Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam

Bứt phá trên bảng xếp hạng

20:50 | 06/12/2017

342 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhờ những cải cách mang tính đột phá về ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch về giá, chỉ số tiếp cận điện năng tại Việt Nam năm 2017 đã được Tổ chức Doing Bussiness - Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận tăng đột phá 32 bậc so với năm 2016, vươn lên vị trí 64/190 quốc gia, nền kinh tế.  

Liên tục cải thiện vị trí qua các năm

Theo Khảo sát môi trường kinh doanh (Doing Bussiness 2014) do WB công bố năm 2013, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam xếp gần “cuối bảng”, ở vị trí thứ 156/189 quốc gia, nền kinh tế. Tới năm 2017, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã bứt phá lên vị trí 64/190 quốc gia. Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Trong giai đoạn 2013-2017, tiếp cận điện năng là chỉ số có sự cải thiện tốt nhất trong 10 chỉ số đánh giá của Việt Nam. Phải nhấn mạnh rằng, tiếp cận điện năng là chỉ số duy nhất năm nào cũng tăng bậc trên trường quốc tế. Xét trong bối cảnh các quốc gia khác cũng đẩy mạnh cải cách thì việc chỉ số tiếp cận điện năng liên tiếp cải thiện vị trí là kết quả rất tích cực”.

but pha tren bang xep hang
Đội sửa chữa điện nóng EVNHANOI thao tác trên lưới điện đang mang điện

Nếu so sánh kết quả các yếu tố đánh giá chỉ số năm 2017 của Việt Nam với trung bình các nước ở Châu Á - Thái Bình Dương, ngoài yếu tố về chi phí ở mức cao do ảnh hưởng bởi mức thu nhập bình quân đầu người, số thủ tục để cấp điện là tương đương nhau, yếu tố độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch về giá điện của Việt Nam tốt hơn tới 2,3 điểm; thời gian thực hiện của Việt Nam nhỏ hơn khoảng 1/2 lần so với mức bình quân của các nước thuộc nhóm này (Việt Nam: 46 ngày, Châu Á - Thái Bình Dương: 71,6 ngày).

Xếp hạng tại vị trí 64/190 quốc gia, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam thậm chí đã vượt qua cả một số quốc gia có kinh tế phát triển như: Mexico (vị trí 92/190), Trung Quốc (vị trí 98/190), Canada (vị trí 105), Hungary (vị trí 110), Ukraina (vị trí 128)…

Với kết quả này, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã đạt và vượt so với yêu cầu về thứ hạng 70 tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Tiếp cận điện năng là 1 trong 5 chỉ số được tổ chức Doing Business đánh giá có thay đổi tích cực, giúp cho chỉ số đánh giá chung của nền kinh tế Việt Nam tăng 14 bậc về môi trường kinh doanh so với năm 2016, lên vị trí 64/190 quốc gia.

Hiệu quả từ những đổi mới

Theo bà Nguyễn Minh Thảo: “Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện tốt các cải cách về thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện cấp điện. Đặc biệt, EVN đã triển khai tới tận các cấp điện lực, công ty điện lực những ứng dụng công nghệ để phục vụ khách hàng, tăng sự tiện lợi và hiệu quả. Thực tế cho thấy, tại các địa phương chúng tôi có làm việc như Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh… chính quyền và người dân rất ghi nhận và khen ngợi những nỗ lực của ngành điện”.

Trong thời gian qua, với mục tiêu đem tới những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, EVN đã không ngừng cải cách và đổi mới. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, các đơn vị điện lực của EVN đã áp dụng các công nghệ điều khiển hệ thống điện tự động như SCADA/mini SCADA, trung tâm điều khiển từ xa, thực hiện sửa chữa điện nóng (hotline)… Nhờ đó, độ tin cậy cung ứng điện được nâng cao.

Xếp hạng chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam từ năm 2013-2017: Năm Xếp hạng 2013 156/189 2014 135/189 2015 108/189 2016 96/190 2017 64/190

Bên cạnh đó, ngành điện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp thông tin công khai về thủ tục, giá điện trên các website của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, điện tử hóa các thủ tục, cho phép khách hàng giám sát online tiến độ thực hiện cấp điện trung áp…

Các đơn vị điện lực đã thực hiện tiếp nhận “một cửa” yêu cầu cấp điện trung áp của khách hàng qua Tổng đài điện thoại, website trực tuyến, qua ứng dụng app trên smartphone, qua tin nhắn, zalo… Dịch vụ của EVN cũng đã được triển khai ‘trọn gói”, tới tận nhà phục vụ khách hàng theo yêu cầu.

Ông Nguyễn Quốc Dũng cũng cho biết, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, trong thời gian tới, EVN sẽ tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương để triển khai cung cấp dịch vụ điện với cơ chế “1 cửa liên thông” theo chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện đưa dịch vụ điện ra các trung tâm hành chính công của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; triển khai cung cấp trực tuyến 100%, tạo sự thuận lợi cho khách hàng.

Minh Hạnh

  • el-2024