Cả nước còn hơn 4.200 đường ngang trái phép

16:29 | 25/04/2017

323 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, cả nước hiện còn 4.211 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ trái phép. Đây là những điểm giao cắt tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông mỗi khi tàu chạy qua.

Theo ông Vũ Anh Minh, toàn hệ thống đường sắt hiện có 5.726 điểm giao cắt đường sắt với đường bộ dân sinh. Trong 1.515 điểm giao cắt hợp pháp do VNR quản lý thì có 507 điểm giao cắt đang sử dụng đèn tín hiệu, đèn cảnh báo và chưa có cần chắn tự động.

Hiện, VNR đã báo cáo Chính phủ để xin nguồn vốn đảm bảo an toàn giao thông, triển khai cần chắn tự động. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất xin nguồn vốn trung hạn trái phiếu Chính phủ cho ngành đường sắt là 7.000 tỉ đồng nhằm tập trung vào nâng cao kết cấu chạy tàu và các đường ngang. Trong đó, khai thác đồng đều tải trọng toàn tuyến; kéo dài 1 số các đường ga để nâng năng lực tàu tránh nhau; mở thêm các ga mới để tàu tránh nhau; xử lý các tuyến đường gom, rào chắn, barie để đảm bảo khai thác an toàn.

Đối với 4.211 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ dân sinh trái phép, Chủ tịch VNR cho biết, đơn vị đã có báo cáo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo rà soát các điểm đen để bố trí người canh gác, cảnh giới, làm đường gom, gờ giảm tốc, tăng cường biển cảnh báo để giảm tai nạn giao thông.

ca nuoc con hon 4200 duong ngang trai phep
Hiện trường vụ tai nạn giữa tàu hỏa và ô tô tại Bình Định vào ngày 24/4.

Theo thống kê của VNR, trung bình cứ 1km đường sắt có 1,85 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ dân sinh và 80% số vụ tai nạn giao thông xảy ra tại các điểm giao cắt.

Nói về nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt gia tăng thời gian qua, ông Vũ Anh Minh cho rằng, do ý thức của người tham gia giao thông, chủ yếu tập trung vào các hành vi vi phạm pháp luật về người điều khiển phương tiện giao thông qua điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ.

Bên cạnh đó, hệ thống đường gom, hàng rào bảo vệ, hành lang an toàn đường sắt chưa được đầu tư xây dựng kịp thời trong khi đường sắt chạy qua nhiều khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp; Nhiều vị trí đường ngang chưa có gờ giảm tốc, vạch dừng trên phần đường bộ; tầm nhìn tại các điểm giao cắt đường sắt và đường bộ bị hạn chế, các địa phương chưa vào cuộc tích cực trong phối hợp thực hiện các biện pháp hạn chế tai nạn giao thông đường sắt.

Chiều 24/4, tàu TN1 chạy hướng Bắc-Nam khi đến đường ngang dân sinh thôn Cảnh An 2 (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã tông vào ô tô 7 chỗ mang biển kiểm soát 78A-036.52 lưu thông băng qua đường sắt. Vụ tai nạn khiến 4 người chết và 2 người bị thương nặng.

T.Minh