Cả nước còn gần 5 triệu người nhiễm chất độc màu da cam

17:15 | 07/08/2011

980 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 7/8, trong buổi đi bộ “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam”, ông Trần Ngọc Tăng Chủ tịch Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam cho biết cả nước hiện còn 4,8 triệu người nhiễm chất độc màu da cam.

 

Những nạn nhân chất độc da cam thuộc thế thứ 2.

Cách đây 50 năm, ngày 10/6/1961, quân đội Mỹ đã bắt đầu sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh tại Việt Nam. Trong 12 năm (1961 – 1973), quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam 80 triệu lít chất độc màu da cam. Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm nhưng những di chứng vẫn để lại ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người là cựu chiến binh và thân nhân của họ.

Theo con số thống kê của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam thì cả nước còn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc màu da cam, trong đó có hơn 150.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh.

Cùng thả chim bồ câu, thể hiện mong ước hòa bình, thịnh vượng.

“Nhiều gia đình có đến 3 thế hệ chịu đựng nỗi đau khủng khiếp, dai dẳng, khôn cùng này. Nỗi đau da cam không chỉ là nỗi đau riêng của nạn nhân và người nhà họ mà còn là nỗi đau chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Trong 13 năm qua kể từ ngày thành lập, Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã giúp đỡ hơn 1 triệu người hòa nhập cộng đồng bằng nhiều phương cách như khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình, dạy nghề và tạo việc làm” – ông Trần Ngọc Tăng – Chủ tịch Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam cho biết thêm.

Theo ước tính của ban tổ chức, buổi đi bộ quanh hồ Thiền Quang sáng 7/8 đã có sự tham gia của gần 10.000 người.

Ông Đào Ngọc Lời (quê Hưng Yên) – cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường C (Lào) đã bị nhiễm chất độc màu da cam năm 1964. Ông sinh được 3 người con thì có một người con bị nhiễm chất độc da cam. Mỗi tháng ông được hưởng 2 triệu, con ông 886 ngàn tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình vẫn khá chật vật và thiếu thốn.

Ông Đào Ngọc Lời hăm hở trong buổi đi bộ.

“Những buổi đi bộ như thế này giúp những cựu chiến binh như chúng tôi trẻ lại, được sống lại những kỷ niệm trẻ trung ngày xưa. Đồng thời, những hoạt động ngoài trời giúp những người bị nhiễm chất độc màu da cam quên đi nỗi đau thể xác, hòa nhập vào nhịp sống của cộng đồng” – cựu chiến binh Đào Ngọc Lời xúc động.

Nhiều triệu cc máu đã được bạn trẻ hiến sáng 7/8.

Từ năm 2005 đến nay, ngày vì nạn nhân chất độc da cam đã được Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam phát triển thành “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc màu dau cam Việt Nam” diễn ra từ 10/8 – 10/9 hàng năm.

Đức Chính

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc