"Buôn thất nghiệp, lãi quan viên"

07:19 | 26/10/2017

2,846 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một sản phẩm chỉ có giá bán 100-150 đồng mà mỗi năm thu lãi 60-70 tỉ đồng, vậy chẳng đúng như các cụ nhà ta thường nói “buôn thất nghiệp, lãi quan viên” là gì!

Nhìn con số thì có vẻ “ngon ăn” nhưng không phải doanh nghiệp (DN) Việt Nam nào cũng làm được bởi số lượng “khủng” của nó, thí dụ như năm 2016 là 2.564 triệu sản phẩm. Mà nhìn bề ngoài của mỗi sản phẩm ấy cũng không có gì cao siêu, chỉ là những đinh, ốc vít và trục chính xác nhỏ li ti như những hạt gạo chuyên dùng cho các sản phẩm điện tử.

Công ty CP Seoul Metal Việt Nam (SMV) được thành lập đầu năm 2008 với vốn điều lệ 72,7 tỉ đồng, chuyên sản xuất đinh, ốc vít chính xác và các linh kiện điện tử. Đến tháng 6-2017, SMV tăng vốn lên 145,2 tỉ đồng với 109 cổ đông, trong đó 77 cổ đông trong nước và 32 cổ đông nước ngoài. Tại đây, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 75,71% vốn.

Hiện SMV có khoảng 200 máy móc và 200 nhân công, năng lực sản xuất là hơn 2,4 tỉ sản phẩm các loại mỗi năm, gồm đinh, ốc vít siêu nhỏ cung cấp cho sản xuất điện thoại di động, máy in, camera.

Năm 2016, SMV đạt 347 tỉ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế gần 60 tỉ đồng. Năm 2017, công ty dự kiến đạt mức doanh thu thuần 408 tỉ, tăng trưởng 17,6% so với năm 2016; lợi nhuận là 81 tỉ đồng, tăng 24,6%. Đây là mức sinh lời “trong mơ” của nhiều nhà đầu tư với quy mô tổng tài sản chưa đến 360 tỉ đồng của SMV…

buon that nghiep lai quan vien

Hẳn nhiều người còn nhớ cách đây vài năm, Tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện để Việt Nam có thể cung ứng cho Galaxy S4 và Tab. Tuy nhiên, khi hỏi các hiệp hội, DN, kể cả DN điện tử đã có 40-50 năm truyền thống, câu trả lời là: Chưa làm được do không đáp ứng được công nghệ và giá thành.

Nhiều người vẫn thở than rằng, xung quanh việc phát triển nền công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam còn biết bao bài toán nan giải!

Tại cuộc hội thảo về ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2017 diễn ra mới đây ở Hà Nội, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, một trong những vấn đề khó khăn nhất mà DN Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam gặp phải là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Thí dụ, trong khi tỷ lệ này của DN Nhật Bản tại Việt Nam chỉ đạt 34% thì ở Trung Quốc là 68%, Thái Lan là 57% nên DN Nhật Bản vẫn buộc phải nhập khẩu từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc…

Ông nhận xét: “Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho DN Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam. Đồng thời cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam”.

Khi bàn về vấn đề này, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã có lần đặt câu hỏi ngược: “Chúng ta nói nhiều về điểm yếu nhưng vì sao yếu thì lại không nói. Tại Chính phủ làm DN yếu, hay tại DN yếu?”. Và ông cho rằng, cần phải thay đổi trong tư duy phát triển công nghiệp, tầm nhìn phát triển công nghiệp hỗ trợ. Phải rời xa dần cách tiếp cận thuần túy, cổ điển mà phải hiện đại hóa công nghệ. Phải quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Làm công nghiệp hỗ trợ vẫn dựa trên lao động rẻ tiền, thủ công thì 5 năm nữa cũng sẽ phá sản.

Trở lại những con số hấp dẫn của SMV, theo chia sẻ của ông Cha Gyun Young, Tổng giám đốc Seoul Metal Việt Nam, trong năm 2017, công ty dự kiến tổng đầu tư 505.000USD máy móc thiết bị để sản xuất loại đinh, ốc vít cỡ lớn hơn cung ứng cho sản xuất laptop, máy ảnh, ăng-ten, ôtô. Qua đó, mục tiêu doanh thu năm 2018 cho nhóm khách hàng mới gồm Ace Antenna, Daikin, Kyocera, Fuji Bakelite, Hella và một phần từ xuất khẩu là 1,55 triệu USD, với riêng Ace Antenna là 500.000USD.

Thế đấy, thấy họ làm ăn bài bản, tăng trưởng “nhẹ như không” mà thèm. Liệu cách làm của Seoul Metal Việt Nam có là một mô hình đáng học tập cho sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vốn là bài toán hóc búa cả chục năm nay không nhỉ?

TS Võ Trí Thành:

Nói ngược nói xuôi thì trước tiên chúng ta cũng cần xét tới vai trò của FDI, vì sao chúng ta cần thu hút FDI? Chúng ta là một nước nghèo, thiếu vốn. Vì thế, cái quan trọng đầu tiên FDI mang lại đó là vốn, là nguồn lực bổ sung rất quan trọng cho Việt Nam.

Thứ hai là công nghệ, là kỹ năng quản lý. Cùng với dòng vốn, công nghệ và kỹ năng đi cùng với dự án có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế trong nước. Nó tạo ra tăng trưởng, công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển thì cái thắng quan trọng nhất là tính lan tỏa về mặt kỹ năng, lao động, quản lý, công nghệ. Sự lan tỏa ấy là người địa phương, doanh nghiệp địa phương được hưởng lợi cơ bản, lâu dài.

Nguyễn Long Vân