​Các nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi đi đâu?

07:32 | 07/07/2015

3,308 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã có thời gian, các ca khúc sáng tác cho thiếu nhi có một đời sống phong phú, tác động vào tâm lý và quá trình giáo dục văn hóa, nhận thức cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trong thời kỳ kháng chiến và xây dựng đất nước. Chính những ca khúc đó đã làm nên tên tuổi của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Tuyên, Hoàng Long – Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích … Tuy nhiên hiện nay, các nhạc sĩ chuyên viết nhạc cho thiếu nhi ngày càng “vắng bóng” và hậu quả là trẻ em đành phải hát những ca khúc … dành cho người lớn.

Ca khúc thiếu nhi: Thiếu và yếu

Có thể nói, thời kỳ hoàng kim của âm nhạc thiếu nhi chính là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ xây dựng đất nước. Lúc này, sức sáng tác của các nhạc sĩ là vô hạn với hàng trăm bài hát và làm nên tên tuổi lớn như Phạm Tuyên, Hoàng Long, Hoàng Lân, Phong Nhã, Hàn Bích Ngọc, Vân Dung, Hoàng Vân, Huy Du... Thế nhưng, những nhạc sĩ lớp trước dần dần già đi, các ca khúc dành cho thiếu nhi cũng chỉ còn “vang bóng một thời” và cũng trở nên lạc lõng trong đời sống của trẻ em hiện đại. Bao năm đã trôi qua, làng nhạc thiếu nhi vẫn chỉ quanh đi quẩn lại những “thành tựu” cũ, những gương mặt cũ, những bài hát cũ và chỉ gói gọn trong “ba vào nhà máy, mẹ đi cấy cày” ngay cả khi không còn phù hợp.

Nguyễn Cao Khánh trình bày ca khúc “Vết chân tròn trên cát” trong cuộc thị Giọng hát Việt nhí.

Vừa qua, trong hai chương trình “Giai điệu tự hào” liên tiếp, ca sĩ Mỹ Linh và con gái Mỹ Anh đã cùng trình bày ca khúc “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, Thiện Thanh (con gái ca sĩ Thanh Lam – Quốc Trung) trình bày ca khúc “Em yêu trường em” hay Hồng Nhung thể hiện “Người cho em tất cả” … đã khiến nhiều khán giả rưng rưng xúc động vì sự gần gũi và thân quen của các ca khúc đồng hành cùng tuổi thơ của nhiều thế hệ. Thế nhưng đối với trẻ em hiện đại, “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, “Người cho em tất cả” hay “Hạt gạo làng ta” là những ca khúc có sự khác biệt rất lớn đối với cuộc sống bây giờ. Trẻ không hiểu, nên lẽ đương nhiên cũng không mấy mặn mà để hát những ca khúc này.
Bên cạnh đó, làng nhạc Việt Nam cũng quá thiếu những gương mặt chuyên hát những ca khúc thiếu nhi. Đã từng có thời kỳ “nhà nhà Xuân Mai”, “người người Xuân Mai”, nhưng đến nay, “bé Xuân Mai” đã trưởng thành và không còn gắn bó với dòng nhạc thiếu nhi. Mới đây, Phương Mỹ Chi cũng là một tên tuổi “nhí” tài năng cũng được khán giả quen mặt gọi tên, nhưng cô bé cũng không hát được những bài hát đúng lứa tuổi của mình, của bạn bè mình mà cũng bị cuốn vào cơn lốc “chạy show”.

Thực ra, nói công bằng thì Phương Mỹ Chi cũng khó tìm được bài hát nào phù hợp với mình bởi … không biết tìm những bài hát mới đó ở đâu. Chính việc khan hiếm các ca khúc cho thiếu nhi là lý do khiến trẻ em bị cuốn vào dòng nhạc thị trường và những bài hát không phù hợp với độ tuổi, tâm lý. Ngay cả những chương trình dành riêng cho thiếu nhi như Giọng hát Việt nhí và Đồ Rê Mí cũng bị đánh giá là “bản sao” và là một cuộc đua chứng tỏ bản lĩnh với những bài hát người lớn. Không chỉ vì các chương trình có format tương tự nhau, các màn trình diễn cũng khó lòng phân biệt đâu là "nhí", đâu là "trưởng thành".

