Các đại gia bán lẻ ngoại trên thị trường Việt Nam

07:53 | 18/02/2015

1,410 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thương vụ mua lại Metro Việt Nam với giá 879 triệu USD của Tập đoàn Berli Jucker (BJC) là thương vụ tâm điểm thu hút sự quan tâm trên thị trường bán lẻ trong năm qua.

Nhìn lại, chúng ta thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang có sự gia nhập rất mạnh mẽ của các đại gia nước ngoài.

Đầu năm 2015, Công ty Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT, doanh nghiệp sở hữu Hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim bán 49% cổ phần cho một tỷ phú Thái Lan tiếp tục cho thấy sự xâm nhập thị trường bán lẻ nước ta mạnh mẽ của các đại gia Thái Lan.

Cửa hàng mua sắm Robins của một nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan (Central Group) đã mở ở Hà Nội và khai trương cửa hàng thứ hai tại TP HCM trong tháng 12/2014. Chiến lược xuất ngoại của Central Group với thị trường đầu tiên là Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố với kế hoạch đầu tư 9 trung tâm thương mại vào năm 2016.

Cửa hàng mua sắm Robins tại Việt Nam

Phát biểu trước báo giới, đại diện Central Group nhận định: “Mỗi quốc gia luôn có một môi trường làm ăn, cạnh tranh riêng nhưng với Hà Nội và TP HCM thật đáng kinh ngạc với chúng tôi là các tính chất thị trường lại rất giống Thái Lan, nhất là hành vi mua sắm của người Việt Nam rất giống với người Thái Lan. Cho nên những kinh nghiệm kinh doanh hiệu quả từ Thái Lan có thể dùng để áp dụng vào thị trường bán lẻ Việt Nam”.

Tập đoàn Central Group cũng là đơn vị đưa vào Việt Nam hệ thống bán lẻ của Anh - Marks & Spencer (M&S) thông qua việc mua nhượng quyền từ một công ty Anh Quốc. Dự kiến đến năm 2010 sẽ có khoảng 20 cửa hàng M&S được mở ở Việt Nam.

Một tập đoàn khác của Thái Lan là CP Group bắt đầu có mặt ở nước ta từ năm 1990 với Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Đồng Nai. C.P Việt Nam hiện đang nắm giữ 7% thị phần thịt lợn, 16% thị phần trứng gà công nghiệp và khoảng 22% thị phần thịt gà công nghiệp ở nước ta.

Riêng với “hàng xóm” Thái Lan, thị trường bán lẻ Việt Nam là một “đại dương xanh”, Tập đoàn BJC, chủ nhân mới của Metro Việt Nam trước đó đã thâu tóm thành công chuỗi Family Mart, đã xây dựng mô hình chuỗi B’mart với dự tính sẽ mở thêm 100 cửa hàng mới trong năm 2015 và mong muốn có đến 300 cửa hàng tại Việt Nam vào cuối năm 2015.

Trước khi thực hiện việc mua đứt chuỗi Metro Cash & Carry tại Việt Nam, Tập đoàn BJC đã không quá xa lạ với thị trường Việt Nam. Từ năm 2010, tập đoàn này đã đầu tư vào Công ty Thái Corp International (TCI) và hiện đang nắm tỷ lệ sở hữu đến 75%. TCI là công ty chuyên về phân phối và có cơ sở giao dịch với hơn 1.000 đại lý cho hơn 50.000 cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, TCI còn là nhà phân phối độc quyền các thương hiệu nổi tiếng, có lượng sản phẩm tiêu thụ  lớn như: Red Bull, cá hộp Ba Cô Gái, Nestle and Bear...

Bên cạnh đó, Lotte - tập đoàn tới từ Hàn quốc cũng tăng cường mở rộng chuỗi các kênh phân phối bao gồm các hệ thống siêu thị Lotte lớn hay chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria và các cửa hàng khác tại Việt Nam. Có mặt tại Việt Nam từ năm 2008 đến nay Lotte đã sở hữu 12 công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực như bánh kẹo (Bibica, Lotte Việt Nam), thức ăn nhanh (Lotteria), bán lẻ (Lotte Mart), giải trí (Lotte Cinema), xây dựng, công nghệ thông tin... Hãng đặt mục tiêu mở 50 trung tâm thương mại tại Việt Nam đến năm 2018 và 60 trung tâm thương mại vào năm 2020.

Cùng các đại gia bán lẻ Thái Lan, Hàn Quốc, các nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản được cho là đang trên đường tìm kiếm các thị trường tiềm năng với sức mua mạnh, và Việt Nam cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư này. Năm 2011, Công ty Ministop bắt đầu triển khai cửa hàng tiện ích Ministop qua hình thức nhượng quyền thương hiệu với sự kết hợp của Tập đoàn Trung Nguyên, đến nay đã có được 17 cửa hàng.

Tháng 1/2014, AEON của Nhật Bản đã có trung tâm mua sắm đầu tiên tại TP HCM với số vốn đầu tư 100 triệu USD. AEON dự kiến đến năm 2020 tập đoàn sẽ có khoảng 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam.

Các cửa hàng khác như: Daiso, Hachi, Akuruhi, Tokutokuya... chuyên bán các sản phẩm của Nhật cũng ngày càng tăng cường sự hiện diện của mình ở khắp các thành phố lớn.

Có thể thấy, các đại gia bán lẻ nước ngoài, trong đó nổi bật là: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang tạo sức ép không nhỏ đối với thị trường bán lẻ Việt Nam và với hàng hóa sản xuất trong nước.

Mai Phương (tổng hợp)