trên không “thông thiên văn”, dưới không “tường địa lý”, lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha không rõ thì làm sao có lòng tự hào để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Tuy rằng, trong phần thuyết minh Bộ có thừa nhận học sinh ít được thực hành, nhưng cách bố trí chương trình như vậy khó mà tăng cường giáo dục thực hành. Ở đây cũng cần phải nói khái niệm về giáo trình tích hợp và phân hóa, tưởng rằng chúng có một nội hàm cao siêu. Thực tế đó là một giáo trình đại cương, đơn giản hóa các môn học và tập hợp chúng lại với nhau (tập hợp chứ không phải tích hợp). Ví dụ các môn học Lý, Hóa, Sinh được tập hợp lại với nhau gọi là giáo trình khoa học tự nhiên; Lịch sử, Địa lý, Đạo đức, Giáo dục công dân được tập hợp lại với nhau gọi là giáo trình khoa học xã hội. Giáo trình phân hóa lại quay về môn học như cũ: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tin học và Công nghệ, Giáo dục công dân. Tất cả đều tập trung cho lớp 10, còn ở lớp 11 và lớp 12 chúng là các môn tự chọn. Sự mất cân đối trong lớp 10, l1, 12 là kinh khủng. Điều này đã được nhìn thấy và sẽ được chứng minh trong cách tổ chức thi và kết quả thi tốt nghiệp năm 2014. Cách bố trí chương trình học như vậy sẽ cực kỳ mâu thuẫn khi bộ phấn đấu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm sau 2020.

Sự nặng nề trong giáo dục hiện nay, sự kém hiệu quả của những giờ lên lớp là do dạy thêm chứ không phải bản thân chương trình nặng. Con số 7.000 tỉ cho chương trình sách giáo khoa, thoạt nhìn là thuận lợi cho cải cách, nhưng thật ra số phận bi thảm của chương trình cũng có thể lại ở đây vì sự phân chia và tranh giành của các nhóm lợi ích. Học sinh đã nghèo lại càng nghèo thêm, chủ nhà xuất bản đã giàu lại càng giàu thêm. Nên nhớ chúng ta đã trải qua 3 lần cải cách và các giáo trình chuẩn mới dùng được vài năm.

Quan điểm đổi mới là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất con người, xây dựng hệ thống giáo dục mở, có tính liên thông cao. Trang bị kiến thức là công việc cụ thể, thật ra ở giai đoạn nào cũng phải làm. Còn phát triển năng lực toàn diện, phẩm chất con người, xây dựng hệ thống giáo dục mở, có tính liên thông cao thì trong đề án chỉ mới biểu hiện là các khẩu hiệu.

Theo đề án cải cách, thách thức của cải cách là nguồn lực Nhà nước và khả năng của gia đình, khoảng cách giàu nghèo của các nhóm dân cư, tư duy bao cấp, tâm lý khoa bảng, khoảng cách phát triển kinh tế của các nước. Nhưng phải nói thách thức thực sự, lớn nhất trong công cuộc đổi mới cải cách giáo dục đào tạo của Việt Nam hiện nay là nhóm lợi ích, là sự xuống cấp đạo đức  trầm trọng. Các yếu tố này làm méo mó phương thức quản lý và làm thất bại các chủ trương, biện pháp cải cách thật ra là rất đúng đắn.

Ngành GD&ĐT là nơi tập trung rất nhiều chuyên gia có đủ năng lực và trí tuệ, các nhà sư phạm mô phạm nhưng sao cải cách đổi mới GD&ĐT lại khó làm vậy?

PGS.TSKH Phan Văn Quýnh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.