Khởi nghiệp sáng tạo

Bứt phá bằng công nghệ

22:20 | 22/09/2017

1,305 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa qua, Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Vietnam Startup 4.0”. Tại đây, các chuyên gia, diễn giả đã chia sẻ về nhiều vấn đề đưa doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Nhiều thách thức phải vượt qua

CMCN 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu với mức độ ảnh hưởng, lan tỏa nhanh hơn những gì nhân loại đã từng biết và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản trị doanh nghiệp (DN). Tại hội thảo, CMCN 4.0 được các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ dưới nhiều giác độ.

but pha bang cong nghe
Các diễn giả trao đổi tại hội thảo
but pha bang cong nghe
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Trên quan điểm của một nhà khoa học, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận xét: Bản chất của CMCN 4.0 là công nghệ thông minh hóa, bao gồm các công nghệ lõi: điều khiển tự động hóa, vật liệu tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, số hóa, robotics, kết nối vạn vật, cảm nhận môi trường… Tất cả làm cho hệ thống sản phẩm, dịch vụ của chúng ta ngày càng trở nên thông minh. Trong đó, cốt lõi là công nghệ số với toàn bộ quy trình từ thiết kế đến bảo trì, bảo dưỡng đều được kết nối với nhau từ bên trong. Toàn bộ hệ thống vật chất phía dưới và hệ thống ảo phía trên đều được kết nối với nhau bằng công nghệ số.

Với vị trí là một nhà quản trị, TS Lê Thẩm Dương, chuyên gia kinh tế cho rằng, CMCN 4.0 là việc nối kết các công nghệ lại với nhau bởi kỹ thuật số, công nghệ sinh học, vật lý và xóa nhòa ranh giới của các ngành khoa học. CMCN 4.0 sẽ có tốc độ đột phá rất cao, không ai đoán định được. Chẳng hạn, hiện tại một chiếc máy khâu ở Mỹ có năng suất bằng 17 công nhân ở Việt Nam. Hay trong lĩnh vực y tế, việc khám bệnh, chẩn đoán và điều trị sẽ được thực hiện bởi bác sĩ điện tử. CMCN 4.0 cũng sẽ phá vỡ toàn bộ các ngành công nghiệp và làm thay đổi toàn bộ tư duy con người, đặc biệt là tư duy quản lý, quản trị… Trong 10-15 năm nữa có thể xuất hiện những nghề mà chúng ta không thể gọi tên được.

but pha bang cong nghe
TS Lê Thẩm Dương, chuyên gia kinh tế

Theo các diễn giả, CMCN 4.0 đã tạo nên động lực cất cánh cho rất nhiều DN khởi nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, “CMCN 4.0 cũng sẽ đẩy bất bình đẳng đến tột cùng. Của cải thế giới sẽ dồn về những nước phát triển và những nước từng được mệnh danh là công xưởng của thế giới, bởi lao động giản đơn, giá rẻ sẽ không thể đứng vững khi tất cả được thay thế bằng robot. Cùng với đó, những nguy cơ về bảo mật trở nên nhức nhối, mọi công cụ bảo mật trở nên vô nghĩa” - TS Lê Thẩm Dương nhận xét.

Và, Việt Nam đứng trước 4 thách thức phải vượt qua trong CMCN 4.0:

Một là, trình độ phát triển không đồng đều, do đó rất khó để áp dụng các chiến lược phát triển.

CMCN 4.0 cũng sẽ đẩy bất bình đẳng đến tột cùng. Của cải thế giới sẽ dồn về những nước phát triển. Những nước từng được mệnh danh là công xưởng của thế giới, bởi lao động giản đơn sẽ không thể đứng vững khi tất cả được thay thế bằng robot.

Hai là, về nguồn nhân lực. CMCN 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực trí tuệ cao, trong khi chúng ta chủ yếu là lao động giản đơn.

Ba là, lề lối làm việc sinh ra từ văn minh lúa nước đã ăn sâu vào chúng ta từ trí thức cho đến cán bộ. Vấn đề này không dễ dàng cải thiện trong một sớm một chiều.

Cuối cùng, CMCN 4.0 sẽ triệt tiêu toàn bộ lao động giản đơn, trong khi đây là nguồn lao động chủ yếu của Việt Nam hiện nay.

Những thách thức đặt ra rất lớn, nhưng chúng ta chỉ duy nhất có một con đường là phải bắt nhịp với CMCN 4.0.

Phải khởi nghiệp ngay từ bây giờ

CMCN 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát, là cơ hội quý báu mà Việt Nam cần nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình phát triển đất nước. Muốn vậy, chúng ta phải khởi nghiệp ngay từ bây giờ. Đây cũng chính là nội dung chính bài phát biểu của diễn giả Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tasco, đại biểu Quốc hội khóa XIII.

but pha bang cong nghe
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tasco, đại biểu Quốc hội khóa XIII

Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đặt mục tiêu sớm có 1 triệu DN. Bởi, chỉ có kinh doanh mới khiến cá nhân, gia đình, địa phương trở nên giàu có, từ đó đất nước sẽ trở nên giàu có. Quá trình kinh doanh rất nhiều chông gai, khó khăn, tuy nhiên khi đã có ý tưởng kinh doanh thì chúng ta cần phải thực hiện khẩn trương, làm từ nhỏ đến lớn.

Theo ông Dũng, “kinh doanh chính là đánh đổi kiến thức và kỹ năng để có tiền”. Do đó, muốn khởi nghiệp thành công mọi người cần kiến thức và kỹ năng, thông qua cả việc học trong nhà trường và trải nghiệm thực tế. Đặc biệt, càng trải nghiệm thực tế bao nhiêu thì càng nhiều kiến thức bấy nhiêu. Cùng với đó, yêu cầu khởi nghiệp đặt ra cho mỗi người là phải có đạo đức kinh doanh. Tất cả những người khởi nghiệp thành công đều có những khát khao cháy bỏng, có tầm nhìn và phải biết cho đi. Từ sản phẩm, kiến thức cho tới niềm vui... đều cần được chia sẻ cho cộng đồng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, khởi nghiệp sáng tạo phụ thuộc vào các bạn trẻ, những người dưới 30 tuổi. Đây là những người nhạy cảm với cái mới, ham học hỏi và sẵn sàng nắm bắt kiến thức mới. “Những doanh nghiệp đã thành công sẽ rất khó để mạo hiểm với cái mới”.

Khởi nghiệp sáng tạo phải dựa trên sản phẩm từ nghiên cứu, từ đổi mới sáng tạo. Google bắt nguồn từ công nghệ tìm kiếm phát triển lên, Facebook bắt nguồn từ công nghệ liên kết trên cơ sở dữ liệu lớn (big data), Uber cũng dựa trên cơ sở dữ liệu lớn… Ý tưởng khởi nghiệp phải dựa trên công nghệ hiện đại tương ứng để hỗ trợ.

Làm gì để khởi nghiệp sáng tạo thành công?

Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Hoàng Minh Sơn gợi ý, để khởi nghiệp sáng tạo thành công phải tập trung vào phát triển công nghệ lõi. Khởi nghiệp sáng tạo phải dựa trên sản phẩm từ nghiên cứu, từ đổi mới sáng tạo. Google bắt nguồn từ công nghệ tìm kiếm phát triển lên, Facebook bắt nguồn từ công nghệ liên kết trên cơ sở dữ liệu lớn (big data), Uber cũng dựa trên cơ sở dữ liệu lớn. Ý tưởng phải dựa trên công nghệ hiện đại tương ứng để hỗ trợ. Công nghệ trên thế giới đều có nguồn gốc chính từ các trường đại học. Muốn khởi nghiệp sáng tạo phải gắn kết giữa doanh nhân, các trường đại học và các nhà đầu tư với nhau, tức là phải có nguồn vốn, công nghệ và những người thực hiện.

but pha bang cong nghe
GS.TS Lee Beom Jae, Cựu CEO Samsung, cố vấn Tổng thống Hàn Quốc

Đồng quan điểm, GS.TS Lee Beom Jae, cố vấn Tổng thống Hàn Quốc, Cựu CEO Samsung, chia sẻ: Từng là một nước kém phát triển, để có được thành tựu như ngày nay, Hàn Quốc phải học hỏi rất nhiều từ thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, về công nghệ và công nghệ cao. Ông hy vọng Việt Nam và Hàn Quốc sẽ đồng hành trong CMCN 4.0, đặc biệt là lĩnh vực khoa học và công nghệ, để cùng phát triển thịnh vượng.

“Dù chưa phải là nước số 1, nhưng chúng tôi cũng đã có sự phát triển vượt bậc về công nghệ. Đặc biệt, công nghệ cao là thế mạnh của Hàn Quốc. Và chúng tôi hy vọng trong điều kiện rất thuận lợi hiện nay, Việt Nam sẽ đồng hành cùng chúng tôi. Chúng ta hoàn toàn hy vọng Việt Nam có thể phát triển như Hàn Quốc”, ông Lee Beom Jae nói.

Lấy ví dụ về sự phát triển của nước Nhật từ sau năm 2003 với tư duy “đột phá” và việc Đại hội Đảng XII đưa ra “Ba đột phá chiến lược”, TS Lê Thẩm Dương cho rằng, để tận dụng được những cơ hội từ CMCN 4.0, chúng ta không chỉ sáng tạo đơn thuần mà phải tư duy theo hướng khác biệt, làm những điều người khác không làm được. Đó là sáng tạo của sáng tạo, khác biệt của khác biệt. Tuy nhiên, khác biệt không có nghĩa là dị biệt. Muốn vậy, từ thể chế đến mô hình kinh tế, chúng ta phải nâng cao được nhận thức của tất cả mọi người, bao gồm quá trình đào tạo và đặc biệt là tự đào tạo. Chúng ta phải hành xử theo đúng đòi hỏi của CMCN 4.0, phải xây dựng nền kinh tế tri thức, khai thác tiềm năng con người.

“Mỗi DN muốn khởi nghiệp sáng tạo thành công thì người lãnh đạo phải không ngừng học tập để nâng cao tri thức, phải có chiến lược phát triển, thực thi chiến lược đó với một đội ngũ nhân sự chất lượng cao và tìm được cộng sự cũng như người kế cận. Muốn vậy, các nhà khởi nghiệp phải hiểu mình, hiểu người và hiểu được cuộc CMCN 4.0” - TS Lê Thẩm Dương khẳng định.

but pha bang cong nghe
Toàn cảnh hội thảo

Phó tổng giám đốc Tập đoàn BMW, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu và Bất động sản Bayern (Đức), ông Yamamoto Dinh, lưu ý với những nhà khởi nghiệp rằng, thế giới thay đổi rất nhanh, công nghệ rất nhiều, trong khi đó, tiềm lực công nghệ và vốn của Việt Nam còn hạn chế. Chính vì vậy, mỗi người cần kiên nhẫn, chịu khó nhìn nhận, bình tĩnh xem xét những gì thế giới đang làm là đúng và đi theo, sau đó tạo ra sự đột phá để đưa DN và đất nước đi lên.

Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16-5-2016, của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 đã đặt ra mục tiêu:

Đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30-35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hằng năm, khoảng 30-35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

GS.TS Lee Beom Jae, Cố vấn Tổng thống Hàn Quốc, Cựu CEO Samsung:

“Những năm 60 của thế kỷ trước đất nước Hàn Quốc rất nghèo, thu nhập bình quân chỉ có 70USD/người, nhưng hiện nay đã có sự phát triển vượt bậc, tăng lên 30.000USD/người. Để trở thành quốc gia phát triển vượt bậc, Hàn Quốc đã tập trung phát triển về công nghệ. Lúc đó, Hàn Quốc không có công nghệ, không có gì cả, chúng tôi đã nhìn thẳng vào thực tế để đến Nhật Bản - đất nước hàng đầu về công nghệ - học tập. Người Hàn Quốc đi theo người Nhật Bản để học về công nghệ, nhất là công nghệ cao và ngày nay chúng tôi đã phát triển”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2017, cả nước có 85.357 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 822,1 nghìn tỉ đồng, tăng 16,3% về số DN và tăng 44,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân 1 DN thành lập mới đạt 9,6 tỉ đồng, tăng 24,5%.

Nếu tính cả 1.108,3 nghìn tỉ đồng của gần 24,7 nghìn lượt DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2017 là 1.930,4 nghìn tỉ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 19.154 DN quay trở lại hoạt động, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 8 tháng lên hơn 104,5 nghìn DN.

Ngọc Phương