Buôn lậu qua đường hàng không gia tăng

07:08 | 04/05/2015

1,380 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng loạt các vụ buôn lậu, mang hàng cấm qua đường hàng không bị đã cơ quan chức năng phát hiện. Đối tượng phạm tội không chỉ là hành khách mà cả phi công, tiếp viên. Vì sao trong loại hình vận tải có độ an toàn cao và được kiểm soát chặt chẽ nhất, các thủ đoạn gian lận vẫn có đất sống?

Năng lượng Mới số 415

Lóa mắt vì vàng

Thời gian qua, dư luận xôn xao về vụ cơ quan chức năng Hàn Quốc bắt quả tang phi công Nguyễn Văn Dũng và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong mang 6kg vàng được giấu kín dưới giày. Đây là trường hợp đầu tiên nhân viên ngành hàng không Việt Nam bị phát hiện mang vàng trái phép từ Nội Bài ra nước ngoài. Trước đó, những đối tượng bị lực lượng Hải quan sân bay phát hiện có hành vi tương tự đều là những vụ buôn vàng từ nước ngoài vào Việt Nam bởi giá vàng trong nước vốn cao hơn mặt bằng chung của thế giới.

Buôn lậu qua đường hàng không gia tăng

Một số tang vật của tội phạm buôn lậu qua đường hàng không

Ai cũng biết là mức lương của phi công không hề thấp. Với chức danh Cơ trưởng, thu nhập mỗi tháng của Nguyễn Văn Dũng lên đến cả trăm triệu đồng. Không hiểu vì lý do gì, vị Cơ trưởng này lại có hành vi phạm pháp như vậy (?). Không những thế, từ trước đến nay, công tác kiểm soát an ninh hàng không của nước ta luôn nổi tiếng nghiêm ngặt, gắt gao. Đó là lý do giải thích vì sao hàng loạt các vụ buôn lậu qua đường hàng không dù “qua mặt” được cửa soi chiếu của nước bạn nhưng khi về tới Việt Nam vẫn “hiện nguyên hình”. Đương nhiên, với thâm niên công tác trong ngành hàng không, Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Tuấn Phong thừa hiểu điều đó. Thế nhưng hai người này vẫn “nhắm mắt đưa chân” dù biết rằng hành vi đó có thể khiến họ đánh mất cả sự nghiệp.

Buôn lậu qua đường hàng không gia tăng

Lực lượng an ninh sân bay kiểm tra hành lý khách hàng

Trước đó, vào tháng 3-2014, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc từng bị Cảnh sát Nhật Bản tạm giữ để điều tra việc tiêu thụ hàng có nguồn gốc trộm cắp trị giá 125.000 yen. Ngoài ra, một phi công và 4 tiếp viên khác của Vietnam Airlines cũng bị thẩm vấn vì nghi ngờ có liên quan. Đến tháng 8-2014, Cảng vụ Hàng không miền Bắc cũng phát hiện tiếp viên trưởng Nguyễn Thị Thu Hoài vì mang 38 cây thuốc lá từ Hàn Quốc về Việt Nam không khai báo.

Những nhân viên này đều bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh theo quy định, thế nhưng Nguyễn Văn Dũng không lấy đó làm bài học mà tiếp tục đi vào “vết bánh xe đổ” của những người đi trước.

Mỗi một vụ việc được phát giác, đặc biệt là khi có liên quan đến nhân viên của ngành hành không, dư luận lại đặt câu hỏi: Phải chăng công tác an ninh sân bay lỏng lẻo, có sự xin cho đối với người trong nhà nên phi công, tiếp viên mới có thể mang hàng cấm lên máy bay (?).

Tuy nhiên, trả lời Báo Năng lượng Mới, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ miền Bắc đã phủ nhận giả thuyết này. Ông Phương cho biết, theo quy trình kiểm soát an ninh tại Cảng Hàng không, thành viên đội bay được làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa ưu tiên nội bộ và vẫn phải soi chiếu hải quan như với hành khách thông thường.

Cũng theo ông Phương, ngoài các quy định kiểm soát nội bộ, ngành hàng hàng không cũng ban hành quy định cấm thành viên tổ bay mang vali to khi thực hiện nhiệm vụ trên đường bay ngắn và trung bình. Riêng với đường bay dài đi châu Âu, Australia và chuyên cơ có thời gian lưu trú dài ngày, nhân viên mới được phép sử dụng valy to.

Tham thì thâm

Không chỉ nhân viên hàng không phạm pháp mà rất nhiều hành khách đã vướng vào vòng lao lý vì buôn bán hàng lậu, hàng cấm qua đường hàng không.

Gần đây nhất là vụ vận chuyển sản phẩm ngà voi, sừng tê giác bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát hiện trên chuyến may mang số hiệu VN 18 từ Pháp về Hà Nội trưa 16-4. Được biết, đứng tên người nhận là Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu điện. Hay như vụ 3kg ma túy tổng hợp và cocaine bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài phát hiện qua đường chuyển phát nhanh ra nước ngoài. Đây là kiện hàng được vận chuyển từ Hà Nội sang Australia theo đường chuyển phát nhanh hàng không.

Và mới đây, Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài phát hiện hành khách Vũ Sỹ Hải trên chuyến bay từ Quảng Châu (Trung Quốc) về Hà Nội mang theo hàng trăm điện thoại di động nhãn hiệu Nokia, Vertu… không rõ nguồn gốc có giá trị trên 200 triệu đồng.

Không chỉ buôn lậu ma túy, điện thoại… tội phạm buôn lậu còn sử dụng đường hàng không để vận chuyển nhiều loại hàng hóa có giá trị cao khác. Điển hình, cuối tháng 1-2015, Đồn Công an Sân bay Quốc tế Nội Bài phát hiện một vụ vận chuyển gỗ quý qua đường hàng không.

 Vào thời điểm trên, cảnh sát phát hiện tại kho trả hàng nội địa thuộc nhà ga hàng hóa Nội Bài có chiếc xe ôtô tải chở nhiều kiện hàng bọc kín có dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định trên thùng xe đang chở 7 tấm gỗ quý, bên ngoài bọc kín bằng bìa carton. Toàn bộ  số gỗ quý này không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng. Số hàng bị phát hiện là gỗ Trắc - loại thực vật nguy cấp, đặc biệt quý hiếm thuộc nhóm 2A (nhóm hạn chế khai thác, kinh doanh vì mục đích thương mại). Lô hàng có tổng trọng lượng là 452kg, trị giá ước tính khoảng 1 tỉ đồng.

Theo ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ miền Bắc, trách nhiệm chính trong công tác quản lý hàng hóa thuộc về lực lượng hải quan phụ trách sân bay. Tất cả hoạt động về hàng không đều có quy định rõ ràng, ngành hàng không luôn chủ động, phối hợp với lực lượng hải quan kiểm soát hàng hóa thông quan.

“Vấn nạn buôn lậu qua đường hàng không, bất kể là do nhân viên trong ngành hay người ngoài thì đây đều là việc làm đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, giáo dục” - ông Phương nói.

Cũng theo ông, khi xảy ra vụ việc nhân viên hàng không buôn lậu, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính là cơ quan chủ quản của những nhân viên đó mà cụ thể là hãng hàng không có nhân viên vi phạm. Tuy nhiên, với tư cách là cơ quan chủ quản, Cảng vụ Hàng không miền Bắc cũng không tránh khỏi trách nhiệm liên đới trong quá trình kiểm tra, giám sát, cũng như công tác tuyên truyền, giáo dục nhân viên hàng không.

 “Chúng tôi luôn quán triệt đến từng hãng hàng không, nhân viên của mình về ý thức chấp hành quy định hàng không nói riêng và pháp luật nói chung. Hằng tháng, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đều tổ chức các cuộc họp liên tịch với các hãng hàng không và các đơn vị trên địa bàn, ngoài những việc làm hằng ngày, chúng tôi còn quán triệt các quy định về an ninh, an toàn hàng không đến thủ trưởng các cơ quan, đơn vị để phổ biến cho nhân viên của mình” - ông Phương khẳng định.

Theo phân tích của ông Phương, buôn lậu nói chung và buôn lậu qua đường hàng không nói riêng là vấn nạn bắt nguồn từ sự chênh lệch giá giữa các nước trên thế giới hoặc các khu vực trên cùng một lãnh thổ. Chính vì tham lợi nhuận trước mắt cộng với ý thức kém, những kẻ buôn lậu vô tình trở thành “tay sai” của đồng tiền.

Vị Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho rằng, thông tin mà một số cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh về việc tội phạm buôn lậu bị mờ mắt vì nguồn thu nhập “khủng” từ hành vi phạm pháp này là chưa hoàn toàn chính xác. Có thể lấy ví dụ cụ thể từ vụ Cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng và Tiếp viên trưởng Nguyễn Tuấn Phong để thấy rõ điều này. Đây đều là những người có thu nhập cao trong xã hội nhưng vẫn buôn lậu. Nguyên nhân là do ý thức con người. Trách nhiệm vấn đề này thuộc về thủ trưởng đơn vị trong công tác tuyên tuyền, quán triệt nhân viên của mình.

Ông Phương khuyến cáo người dân cũng như nhân viên hàng không cần chấp hành quy định, đảm bảo an ninh an toàn hàng không. Vi phạm của cá nhân không chỉ ảnh hưởng chính bản thân họ mà còn ảnh hưởng tới hãng, ngành và hình ảnh hàng không quốc gia. Người dân đừng vì lời ích trước mắt mà có những hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa an ninh hàng không.

Thiên Minh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc