Xét xử vụ án thẩm mỹ Cát Tường:

Các bị cáo quanh co, chối tội

11:45 | 04/12/2014

726 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố kết thúc phần công bố cáo trạng, HĐXX bước vào phần thẩm vấn bị cáo và những người có quyển, nghĩa vụ liên quan. Mở đầu, chủ tọa hỏi Nguyễn Mạnh Tường về nội dung bản cáo trạng, bị cáo xin lỗi gia đình nạn nhân và cho rằng bản cáo trạng có nhiều điểm chưa đúng.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về hoạt động kinh doanh. Tường khai rằng, muốn đưa trung tâm vào hoạt động phải có đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận của Sở Y tế Hà Nội. Trong các thủ tục này, Tường thiếu giấy chứng nhận của Sở Y tế Hà Nội. Dù chưa đầy đủ giấy phép, nhưng Tường nghĩ rằng, trong quá trình hoạt động sẽ thực hiện hoàn thiện toàn bộ giấy tờ đăng ký hoạt động của Trung tâm Thẩm mỹ Cát Tường.

“Trước khi mở trung tâm đã có nghiên cứu Luật Khám chữa bệnh, quy định của Bộ Y tế. Đối với phẫu thuật tạo hình mà bị cáo đăng ký trong chứng chỉ hành nghề là không bị cấm. Đối với trường hợp của chị Huyền, bị cáo đã đích thân khám để biết tiền sử bệnh tật trước khi tiến hành nâng ngực, hút mỡ. Đối với công thức pha chế thuốc tiêm cho chị Huyền, bị cáo hướng dẫn, còn ai là người pha chế không nhớ” – bị cáo Tường nói.

Tiếp tục trả lời chủ tọa, Tường nói rằng, công thức được học từ giáo sư của Hàn Quốc. Đây là công thức mới được giới thiệu tại các hội thảo ở TP Hồ Chí Minh và Thái Lan. Công thức này chưa được đưa vào giảng dạy trong các trường đại học chuyên ngành.

Các bị cáo loanh quanh, chối tội

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Giải thích về quá trình đối mặt với sự cố của nạn nhân Huyền sau khi phẫu thuật thẩm mỹ, bị cáo Tường cho biết, khi bị cáo về tới trung tâm thì đã có bác sĩ Thành và một số nhân viên trong phòng hậu phẫu. Lúc đó, bị cáo thấy chị Huyền không còn thở, mặt tím tái. Bị cáo đã tiến hành tiêm thuốc trợ tim cho chị Huyền. Mặc dù bị cáo có chỉ đạo gọi taxi đưa chị Huyền đi cấp cứu, nhưng bây giờ bị cáo không nhớ chỉ đạo ai.

Lý giải về hành vi ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng phi tang, bị cáo Tường khai, ban đầu có ý định đưa thi thể nạn nhân vào Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên thời điểm đó, bệnh viện khá đông nên tính chuyện đưa vào Bệnh viện Bưu Điện. Ý tưởng này do bị cáo nghĩ ra. Tuy nhiên, khi đưa xác chị Huyền đến cổng Bệnh viện Bưu điện, nhưng lúc đó phòng cấp cứu rất nhiều người, nên bị cáo phải chờ. Lúc đó bị cáo đã rất mất bình tĩnh, hoang mang, lo sợ...

Lúc này, Khánh nói hay mang xác đi phi tang. Khánh nói với bị cáo “Nếu trời thương thì thoát”. Trong lúc hoảng loạn nên bị cáo nghe theo. Khi đến ngã tư đèn xanh đèn đỏ thì bị cáo nhìn thấy Khánh chở vợ bị cáo đi theo. Sau đó, Khánh bỏ xe lại và 3 người cùng đi xe với bị cáo. Trên xe vợ bị cáo có can ngăn không được vứt xác nhưng do lo sợ nên bị cáo vẫn quyết định vứt. Bị cáo nghĩ Khánh có ý tốt giúp mình thôi, còn bị cáo trong lúc hoảng loạn cứ biết lái xe đi thôi chứ không nghĩ được gì khác. Lúc vứt xác chị Huyền xuống sông, bị cáo và Khánh khênh xác ném xuống, còn vợ bị cáo sợ hãi ngồi co rúm người trên xe.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, chị Nguyễn Thị Hoa (nhân viên Trung tâm Thẩm mỹ Cát Tường) khai rằng, chị là người pha thuốc và tham gia quá trình phẫu thuật. Công thức pha thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Theo chị Hoa, việc tiêm thuốc sẽ giúp người bệnh ngủ trong quá trình phẫu thuật. Đối với trường hợp của chị Huyền, chị Hoa cho biết, trong quá trình sau khi tiêm có phản ứng đau, sủi bọt mép, không bị co giật.

Một nhân viên Trung tâm Thẩm mỹ Cát Tường tên Lê Thị Ngọc Vân khẳng định, thời điểm đến phẫu thuật, chị Huyền bình thường. Sau hậu phẫu, chị Huyền có biểu hiện co giật, lúc đó bác sĩ Tường không có ở trung tâm. Nhân viên liên lạc với bác sĩ Tường và làm theo hướng dẫn. Chị Vân nói rằng không nhớ ai đã gọi điện cho Tường vì còn đang đo huyết áp cho nạn nhân. Tường không hướng dẫn việc đưa đi cấp cứu dù nhân viên trong trung tâm đề xuất việc đưa chị Huyền đi cấp cứu.

Rất nhiều nhân viên khác của Thẩm mỹ Cát Tường cũng khẳng định, việc đề xuất đưa bệnh nhân đưa đi cấp cứu của nhân viên không nhận được phản hồi của lãnh đạo.

Còn bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ Cát Tường cho biết, khi nhân viên đề xuất việc đưa chị Huyền đi cấp cứu, chị đã gọi cho bác sĩ Tường, đồng thời gọi taxi. Tuy nhiên thời điểm đó bác sĩ Tường đang trên đường về. Khi Tường về thì mọi quyết định đều do anh Tường.

Trước những câu trả lời của bị cáo Tường, bị cáo Đào Quang Khánh cho hay, thời điểm xảy ra vụ việc, bác sĩ Tường đề xuất với Khánh rằng “Anh nhờ em đưa chị Huyền vào cấp cứu, em có làm được không?”. Bị cáo Khánh trả lời "em làm được”.

Khánh nói rằng biết thời điểm đó chị Huyền đã chết. Tuy nhiên bây giờ “sếp” nhờ, bị cáo chỉ là nhân viên bảo vệ thì chỉ có tuân lệnh. Bị cáo không nghĩ hành vi của mình lại phạm tội. Lúc đưa xác chị Huyền đến Bệnh viện Bưu Điện, do thời điểm đó khá nhiều bệnh nhân nên bị cáo và anh Tường đứng bên ngoài cổng. Thấy bác sĩ Tường cứ đi lại trước cổng, lúc đó bị cáo nói: “Anh là bác sĩ, người ta cũng là bác sĩ, đưa vào thế này không được đâu”.

Sau khi nghe bị cáo Khánh nói, Tường nói với nhân viên bảo về rằng, hay là đi vứt. Sau đó, bị cáo đồng ý đi vứt xác nạn nhân với bác sĩ Tường.

Khánh thừa nhận đã giúp Tường vứt xác nạn nhân. Thời điểm vứt xác, trên người của nạn nhân không bị buộc bất kỳ vật gì. Bị cáo làm như vậy chỉ là thể hiện sự trung thành của bị cáo với bác sĩ Tường. Sau khi vứt xác nạn nhân, bác sĩ Tường hứa với bị cáo sẽ được tăng lương.

Còn vợ bị cáo Tường, chị Nguyễn Thị Hằng lý giải về việc, vì sao lại đi theo chồng vứt xác nạn nhân, vì sao không báo cho cơ quan chức năng? Chị Hằng nói: “Tôi đi theo là để khuyên can chồng tôi. Khi chồng tôi vứt xác nạn nhân xuống sông, tôi rất hoảng sợ. Tôi cũng đã khuyên chồng ra cơ quan công an đầu thú”.

  Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc