Cách mạng Tháng Tám - Góc nhìn từ năm châu

06:35 | 19/08/2015

1,868 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
70 năm qua, Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam vẫn được các học giả, chính khách và nhà nghiên cứu quốc tế quan tâm bởi tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của nó. Họ đã có những công trình nghiên cứu, những phát biểu hoặc bài viết thể hiện suy nghĩ, cảm xúc chân thành của mình.

Từ các nước bạn ASEAN

Ông Long Kem - nguyên Đại sứ Cam-pu-chia tại Việt Nam cho rằng, Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một thời kỳ mới cho Việt Nam, đó là kỷ nguyên độc lập, tự do, thoát khỏi ách đô hộ của nước ngoài như chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Việt Nam tiến hành Cách mạng Tháng Tám và lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945 là cơ hội để nhân dân Việt Nam phát triển đất nước trong thời kỳ thoát khỏi ách đô hộ của thực dân.

Cách mạng Tháng Tám - Góc nhìn từ năm châu
Hà Nội ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945

Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam đã tạo ảnh hưởng lớn đến phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trên toàn thế giới. Các dân tộc bị thực dân áp bức, bóc lột đã đứng dậy giành độc lập, chủ quyền, tự do, thoát khỏi ách đô hộ của thực dân cũ và mới cũng là do Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam. Đối với nhân dân Cam-pu-chia, do thực dân đã mất chỗ dựa ở Việt Nam nên Cam-pu-chia cũng có điều kiện để tiến hành đấu tranh. Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam đã làm suy yếu thực dân, tạo điều kiện cho hai nước láng giềng là Cam-pu-chia và Lào đấu tranh giành thắng lợi.

Chuyên gia về Việt Nam ở Viện châu Á, Trường đại học Chu-la-long-kon - bà Tha-ny-a-thip Sri-pa-na - người có nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam cho rằng, Cách mạng Tháng Tám là tấm gương cho các nước thuộc địa noi theo, đặc biệt là các nước láng giềng. Cách mạng Tháng Tám không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam mà còn là hình mẫu, sự khích lệ mạnh mẽ đối với nhiều nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh, đặc biệt là các nước láng giềng đang bị ách đô hộ của thực dân.

Theo bà Tha-ny-a-thip, Cách mạng Tháng Tám không chỉ là chiến thắng vang dội của Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của Việt Nam trong thời đại ngày nay. Bà Tha-ny-a-thip cho rằng, điều không thể phủ nhận là Cách mạng Tháng Tám và các sự kiện lịch sử khác, cuộc đấu tranh kiên trì anh dũng, tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam là những yếu tố đưa nước Việt Nam phát triển ổn định, vững chắc như ngày hôm nay. Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, có tiếng nói quan trọng trên các diễn đàn quốc tế.

Về phong cách và đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh, bà Thanyathip viết: “Hồ Chí Minh có phong cách ngoại giao của mình, Người coi trọng ngoại giao mang lại nhiều bạn bè và láng giềng thân thiết. Ngày nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với các nước tại các châu lục, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lớn như: Liên hợp quốc, APEC, WTO...”.

Bà Tha-ny-a-thip Sri-pha-na có nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam đã được xuất bản, nhận được sự quan tâm của độc giả Thái Lan và Việt Nam cũng như các nhà nghiên cứu, như tác phẩm “Việt kiều tại Thái Lan trong mối quan hệ Thái Lan - Việt Nam” cùng hợp tác với Viện Đông Nam Á của Việt Nam.

Đến các chính khách, nhà báo ở các châu lục

Nguyên Đại sứ Nga tại Việt Nam Va-đim Xê-ra-phi-mốp nói:“Cuộc Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã trở thành một bước ngoặt trong lịch sử phát triển đất nước, tạo điều kiện cho Việt Nam giành được độc lập và phát triển. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước nửa triệu quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, lần đầu tiên trong lịch sử các nước thuộc địa và bán thuộc địa, một chính đảng mới chỉ tồn tại có 15 năm, đã đưa sự nghiệp cách mạng tới thắng lợi và giành được chính quyền về tay mình trong cả nước”.

Theo ông V. Xê-ra-phi-mốp, cuộc Cách mạng Tháng Tám không chỉ đóng vai trò quyết định trong việc xác định con đường phát triển cho Việt Nam, mà còn cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước láng giềng như Lào và Cam-pu-chia, tạo những bước chuyển mình quan trọng về chất đối với tình hình ở Đông - Nam Á. Đồng thời tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc và chống thực dân tại các châu lục khác trên thế giới. V. Xê-ra-phi-mốp nhấn mạnh: “Chính thắng lợi của Việt Nam đã chặt đứt một mắt xích quan trọng trong sợi xích đang trói buộc các dân tộc trong tôi đòi và lệ thuộc".

Ông Ga-bri-en Pê-ret Ta-rao, Đại diện lâm thời sứ quán Cu-ba tại Việt Nam khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện khát vọng tự do và công lý của các dân tộc thuộc địa và là minh chứng đánh dấu chấm hết của chủ nghĩa đế quốc thực dân. Cách mạng Tháng Tám và Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại có một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc và giải phóng thuộc địa trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám đã đạt được thành công lớn là không chỉ giành độc lập cho dân tộc mà đã chấm dứt chế độ bóc lột, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân Việt Nam”.

Giáo sư A. Xô-kô-lốp-xki, Trưởng khoa nghiên cứu các nước Nam Á và Đông Nam Á, Trường Đại học Tổng hợp Viễn Đông, Giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nam duy nhất ở Liên bang Nga nói: “Theo tôi, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự hình thành của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có ý nghĩa rất to lớn. Động lực thúc đẩy cuộc Cách mạng này chính là tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân. Mục đích của Cách mạng Tháng Tám trước hết là nhiệm vụ giải phóng đất nước khỏi những kẻ ngoại xâm - thực dân Pháp và quân phiệt Nhật. Khi cuộc cách mạng thắng lợi, những từ chính yếu nhất trong Bản Tuyên ngôn độc lập chính là "Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Tôi không hình dung điều gì sẽ đến với Việt Nam nếu không có cuộc cách mạng này, thậm chí khái niệm Việt Nam thống nhất cũng sẽ không tồn tại".

Nhà báo Pháp D.Ru-sen (PV báo Nhân đạo) viết:Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam và thế giới, bởi lẽ nó tượng trưng cho thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, đánh dấu bước chuyển lớn trong lịch sử Việt Nam, đồng thời biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết dân tộc của toàn thể người dân Việt Nam. Nổi bật trong sự kiện trọng đại này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo vĩ đại, người anh hùng dân tộc của Việt Nam".

Ông D. Mát, Chủ tịch Hội hữu nghị vùng Cốt-đi-voa: “Thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám mang nhiều ý nghĩa to lớn. Dân tộc Việt Nam đã phải chịu áp bức trong nhiều năm. Họ đã kiên cường đấu tranh để giành lại độc lập tự do cho dân tộc mình. Họ đã đạt được điều đó. Ngay sau thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Việt Nam, nhiều dân tộc bị áp bức khác trên thế giới cũng nổi dậy đấu tranh chống áp bức, đòi lại tự do cho dân tộc".

Một trong những chuyên gia người Pháp được nhiều người biết tới là Nhà sử học A lanh Ru-xi-ô. Ông đã có trên 15 tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam, các cuộc kháng chiến, về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc Việt Nam.

Ông viết: “Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính logic trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình. Cách mạng Tháng Tám đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là các nước ở châu Phi. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên tuyên bố độc lập của một nước thuộc địa”.

Bùi Đức

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc