Cái bắt tay Nga - Arập Xêút có cứu được giá dầu?

07:00 | 12/09/2016

597 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự trồi lên và sụt xuống nhanh chóng của giá dầu sau cái bắt tay hợp tác ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu giữa Arập Xêút và Nga, liệu có phải là tín hiệu cho thấy, việc “đóng băng” sản lượng bây giờ dường như cũng không thể ảnh hưởng đến giá dầu thô?  

Ngày 5-9, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, Nga và Arập Xêút đã nhất trí hành động cùng nhau, hoặc hợp tác với các nhà sản xuất khác, đồng thời thống nhất thành lập một nhóm giám sát chung để đưa ra các đề xuất nhằm ngăn chặn tình trạng bất thường của giá dầu. Các thành viên quan trọng khác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Kuwait, các Tiểu vương quốc Arập thống nhất và Venezuela cũng đã lên tiếng ủng hộ sự hợp tác này, như một tiền đề cần thiết cho một thỏa thuận đóng băng sản lượng mới vốn là điều đang được gần như tất cả các nước xuất khẩu dầu trên thế giới chờ đợi.

cai bat tay nga arap xeut co cuu duoc gia dau
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Phó vương Arập Xêút Mohammed bin Salman trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc

Ngay sau khi tin tức tốt lành này được phát đi, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong một tuần, chấm dứt chuỗi thời gian 4 ngày giảm giá. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ sau đó một ngày, giá dầu lại giảm mất một nửa lượng đã tăng, bất chấp những tín hiệu tích cực liên tiếp sau đó.

Đầu tiên là tín hiệu từ Nga. Chỉ một ngày sau khi Nga và Arập Xêút ký tuyên bố chung về phối hợp hành động tại Hàng Châu, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố, Nga và Arập Xêút đã xem xét những công cụ khác nhau nhằm ổn định thị trường dầu mỏ và công nhận rằng hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay là “đóng băng” mức khai thác. Bộ trưởng Nga nói thêm, vấn đề thời hạn và các tiêu chí theo phương án này sẽ được các bên thảo luận vào tháng 9 này tại Algeria.

Cùng ngày 6-9, tại London, Ngoại trưởng Arập Xêút Adel al-Jubeir tuyên bố, nước này sẽ chấp nhận một thỏa thuận “đóng băng” sản lượng mới nếu nó có sự tham gia của OPEC cũng như các nước xuất khẩu dầu lớn khác như Nga, nhưng cảnh báo thỏa thuận đóng băng sản lượng mới có thể sẽ đổ vỡ nếu như không có sự tham gia của Iran.

Ngay sau đó, Chính phủ Iran đã bật đèn xanh cho việc bắt đầu thương lượng với OPEC về việc giảm sản lượng. Bộ trưởng Dầu lửa Iran Bijan Zanganeh đã gặp Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo tại thủ đô Tehran và phát đi cam kết, Tehran sẽ ủng hộ bất cứ biện pháp nào có thể giúp ổn định giá dầu thô trong khoảng 50-60USD/thùng.

Giới quan sát cho rằng, lý do khiến Iran chấp nhận tham gia một thỏa thuận “đóng băng” sản lượng mới một cách sốt sắng, sau khi đã từ chối tại hội nghị Doha vào tháng 4 năm nay, là vì nước này đã đạt đến mức sản lượng ở thời điểm trước khi các lệnh cấm vận của phương Tây có hiệu lực là 4 triệu thùng/ngày. Trước đây, Iran từ chối tham gia thỏa thuận Doha là do nước này yêu cầu đạt được mức sản lượng khai thác 4 triệu thùng/ngày trước khi đóng băng sản lượng, nhưng Arập Xêút đã từ chối và thỏa thuận tan vỡ. Nhưng giờ đây, khi Tehran đã đạt được sản lượng yêu cầu, thì điều quan trọng nhất với nước này là giá dầu trên thế giới phải ổn định ở mức 50-60USD/thùng.

Như vậy, các điều kiện cần thiết cho một thỏa thuận “đóng băng” sản lượng mới đã có đủ: Thái độ cầu thị từ phía Iran, sự sẵn sàng từ Nga và Arập Xêút cùng các nước thành viên khác của OPEC. Ấy vậy mà giá dầu vẫn không có đủ niềm tin để tăng. Vì sao vậy?

Nga và Arập Xêút có lẽ là hai nước khai thác dầu quan trọng nhất trên hành tinh. Arập Xêút là nhà lãnh đạo trên thực tế của OPEC sừng sỏ, đã chi phối thị trường năng lượng toàn cầu hơn 50 năm qua. Trong khi Nga, cùng với Mỹ, là một trong hai nước khai thác dầu lớn nhất không thuộc OPEC. Không ai phủ nhận được những gì mà hai quốc gia này làm - liên quan đến chính sách dầu - có ảnh hưởng sâu rộng trên thị trường. Cũng không ai phủ nhận được sự cầu thị hiện tại của Iran có ý nghĩa như thế nào, khi mà Arập Xêút “vui” hay “giận” là phụ thuộc vào thái độ của Tehran.

Nhưng vấn đề là ở chỗ giới đầu tư đã chứng kiến quá nhiều hứa hẹn về những sự hợp tác như vậy.

Chẳng hạn, hồi tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói với một tờ báo Arập: “Liên quan đến sự hợp tác với Arập Xêút, các cuộc đối thoại giữa hai nước chúng tôi đang phát triển một cách hữu hình, cho dù trong khuôn khổ của một cấu trúc đa phương hay trên cấp độ song phương”. Lời nói này của ông Novak cũng đã khiến giá dầu cũng đã bật tăng vào thời điểm đó. Nhưng sau đó Nga và Arập Xêút vẫn bơm dầu ở mức kỷ lục và giá dầu lại giảm.

Tóm lại, mặc dù cái bắt tay giữa Nga và Arập Xêút ở Hàng Châu là một bước đi tích cực, nhưng qua nhiều lần mừng hụt, giới thương nhân giờ đã trở nên cảnh giác. Nói cách khác, như nhà phân tích năng lượng Amrita Sen, “thị trường đang trở nên mệt mỏi với các cuộc thảo luận và bây giờ muốn xem các ông lớn sẽ hành động thế nào”.

Linh Phương

Năng lượng Mới 556