Bước vào năm học mới: Con trẻ thì mừng, người lớn thì lo

14:27 | 09/09/2011

378 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm học mới 20112012 đã bắt đầu, bên cạnh niềm vui tựu trường của các học sinh cũng là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh trước những khoản "đóng góp" đầu năm học mới, trong đó không ít khoản thu ngoài quy định. Những khoản thu "phát sinh" như thế nhẩm tính ra lại không hề nhỏ.

Ù tai, choáng váng

Mặc dù trong nhiều năm qua vấn đề lạm thu vào mỗi dịp năm học mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các tỉnh thành trong nước tìm cách hạn chế, với những văn bản yêu cầu các trường trên địa bàn thành phố không tăng học phí, nghiêm cấm hiện tượng lạm thu, chấm dứt tình trạng lạm thu trong các cơ sở GD&ĐT… Nhưng thực tế, hiện tượng trên vẫn tái diễn, làm đau đầu nhiều bậc phụ huynh, nhất là những gia đình công chức có đồng lương eo hẹp hoặc gia đình sống bằng nghề lao động tự do.

Thậm chí là số tiền mà các bậc phụ huynh phải đóng lớn hơn đến chục lần so với quy định và đáng chú ý là những khoản thu này luôn được núp bóng dưới các khoản thu “tự nguyện” do ban phụ huynh đề xuất rồi thu và chi tiêu cho các khoản kinh phí lắp đặt trang thiết bị, đồ dùng dạy và học…

Theo một khảo sát nhỏ tại một số trường mầm non công lập trên địa bàn Hà Nội, nhiều bậc phụ huynh gửi con đi học đều cho rằng các khoản thu phát sinh không minh bạch và rõ ràng. Đơn cử như chị Tuyết, cho con mình theo học một trường mầm non tại phường Giảng Võ, Ba Đình cho biết: “Năm trước phát sinh đã nhiều, năm sau phát sinh nhiều hơn. Năm trước mới đóng cho cháu 1.000.000 đồng tiền mua điều hòa, thật lạ các cháu mới vào cũng lại đóng tiền mua điều hòa. Chẳng lẽ, mỗi năm nhà trường lại “thay mới” điều hòa một lần?”.

Đã có nhiều văn bản yêu cầu nghiêm cấm hiện tượng lạm thu đầu năm học

Cho con đi học tại một trường công lập gần nhà, vợ chồng anh Vinh (quận Hoàn Kiếm) vui mừng vì con mình được theo học đúng tuyến. Nhưng vui chưa được bao lâu thì anh chị lại lo sốt vó vì khoản tiền đóng góp mà nhà trường vừa thông báo. Tiền quỹ, tiền nước, tiền vệ sinh, tiền xây dựng, tiền học tiếng Anh… đủ các thứ tiền như “vẽ rắn thêm chân” ập tới. Hai vợ chồng đều là viên chức nhà nước đồng lương có hạn, than thở: “Không ngờ trường công lập lại phát sinh nhiều đến thế, hết quỹ này quỹ nọ… tính mấy khoản lặt vặt đó vợ chồng tôi đóng cho cháu cũng xấp xỉ gần 4 triệu đồng. Thôi thì cố thắt lưng buộc bụng mà nuôi con ăn học”, anh thở dài.

Ngoài các khoản phí phải lo đóng, chuyện đồng phục cũng khiến phụ huynh phải toát mồ hôi. Không còn đơn giản là áo dài hoặc áo trắng, quần sẫm màu như trước, đồng phục học sinh đang trở thành nỗi bức xúc và mệt mỏi của phụ huynh mỗi mùa tựu trường vì những quy định khắt khe, mang “đậm bản sắc” của từng trường. Chưa kể đến chuyện chất lượng của đồng phục, nhiều trường may cho học sinh bằng loại vải kém chất lượng gây cảm giác thô ráp, nóng nực chẳng hề tương xứng với số tiền bỏ ra.

Bên cạnh đó còn hàng chục khoản thu lặt vặt “bên lề” như tiền phù hiệu, sổ liên lạc, bảng con, phí vệ sinh, giấy bọc tập vở, nhãn vở, bộ dụng cụ lắp ghép… cũng đang làm khó nhiều phụ huynh.

Lập quỹ để phục vụ ai?

Tận mắt chứng kiến bảng thông báo các khoản tiền phải đóng thì mới thấu hiểu nỗi lo của phụ huynh, học phí cao đi kèm cùng các khoản phụ thu. Đã vậy, không ít trường còn thu một lần cho cả học kỳ khiến số tiền phải đóng đầu năm học trở thành một khoản tiền quá lớn.

Chị Thu Hà, nhà ở phố Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy kể: Năm nay con tôi vào lớp 1, tôi muốn chọn Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm nhưng tìm hiểu mới biết, số tiền phải nộp cho nhà trường khi nhập học lên tới hơn 17,4 triệu đồng. Số tiền trên bao gồm: học phí: 3 triệu/tháng x 3 tháng; bán trú: 1,2 triệu/tháng x 3 tháng; ôtô đưa đón: 700 ngàn đồng/tháng x 3 tháng; bảo hiểm y tế: 210 ngàn đồng/năm; bảo hiểm học sinh: 50 ngàn đồng; tổ chức hoạt động: 500 ngàn đồng; cơ sở vật chất: 1 triệu đồng… Cũng tương tự, phụ huynh Trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn (Hà Nội) cũng nhận được thông báo về học phí năm học mới của trường là 2,2 triệu đồng/tháng, bán trú 1 triệu đồng/tháng, tiền ôtô đưa đón từ 1,1 triệu đến 1,6 triệu đồng/tháng (đón tại bến hay tại nhà). Ngoài ra, còn phải đóng quỹ đầu tư và phát triển nhà trường 2 triệu đồng/năm, tham quan dã ngoại 300 ngàn đồng/năm, quỹ khuyến học 200 ngàn đồng/năm, quỹ hoạt động Sao – Đội 100 ngàn đồng/năm, chưa kể các khoản thu khác như đồng phục, học năng khiếu… May mắn hơn chị Hà vì không phải cho con học trường bán công lập nhưng số tiền mà chị Trang ở quận Ba Đình phải nộp cho nhà trường cũng lên tới mấy triệu đồng. Chị cho biết: “Đầu năm nhà trường đã thông báo tạm thu hơn 2 triệu đồng cho học sinh bán trú, chưa kể tiền sách vở, cặp, rồi áo quần thể dục, đồng phục… Đó mới là tạm thu thôi, vào năm học sẽ có thêm nhiều khoản tiền lắt nhắt, rồi tiền học thêm, tiền hội phụ huynh để mừng thầy cô vào dịp lễ, tết… cũng rất đau đầu.

"Qua sông ai chẳng lụy đò”

Trên thực tế, hiện tượng lạm thu vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài các khoản thu theo quy định, có rất nhiều khoản thu được đặt ra như tiền mua điều hòa, tiền mua máy chiếu, tiền nước uống, tiền mua cây cảnh, thậm chí có nơi phải đóng cả tiền xây tượng đài. Tất nhiên các khoản này đều gọi là tiền tự nguyện đóng góp hoặc thu theo thỏa thuận.

Trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, với đồng lương ít ỏi của công chức và người lao động thì những khoản thu có giá bạc triệu như trên quả là một cơn ác mộng. Nhiều phụ huynh chua chát thừa nhận: Đành rằng là “tự nguyện” nhưng không đóng cũng không được! Chính vì tâm lý lo ngại khi đề cập đến các khoản thu được xem là “tế nhị” cho nên tình trạng này đã tồn tại từ khá lâu. Về phía phụ huynh, đối với những gia đình khá giả, việc đóng góp thêm không phải là vấn đề lớn. Nhưng đối với những gia đình có mức thu nhập thấp thì các khoản thu “tự nguyện” lên đến tiền triệu lại không phải là chuyện nhỏ.

Hầu hết các nhà trường khôn khéo lựa chọn Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh là những người có kinh tế khá giả, quan chức, doanh nhân để làm những “Mạnh Thường Quân”. Và cũng chính các vị này sẽ mạnh tay hô hào đóng góp các khoản tiền phụ thu. Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, Ban Phụ huynh, giải trình khoản đóng góp tự nguyện rất kỹ lưỡng. Cuối cùng đa số phụ huynh đồng thuận, đóng tiền quỹ đầy đủ, mặc dù trong lòng nhiều người không muốn nhưng là chuyện tế nhị, sợ ảnh hưởng đến việc học tập của con mình.

Và vấn đề lạm thu trong giáo dục cứ thế kéo dài từ năm này qua năm khác mà vẫn không thể giải quyết dứt điểm vì những khoản đóng góp không tên. Chẳng có bậc phụ huynh nào dám đứng ra phản đối bất kỳ khoản thu nào của nhà trường, “qua sông lụy đò” nên đành làm theo tập thể, chỉ có một số ít phụ huynh là mạnh dạn không đồng ý.

Một số nhà trường cho rằng, hiện nay mức học phí và các khoản thu theo quy định của nhà nước đã quá cũ và không theo kịp với thị trường nên nếu chỉ trông chờ vào khoản thu này để hoạt động thì vô cùng khó khăn. Bản thân các trường không thể xoay xở được để phục vụ riêng công tác dạy và học theo chương trình mới, chứ đừng nói gì đến các hoạt động ngoại khóa hay nâng cao khác. Chính vì thế mới phát sinh các khoản thu được gọi là “hợp lý mà chưa hợp pháp” như vậy.

Theo ông Nguyễn Hữu Độ – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, phụ huynh hoàn toàn có quyền từ chối các khoản thu tự nguyện. Việc ngăn ngừa các khoản thu tự nguyện vô lý, sai hướng dẫn chỉ có thể trông chờ vào ý thức của phụ huynh khi quyết định đặt chữ ký đồng ý hay không đồng ý thu phí.

Về các khoản thu hộ (bảo hiểm, quỹ đoàn, đội), Sở GD&ĐT Hà Nội quy định là giáo viên chủ nhiệm không được phép thu hộ, không được gộp các khoản thu hộ vào khoản thu bắt buộc. Các khoản thu theo thỏa thuận phải quy định trên cơ sở thống nhất cao của phụ huynh về mức thu, mục đích và việc sử dụng nguồn phải dân chủ, công khai, minh bạch. Những khoản thu này đều được thực hiện sau khi có các cuộc họp phụ huynh đầu năm, có văn bản thỏa thuận với Ban phụ huynh học sinh các lớp và của trường. Thế nhưng thu bao nhiêu khoản, có hợp lý hay không, mức thu đã thỏa đáng chưa thì lại do mỗi trường tự làm và thỏa thuận với phụ huynh nên cơ quan chức năng gặp khó khăn trong công tác quản lý và giám sát.

Quy định về đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, đã cho phép điều chỉnh mức thu học phí, nhưng trên thực tế tại nhiều tỉnh, học phí vẫn chưa thể tăng do chưa có giải pháp phù hợp. Với mức học phí đã lạc hậu, một sự thật là các trường không thể gồng mình đảm bảo đầy đủ cho hoạt động của học sinh. Cho nên khi còn “lý do” là các khoản thu “tự nguyện” do phụ huynh đóng góp, thì việc ra các văn bản hướng dẫn hằng năm, thậm chí có thanh tra, kiểm tra về các khoản thu đầu năm học, cũng chưa thể hạn chế được tình trạng này.

Hiện tại, một số địa phương đã tiến hành thí điểm hình thức tự chủ thu chi trong các trường công lập, cần sớm được tổng kết, rút kinh nghiệm làm cơ sở cho việc quy hoạch, tổ chức, xây dựng chính sách tài chính đối với trường học. Tuy nhiên, khi chưa có chính sách mới về cơ chế tài chính trong nhà trường, thì nguyên tắc là phải có thỏa thuận rõ ràng giữa phụ huynh với phụ huynh, giữa phụ huynh với nhà trường trên cơ sở minh bạch thu chi thực tế. Các trường không nên thu một lần vào đầu năm học mà có thể thu theo từng tháng để giảm áp lực cho các gia đình khó khăn. Đặc biệt vai trò của Hội phụ huynh cũng cần mạnh dạn “nói không”, bàn tính công khai với những khoản thu chi không hợp lý.

Mạnh Kiên