Phương Mỹ Chi biểu diễn trên sân khấu

Nhạc sĩ Hoàng Long tâm sự: “Nhạc thiếu nhi không còn được chú trọng nữa. Trước đây đài phát thanh, truyền hình luôn có nhiều chương trình ca nhạc dành cho thiếu nhi. Giờ đây mọi thứ đã không còn như trước, đặc biệt là truyền hình. Bên đài phát thanh tuy còn duy trì nhưng không còn có sức ảnh hưởng nhiều.

Nhạc thiếu nhi phải viết bằng cái tâm chứ không phải vì tiền. Nếu viết vì tiền, đó sẽ là nhạc thị trường. Phải chăng do thù lao bồi dưỡng cho các sáng tác nhạc thiếu nhi thấp hơn nhạc thị trường nên các nhạc sĩ không còn mặn mà? Sẽ rất khó khăn cho nhạc Việt có chỗ đứng trong lòng trẻ em. Vấn đề nữa là trẻ em hiện nay đang hát những bài không đúng với lứa tuổi điều đó có thể ảnh hưởng tới cả tâm tính và cách chúng nhìn nhận về xã hội sau này”.

Ảm đạm âm nhạc thiếu nhi

Ảm đạm âm nhạc thiếu nhi

Sau thành công của mùa đầu tiên, Ban Tổ chức “Giọng hát Việt nhí” vừa công bố chính thức khởi động mùa thứ 2 nhằm tìm ra những giọng ca nhí triển vọng. Còn nhớ trong “Giọng hát Việt nhí” mùa đầu tiên, nhiều người tỏ ra quan ngại khi phần lớn các em nhỏ chọn thể hiện các ca khúc tiếng Anh hoặc những bài hát của người lớn quá già dặn so với lứa tuổi. Liệu năm nay tình hình này có được cải thiện khi mà thực tế là chúng ta quá thiếu ca khúc hay và mới cho thiếu nhi…

“Âm nhạc thiếu nhi đang bị bỏ ngỏ”

“Âm nhạc thiếu nhi đang bị bỏ ngỏ”

(Petrotimes) - Khá lâu rồi mới có một sân chơi âm nhạc dành cho thiếu nhi lứa tuổi 9-15 như cuộc thi “Giọng hát Việt nhí”. Nhiều nhạc sĩ, khán giả, phụ huynh đã và đang bất ngờ trước tài năng, sự thông minh, nhanh nhạy của các em. Tuy nhiên, qua những gì các em thể hiện, khán giả có thể nhận ra một thực tế là, hình như không có nhiều sáng tác mới dành cho lứa tuổi này. Nhạc sĩ (NS) Hồ Hoài Anh đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Petrotimes suy nghĩ của mình về cuộc thi và vấn đề này.

Sáng tác cho thiếu nhi: Dễ mà khó

Hiện nay, rõ ràng số lượng nhạc sĩ quan tâm và thử sức sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi không nhiều, thậm chí chỉ đếm trên đầu ngón tay, có chăng cũng chỉ còn bộ phận các nhạc sĩ lớn tuổi có tâm huyết vẫn quan tâm đến các em . Không ít nhạc sĩ trẻ thừa nhận rằng, viết cho trẻ em thì bài hát “không được hoành tráng, khó có tác phẩm lớn” và hầu như né tránh lĩnh vực âm nhạc đặc biệt này.

Khác với thị trường âm nhạc của tuổi mới lớn và trưởng thành, âm nhạc dành cho thiếu nhi cần tư để có một phong cách riêng chứ không thể chụp bắt vô tội vạ hay sản xuất hời hợt “như gà đẻ trứng” như âm nhạc giới trẻ hiện nay. Vì vậy, rất nhiều nhà sản xuất ngại đầu tư vào âm nhạc thiếu nhi vì sợ rủi ro và ngại thử thách. Cố nhạc sĩ An Thuyên từng thừa nhận chúng ta đang thiếu nghiêm trọng người tình nguyện viết nhạc cho thiếu nhi, viết bằng sự yêu mến, quan tâm. Thi thoảng có một vài bài viết nhưng đó chủ yếu là những bài được đặt hàng, được trả tiền bởi một đơn vị hay chương trình nào đó. Một số nhạc sĩ viết cho trẻ em, nhưng lại không xác định được viết cho trẻ ở độ tuổi nào, nên các bài hát thường rơi vào "quãng giữa", còn tuổi mẫu giáo và vị thành niên thì lại quá ít, nhiều ca khúc khác lại mang tính áp đặt.

Bạch Phúc Nguyên - Quang Anh và Đỗ Trí Dũng trong cuộc thi The voice kids

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, người có nhiều ca khúc được thiếu nhi cả nước yêu mến cho rằng: “Sáng tác cho thiếu nhi vừa phải đáp ứng được nhu cầu chơi của các em, vừa phải đáp ứng đươc tính giáo dục, phù hợp với đặc điểm thích vui chơi của trẻ. Thiếu nhi là những giám khảo đặc biệt, không phải phân tích tác phẩm như thế nào, chỉ cần thích là hát thôi. Muốn sáng tác cho thiếu nhi, phải thâm nhập vào thế giới tuổi thơ, cảm nhận cuộc sống bằng con mắt trẻ thơ và tư duy theo cách trẻ thơ”.
Nhạc sĩ Văn Dung - tác giả bài hát "Chim chích bông" cũng chia sẻ: “Thời chúng tôi, chiến tranh loạn lạc, miếng cơm không đủ để ăn nhưng tinh thần và tâm hồn luôn hướng về trẻ em và viết nhạc thiếu nhi bằng tất cả niềm tự hào cho nên mỗi ca từ cất lên đầu dạt dào những cảm xúc. Vậy mà trong thời bình, khi cơm đã no, áo đã ấm thì âm nhạc cho thế hệ tương lai đất nước lại bị lãng quên. Các nhạc sĩ trẻ không nên vin vào cái gọi là mưu sinh, thị trường... bởi thời nào chẳng phải mưu sinh. Nếu thực sự quan tâm và nghĩ đến trẻ nhỏ thì hoàn cảnh nào cũng có thể viết nhạc. Xưa kia, làm gì có đơn đặt hàng hay cát-xê. Thế mà, Phạm Tuyên vẫn viết được 250 bài, Hoàng Long - Hoàng Lân viết được 200 bài hát dành cho thiếu nhi.

Nhu cầu âm nhạc với thiếu nhi là rất lớn, rất cần được quan tâm, để thứ âm nhạc ấy nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, chứ không phải những bài hát yêu đương sướt mướt. Vì thế, muốn sáng tác hay thì trước hết nhạc sĩ trẻ phải thâm nhập vào cuộc sống của các em, yêu thương và thấu hiểu tâm lý trẻ em, tìm tòi những chất liệu âm nhạc mới để có những sáng tác phù hợp với lứa tuổi và thời đại. Đừng để xảy ra tình trạng khi được yêu cầu nghe bài hát hoặc hát thì tất cả học sinh đều đồng thanh “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng.

Âm nhạc không đơn thuần chỉ để giải trí, âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn của trái tim và nhịp đập cuộc sống. Âm nhạc đã giúp con người trở thành hoàn thiện trong muôn vàn tri thức của nhân loại. Đối với trẻ nhỏ sự trưởng thành và nhận biệt nhiều điều trong cuộc sống có phần theo từng cung bậc của giai điệu âm nhạc. Vậy nên trong lúc không thể mong chờ sự tự nguyện thì Hội âm nhạc và các cơ quan quản lý phải ra tay để ít nhất con trẻ cũng có thể hát bài hát của mình.

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.