“Ca trù trở lại” ấm lòng người nghe

10:16 | 06/10/2011

2,035 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 5/10, giáo phường ca trù Thăng Long đã tổ chức chương trình “Ca trù trở lại” với sự góp mặt của 2 nghệ nhân ca trù cuối cùng của Việt Nam là Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đệ. Cùng tham dự chương trình có giáo sư Trần Văn Khê cùng các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước.

Âm hưởng đầy sức mê hoặc của các ca nương đã lôi cuốn bước chân ngày một đông của khán giả đổ dồn về ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, mặc cho tiết trời se lạnh và những cơn mưa nặng hạt. Chương trình được tổ chức nhằm đưa di sản ca trù trở lại với cuộc sống người dân Hà Nội, để ca trù trở thành chân giá trị của cuộc sống, trở thành thú chơi tao nhã cho những người muốn tìm được chính mình trong những khoảng tĩnh lặng ở không gian Việt cổ.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đệ biểu diễn làn điệu Bắc phản

Tại buổi biểu diễn, thính giả được nghe các làn điệu Hát dâng hương, Bắc phản, Tỳ bà hành, làn điệu gửi thư, chơi hồ Tây, hát phú, hát nói… do nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đệ cùng ca nương Phạm Thị Huệ, Thùy Chi, đào nhí Nguyễn Huệ Phương… biểu diễn. Thính giả còn được thưởng thức trà Việt, tìm hiểu về nghệ thuật ca trù tại ngôi nhà cổ.

Giáo phường ca trù Thăng Long

Ca trù là môn nghệ thuật truyền thống lâu đời. Trải qua những biến đổi của lịch sử môn nghệ thuật này đã chìm vào quên lãng hơn nửa thế kỷ qua. Hiện nay những nghệ nhân hát ở đẳng cấp nhà nghề chỉ còn lại 2 nghệ nhân cao tuổi Nguyễn Thị Trúc và Nguyễn Phú Đệ. Thông qua chương trình này, Câu lạc bộ (CLB) ca trù Thăng Long và Ban quản lý phố cổ Hà Nội còn muốn giới thiệu nghệ thuật ca trù truyền thống, và việc gửi gắm thông điệp gìn giữ và kế tục di sản này đến lớp thế hệ mai sau, giới thiệu một di sản văn hóa thế giới tới đông đảo du khách trong và ngoài nước đến khám phá, tìm hiểu phố cổ Hà Nội.

Giáo sư Trần Văn Khê tham gia chương trình (hàng đầu tiên, ngồi giữa)

Phát biểu tại chương trình, Giáo sư Trần Văn Khê đã xúc động kể lại những ngày đầu được vinh dự giới thiệu ca trù ra thế giới: “Năm 1976, tôi được UNESCO phái về Việt Nam tìm những bộ môn âm nhạc nào có giá trị ghi âm để làm đĩa trên Thế giới. Về nước, người tôi gặp đầu tiên là nghệ nhân Quách Thị Hồ và nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc hát nhận thấy đây là môn nghệ thuật hết sức tinh vi, chưa có một nghệ thuật nào ở phạm vi cả nước có sự kết hợp độc đáo như vậy, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thơ, nhạc và múa rất tài tình, xót xa ngẫm rằng ca trù là “nét hương thừa còn đọng lại trên đóa hoa sắp tàn trên một cành cây cằn cỗi”.

Ca nương Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm giáo phường.

Khi đó, nhà thơ Tố Hữu trong Ban tuyên huấn TƯ đã cho phép ông ghi âm lại trình lên UNESCO để giới thiệu đến thế giới và đợi chờ 33 năm sau, ngày 1/10/2009 Ca trù Việt Nam chính thức được công nhận là một trong 12 di sản văn hóa phi vật thể của thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp.

Hai mẹ con ca nương Phạm Thị Huệ và đào nhí Nguyễn Huệ Phương

CLB ca trù Thăng Long đại diện cho thế hệ trẻ của Việt Nam quyết tâm cùng nhau hướng tới tầm đẳng cấp của bầu trời cổ nhạc Việt Nam. "Âm nhạc truyền thống là bản sắc văn hoá cần được giữ gìn, phổ biến và kế thừa tính sáng tạo” là sự lựa chọn cho lý tưởng trên con đường nghệ thuật của CLB ca trù Thăng Long.

Trong bối cảnh hiện nay, những nghệ nhân ca trù không còn nhiều, thế hệ các ca nương trẻ mới bắt đầu chập chững trên con đường khôi phục lại nghề hát. Tuy nhiên, số lượng khán giả đến nghe ca trù đang có xu hướng tăng lên là tín hiệu vui cho những nỗ lực không ngừng của họ. Bên cạnh những CLB ca trù khác tại Hà Nội như Ca trù Lỗ Khê, Ca trù thôn Chanh, Bích Câu thì phường ca trù Thăng Long ngay từ khi mới ra đời cũng đã gây được tiếng vang, thu hút một lượng khán giả đáng kể đến với môn nghệ thuật này. Đó là một tín hiệu vui cho nghệ thuật ca trù Việt Nam.

Clip trích đoạn biểu diễn của Giáo phường ca trù Thăng Long:

Mạnh Kiên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.