Các nước đổ xô vào kiếm miếng bánh Iran

13:50 | 16/07/2015

1,548 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thỏa thuận hạt nhân Iran và các cường quốc thế giới đã mở toang cánh cửa Iran sau nhiều năm bị phong tỏa cấm vận. Giờ là lúc các nước tranh thủ thời cơ nhảy vào Iran kiếm phần bánh cho mình.


Thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran là tin vui cho toàn thế giới

Mỹ cần Iran để chống IS

Thỏa thuận vừa đạt được có thể xem là một thắng lợi trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry.

Chính sách Trung Đông của chính quyền Obama hiện đang bị chỉ trích bởi một loạt những thất bại, trong đó có thất bại vì không ngăn chặn sự lan rộng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay mối quan hệ trở nên lạnh giá với Ai Cập. Chính vì vậy, thỏa thuận hạt nhân Iran vừa đạt được có thể là một “điểm cộng” bù đắp cho những hạn chế của chính sách Trung Đông này.

Thỏa thuận hạt nhân được xem là rất quan trọng đối với Mỹ ở chỗ nó có thể giúp nước này tranh thủ sự ủng hộ của Tehran trong cuộc chiến chống lại IS. Trên thực tế, việc Washington tăng cường đàm phán với Iran trong năm 2015 và sẵn sàng “lờ đi” thời hạn chót trong quá trình đàm phán cũng dễ hiểu trong bối cảnh liên quân do Mỹ đứng đầu đang gặp khó trong việc cố gắng ngăn chặn sự lây lan của IS.

Trên thực tế, các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu chống lại IS chỉ mang lại những kết quả hạn chế. Việc sử dụng sức mạnh không quân hóa ra không mấy tác dụng khi đối phó với những kẻ cực đoan hiện đang chiếm giữ nhiều vùng đất rộng lớn ở Iraq và Syria. Chính vì vậy, sự trợ giúp của Iran được xem là rất quan trọng trong cuộc chiến ở hai nước này.

Tại Iraq - quốc gia có chung đường biên giới với Iran - những người nắm vai trò quan trọng về quân sự thường là người Shitte chứ không phải người Sunni. Điều này có nghĩa là các cố vấn quân sự người Iran sẽ có ảnh hưởng đối với người Shitte và sẽ giúp huy động lực lượng dân quân người Shitte chống IS.

Ở Syria, Iran được coi là đồng minh chính của Tổng thống Bashar al-Assad và có tầm ảnh hưởng nhất định tại quốc gia này. Chính vì vậy, Iran không muốn có một chế độ Sunni mà các nước vùng Vịnh hậu thuẫn thay thế chính phủ do người Shiite đang nắm quyền hiện nay.

Nga đẩy nhanh việc bán vũ khí cho Iran

Ngay sau thông báo thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhắc nhở thế giới rằng: Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hứa sẽ từ bỏ kế hoạch phòng thủ tên lửa ở châu Âu nếu đạt được một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran.

"Tất cả chúng ta đều nhớ rằng, vào tháng 4/2009 tại Praha (Séc), Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố rằng, nếu chương trình hạt nhân của Iran được giải quyết thì việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn", ông Lavrov phát biểu tại Vienna (Áo).

Nga có thể sẽ sử dụng đòn bẩy mới này để đối phó với Mỹ khi mà các vấn đề an ninh châu Âu luôn đứng đầu chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán song phương.

Ngày 14/7, hãng AFP và Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết lệnh cấm vận vũ khí quốc tế nhằm vào Iran sẽ tiếp tục được duy trì trong 5 năm tới, song việc cung cấp vũ khí cho Tehran là có thể xảy ra nếu được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép.

Ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được công bố, cả giá dầu và đồng rúp của Nga có giảm nhưng không đáng kể. Việc đạt được thỏa thỏa thuận hạt nhân cũng sẽ không khiến cho thị trường dầu mỏ có những thay đổi đáng kể chỉ trong vòng một đêm. Các biện pháp trừng phạt Iran sẽ tiếp tục được giữ nguyên trong ít nhất là 3 tháng nữa, đồng nghĩa với việc Nga sẽ có thời gian để điều chỉnh với bất cứ thay đổi nào trên thị trường.

Theo các nhà phân tích, về mặt chiến lược, Iran không thể từ bỏ Nga với vai trò đối tác để bắt đầu mối quan hệ mới với phương Tây. Theo thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được, các biện pháp trừng phạt đối với Iran có thể được tái áp đặt trong vòng 65 ngày nếu như nước này không tuân thủ thỏa thuận. Chính vì vậy trong trường hợp Tehran lựa chọn việc thay đổi chính sách đối ngoại của mình và nếu cảm thấy “bị phản bội”, Nga có thể sẽ có một lập trường cứng rắn hơn trong quá trình giám sát Iran.

Thực tế hiện nay cho thấy Iran không có ý định rời bỏ “quỹ đạo” của Nga. Điều này được chứng minh bằng việc Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa tham gia các Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Ufa, Nga. Một loạt các cuộc gặp giữa ông Rouhani với các quan chức Nga và Trung Quốc đã cho thấy những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Iran.

Đức cũng muốn có phần của mình

Chiều 15/7, phát ngôn viên Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức cho biết Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức Sigmar Gabriel ngày 19/7 sẽ tới Tehran, bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tại Iran nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa 2 quốc gia.

Ông Gabriel sẽ cùng một phải đoàn kinh tế tới Iran nhằm thể hiện sự "sẵn sàng tái thiết lập quan hệ kinh tế song phương" với nước này trong bối cảnh các doanh nghiệp và ngành công nghiệp Iran đang rất phấn khởi với việc "bình thường hóa quan hệ kinh tế" giữa 2 nước. Tehran sẽ là chặng dừng chân đầu tiên của ông Gabriel, tiếp đến, ông sẽ tới thành phố Isfahan.

Cơ hội cho các doanh nghiệp Đức là rất lớn ở Iran, quốc gia có nguồn tài nguyên phong phú như dầu mỏ và khí đốt. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Đức, ngay khi một số lệnh trừng phạt đối với Iran được nới lỏng, xuất khẩu của Đức tới Iran trong năm 2014 đã tăng 30% so với năm trước đó, trong khi nhập khẩu từ Iran cũng tăng 8%.

Kim ngạch thương mại song phương trong năm 2014 đạt 2,69 tỷ euro và theo Hiệp hội công nghiệp Đức (BDI), triển vọng kim ngạch hai chiều về trung hạn có thể đạt trên 10 tỷ euro là điều rất thực tế.

Ấn Độ vui mừng vì sắp được mua dầu giá rẻ của Iran

Tờ The Times of India số ra ngày 15/7 nhận định rằng thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran với nhóm P5+1 sẽ có lợi cho Ấn Độ.

The Times of India cho rằng sau thỏa thuận lịch sử trên, Iran có thể đóng vai trò bình ổn tại Afghanistan sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi quốc gia Nam Á này; dầu mỏ của Iran sẽ làm giảm giá dầu mỏ toàn cầu, theo đó sẽ gián tiếp giúp Ấn Độ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về mặt chiến lược, Pakistan trước kia từng áp dụng hiệu quả trục Washington-Bắc Kinh-Islamabad để đối trọng với Ấn Độ, nhưng tới nay New Delhi có thể lợi dụng cả Mỹ lẫn Iran để tạo thành một trục mới Washington-Tehran-New Delhi.

Ngoài ra, báo The Hindustan Times số ra cùng ngày cho biết nhập khẩu dầu mỏ của Ấn Độ từ Iran giảm mạnh do chính sách trừng phạt của Phương Tây đối với Tehran, từ 486.000 thùng/ngày hồi tháng 6/2012 xuống còn 141.000 thùng/ngày trong tháng 6/2013.

Sau khi lệnh trừng phạt được bãi bỏ, chắc chắn lượng dầu Ấn Độ nhập từ Iran sẽ tăng lên, song do giá dầu thế giới hiện nay rẻ nên Tehran khó có thể trở lại vị trí hàng đầu về cung cấp dầu mỏ cho New Delhi như trước thời kỳ nước này bị cấm vận.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc