Ca sĩ làm album - đầu tư lớn, rủi ro cao?

08:58 | 27/11/2017

1,500 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phần lớn ca sĩ hiện nay vẫn chăm chỉ tung MV lên Youtube, tung bản thu audio lên các trang âm nhạc trực tuyến, nhưng lại không mặn mà với việc xuất bản album nhạc. Không phải vì thiếu lửa đam mê, mà vì trong thời buổi khán giả ngày càng “khó tính”, sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, nên khi ra album, người nghệ sĩ nhiều khi phải nhận không ít “trái đắng”.

Những sự cố ngoài mong muốn

Lỗ nặng khi sản xuất album là sự việc từng có tiền lệ. Sau 2 album đầu không thành công như mong đợi, năm 2005, diễn viên kiêm ca sĩ Lý Hùng vẫn quyết tâm thực hiện album thứ 3 mang tên “Tình yêu chỉ một lần tha thứ”. Nữ diễn viên điện ảnh Lý Hương, em gái Lý Hùng, vừa từ Mỹ về, cũng tham gia hát trong album này. So với hai album trước, “Tình yêu chỉ một lần tha thứ” được đầu tư chất lượng hơn từ ca từ đến kỹ thuật dàn dựng, với kinh phí khoảng 200 triệu đồng. “Biết trước sẽ bị lỗ nhưng tôi vẫn thực hiện album này để đáp lại lòng yêu mến của khán giả...”, nam ca sĩ bộc bạch.

Khán giả Việt có lẽ chưa quên sự việc ca sĩ Trần Thu Hà từng hủy 5.000 bản album vì lỗi in ấn ngay trước ngày phát hành. Nếu như các ca sĩ thành danh dần ngại ra các sản phẩm mới thì Trần Thu Hà lại làm điều ngược lại, cô tự tin giới thiệu mình và sản phẩm trong những lần xuất hiện. Nhưng cô cũng sẵn sàng hủy đến 5.000 đĩa chỉ vì cô chưa hoàn toàn hài lòng với tác phẩm. Dù sản phẩm có lỗi nhưng cũng là tiền của, quẳng một đống tiền như vậy thì ai chẳng xót xa, nhất là khi đồng tiền người nghệ sĩ kiếm được bằng sức lao động chân chính.

ca si lam album dau tu lon rui ro cao
Đầu tư thu âm một album đã trở thành một quyết định mạo hiểm với các ca sĩ

Ngày nay, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, thu âm không chỉ là một hoạt động riêng trong đời sống âm nhạc của giới nghệ sĩ, mà người bình thường cũng có thể tự sản xuất đĩa nhạc cho mình. Ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ, ai cũng xuất bản được album của riêng mình, nhu cầu mua album của nghệ sĩ chân chính ngày càng ít, khó khăn chồng chất khó khăn.

Khi khán giả tự... sản xuất nhạc

“Home-studio” là khái niệm đã xuất hiện từ cách đây hơn chục năm, mặc dù khi đó những phòng thu tư nhân mới chỉ lác đác nhưng cũng đủ phục vụ nhu cầu của giới không chuyên. Gần đây, trào lưu này trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết, ngay cả một cậu sinh viên cũng có thể trở thành một "giám đốc" âm nhạc chỉ với vài chục triệu đồng trong tay. Chuyện một ca sĩ nghiệp dư hay một người yêu nhạc bình thường tìm đến những phòng thu "đẳng cấp" dường như là điều... không tưởng. Hơn nữa, họ chỉ có nhu cầu thỏa mãn niềm đam mê của mình chứ không tham vọng trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp nên việc đầu tư quá nhiều tiền cho một sản phẩm âm nhạc "cây nhà lá vườn" cũng không cần thiết. Đây chính là lý do để trào lưu “home-studio” (tạm dịch: phòng thu tại nhà) có dịp nở rộ.

Phòng thu tại nhà không chỉ thỏa mãn niềm đam mê ca hát của mọi người mà còn mang lại thu nhập khá cao cho "gia chủ". Home-studio là một studio gồm đầy đủ laptop, microphone, headphone, mixer, bộ lọc và một số phụ kiện khác. Với một studio khá hoàn thiện như vậy, bất kỳ ai cũng thỏa mãn được niềm đam mê âm nhạc của mình. Tất nhiên, không ai cấm việc mở phòng thu hay nhu cầu thu âm của mỗi cá nhân, nhưng ngay cả giới nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng cần cảnh giác và quan tâm đến chất lượng sản phẩm của mình.

Sự đầu tư về vật chất cho phòng thu hiện nay rất đa dạng, có thể hàng chục tỉ nhưng cũng có thể chỉ vài ba chục triệu đồng. Tuy nhiên, quan trọng hơn, không phải cứ có tài chính và hiểu biết âm nhạc là có thể trở thành một người thu âm chuyên nghiệp. Và đó chính là điểm yếu của nhiều phòng thu âm ở Hà Nội hiện nay. Nhiều album khi đã phát hành rồi vẫn có vấn đề về âm thanh, khiến cho giọng hát của ca sĩ trở nên nhạt hoặc "méo". Nguyên nhân có thể do người thu âm đặt sai chế độ ngay từ lúc thu hoặc trong quá trình mix.

Khi người làm nhạc “bất chấp”

Không ít hiện tượng mới "nổi" trên mạng đã có ngay những album cho riêng mình nhờ phương pháp làm nhạc "thủ công". Và bằng cách nào đó, những sản phẩm này trôi nổi trên thị trường băng đĩa làm phiền các nhà quản lý và người nghe nhạc chân chính. Cái tên “Phở Đặc Biệt” có lẽ không còn xa lạ với cộng đồng mạng, anh nổi lên nhờ "tài" chế ảnh, nhưng gần đây khán giả giật mình vì “Phở Đặc Biệt” còn có thể hát hò và cũng ra đĩa nhạc như ai, chưa kể hàng loạt sản phẩm của nhiều "ca sĩ" lạ hoắc khác nữa. Khán giả sẽ có dịp "thưởng thức" những sản phẩm âm nhạc kiểu này nếu thường xuyên di chuyển bằng xe khách, nói đúng ra là có dịp được "tra tấn" bởi thể loại âm nhạc "hàng chợ" xuất phát từ trào lưu tự thu âm và sản xuất nhạc tràn lan.

Không ai cấm sở thích cá nhân, đặc biệt là sở thích liên quan đến nghệ thuật chân chính, tuy vậy, mỗi cá nhân, dù là nghệ sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư nên biết cầm chừng trước... "con dao 2 lưỡi" mang tên công nghệ. Nếu lạm dụng nó, bạn sẽ vô tình xóa nhòa ranh giới giữa năng lực thật sự và sự can thiệp của kỹ thuật. Những sản phẩm "ảo" không chỉ đánh lừa người nghe mà còn khiến bản thân người nghệ sĩ "ảo tưởng" về chính giọng hát của mình.

Suy cho cùng, đã là một sản phẩm "hàng hiệu" đảm bảo chất lượng thì album nhạc không sợ "thiu" hay "ế". Khán giả bây giờ khó tính hay “khó hiểu” - đây chưa hẳn là một nhận định xác đáng, bởi khán giả thời nào cũng vậy, họ lạnh nhạt với những album làng nhàng thì cũng sẽ không thờ ơ với những sản phẩm âm nhạc chất lượng. Sự làm việc nghiêm túc của các nghệ sĩ sẽ được đền đáp xứng đáng! Đây là điều mà các ca sĩ trẻ mới vào nghề nên cân nhắc.

Dù là nghệ sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư nên biết cầm chừng trước... “con dao 2 lưỡi” mang tên công nghệ. Nếu lạm dụng nó, bạn sẽ vô tình xóa nhòa ranh giới giữa năng lực thật sự và sự can thiệp của kỹ thuật.

Tùng Lâm