Ca lây nhiễm virus cúm H7N9 đầu tiên từ người sang người

19:00 | 07/08/2013

566 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Phân tích mới nhất về chủng cúm gia cầm phát hiện tại Trung Quốc hồi đầu năm nay cho thấy bằng chứng rõ nhất về việc virus H7N9 có thể lây từ người sang người.

WHO cho rằng H7N9 là một trong những chủng virus cúm “nguy hiểm nhất"

Báo cáo, đăng trên Tạp chí Y Khoa của Anh (British Medical Journal – BMJ) số ra ngày 6/8/2013, đã phân tích trường hợp bị nhiễm H7N9 trong một gia đình tại miền Đông Trung Quốc và thấy rằng rất có thể virus đã lây trực tiếp từ bệnh nhân nam 60 tuổi sang con gái của ông ấy.

Bình luận về báo cáo, các chuyên gia cho rằng điều này không hẳn có nghĩa là H7N9 sẽ sắp sửa trở thành một đại dịch cúm nhưng nó nhắc nhở chúng ta là phải hết sức cảnh giác.

“Nguy hiểm từ H7N9 không thể bỏ qua”- James Rudge và Richard Coker từ Viện Vệ sinh và Thuốc Nhiệt đời London viết trong một bài bình luận trên cùng tạp chí.

Các nhà khoa học soạn thảo báo cáo nhấn mạnh rằng khả năng lây truyền giữa người với người của virus chưa thật hữu hiệu và điều này có nghĩa là  nguy cơ H7N9 có thể tạo nên một đại dịch với nguyên thể hiện nay của chúng là thấp.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, chủng cúm mới được phát hiện từ tháng 2/2013 đã gây bệnh cho ít nhất 133 người tại Trung Quốc và Đài Loan và khiến 43 người thiệt mạng.

Hầu hết các trường hợp bị bệnh do đã đi đến các chợ gia cầm hay tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống 7-10 ngày trước khi phát bệnh.

Nghiên cứu trên BMJ do giáo sư Chang-jun Bao tại Trung tâm Phòng ngừa và Điều trị Bệnh tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đứng đầu đã phân tích gia đình có cha và con gái đều nhiễm H7N9 tại miền Đông Trung Quốc vào tháng 3/2013.

Bệnh nhân bị nhiễm virus trước, người đàn ông 60 tuổi, thường xuyên tới chợ bán gia cầm tươi sống và đã đổ bệnh sau 5 đến 6 ngày tiếp xúc với gia cầm.

Theo báo cáo, ông nhập viện ngày 11/3. Khi triệu chứng của ông trở nên xấu đi, ông được chuyển qua khu điều trị tích cực vào ngày 15/3 và chết do nhiều cơ quan nội tạng mất khả năng hoạt động vào ngày 4/5.

Bệnh nhân thứ hai là con gái, 32 tuổi, của người đàn ông này, vốn là một người khỏe mạnh và được biết là không có tiếp xúc với gia cầm sống trước đó. Tuy nhiên, cô trực tiếp chăm sóc cha tại khu điều trị tích cực trong bệnh viện.

Cô bắt đầu có những triệu chứng bệnh 6 ngày sau lần cuối cùng tiếp xúc với cha mình và nhập viện ngày 24/3. Cô được đưa sang khu điều trị tích cực vào ngày 28/3 và qua đời vào ngày 24/4 do nhiều cơ quan nội tạng mất chức năng hoạt động.

Hai mẫu virus được lấy từ hai bệnh nhân gần như có gien giống nhau. Các nhà nghiên cứu cho biết điều này khẳng định khả năng virus truyền trực tiếp từ người cha sang con gái rất cao.

Họ cũng cho biết đây là báo cáo đầu tiên có đầy đủ thông tin của bệnh dịch, nghiên cứu virus và bệnh án về virus lạ lây từ người sang người.

Ông Peter Horby thuộc bộ phận nghiên cứu bệnh lý của Đại học Oxford, không trực tiếp tham gia vào báo cáo, nhưng nói rằng nghiên cứu này đẩy cao mức lo ngại về H7N9 và cần tăng cường sự giám sát cẩn thận hơn.

Xem video báo cáo khoa học về trường hợp lây nhiễm virus H7N9 từ người sang người

Th.Long (Theo REUTERS)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc