Công ty Cổ phần Máy - Thiết bị Dầu khí (PVMACHINO):

Bước chuyển cơ bản về chất

13:51 | 01/03/2016

1,343 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, Công ty Cổ phần Máy - Thiết bị Dầu khí (PVMACHINO), đơn vị thành viên của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) là một đơn vị có bề dày lịch sử và truyền thống, góp phần đắc lực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Và nay, PVMACHINO vẫn kế thừa và phát huy truyền thống hào hùng đó.

Song hành cùng đất nước

Có thể nói, những thế hệ gắn bó với công ty từ những buổi sơ khai mới thấm thía được những gian khó của những ngày đầu mới thành lập. Thiếu thốn về cơ sở vật chất, con người, việc làm, vốn, điều kiện sản xuất chưa được cải thiện… Ngược dòng thời gian 60 năm về trước, tiền thân của công ty là Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Máy ra đời vào ngày 3-3-1956 với hệ thống cơ sở vật chất hạn chế, đội ngũ nhân lực của tổng công ty chỉ trên 50 người, hầu hết là các sĩ quan quân đội chuyển ngành.

buo c chuye n co ba n ve cha t
Cán bộ kỹ sư PVMACHINO tại Dự án Cụm khí thấp áp Thái Bình

Sau 4 năm, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III về công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Ngày 3-3-1960, Tổng cục Vật tư đã tiếp tục thành lập Tổng Công ty Thiết bị phụ tùng. Giai đoạn này, hai tổng công ty đều phải đảm bảo nhu cầu cho miền Bắc và cả nước về giao thông vận tải, vừa phục vụ đáp ứng yêu cầu của các ngành, của Nhà nước và chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, vừa đáp ứng nhu cầu quốc phòng trong nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với sứ mệnh cao cả là nhập khẩu các đơn hàng, ký kết hợp đồng với các nước xã hội chủ nghĩa nhằm phục vụ cho toàn bộ nền công nghiệp nước nhà, cả hai tổng công ty đã vượt qua mọi khó khăn, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, từng bước trở thành một doanh nghiệp cung cấp máy móc, thiết bị phụ tùng phục vụ cho các ngành công nghiệp trong nước.

Sau giải phóng miền Nam, hai tổng công ty đều tập trung cố gắng trong mọi hoạt động cung ứng phụ tùng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mới đầu là cử cán bộ vào tiếp quản Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; bắt tay vào phục vụ công tác xuất nhập khẩu, cung ứng phân phối cho các tỉnh phía Nam, tiếp theo là phục vụ các nhu cầu trong nước, đặc biệt là giải quyết các khó khăn do Trung Quốc cắt vận tải đường sắt, toàn bộ hàng hóa phải chuyển sang đường biển nên khối lượng hàng về Hải Phòng tăng lên gấp bội. Cũng trong giai đoạn này, theo quyết định của Bộ Kinh tế đối ngoại, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Máy đã chuyển giao nhiều mặt hàng chuyên ngành cho các bộ, ngành có liên quan dẫn đến kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, song những mặt hàng chủ lực còn chiếm tỷ trọng lớn nên trách nhiệm của tổng công ty vẫn rất nặng nề. Khối lượng hàng nhập khẩu trong 10 năm 1975-1986 đạt trên 2 tỉ rup. Đến năm 1984 đã xuất được 7,3 triệu rup. 1979-1986 liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch xuất khẩu Bộ giao và đạt 30 triệu rup.

Năm 1986, khi đất nước chuyển đổi cơ chế quản lý từ bao cấp sang cơ chế thị trường, có thể nói đây là giai đoạn huy hoàng của hai tổng công ty. Với lợi thế nhiều năm làm ngoại thương, cộng với mạng lưới kinh doanh rộng khắp và đông đảo bạn hàng trong nước, đội ngũ cán bộ năng động đã nhanh chóng bám sát thị trường nên đã dần thích ứng với hoàn cảnh mới, doanh thu và lợi nhuận đạt tương đối cao. Bước sang năm 1991, với đường lối của Đảng “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”, quan hệ thương mại phát triển mở rộng, lúc này hai tổng công ty cùng thuộc Bộ Thương mại và Du lịch cùng kinh doanh mặt hàng máy và phụ tùng trong một thị trường.

Đến năm 1992, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Máy và Tổng Công ty Thiết bị Phụ tùng được sáp nhập thành Tổng Công ty Máy và Phụ tùng (Machinomport). Kể từ đây sức mạnh được nhân đôi, Machinomport được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Tiếp tục kế thừa những kinh nghiệm quý báu qua nhiều thập niên xây dựng và phát triển của Tổng Công ty Máy và Phụ tùng, đến năm 2003, Công ty Máy và Phụ tùng được thành lập lại theo Quyết định số 0713/2003/QĐ-BTM ngày 13-6-2003 của Bộ Thương mại trên cơ sở tổ chức lại văn phòng tổng công ty và các đơn vị trực thuộc tổng công ty.

Năm 2007, thực hiện Quyết định tiếp nhận của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Quyết định chuyển giao của Bộ Công Thương, ngày 20-12-2007, Machinomport được bàn giao nguyên trạng về Tập đoàn và trở thành đơn vị thành viên của PV Power. Tháng 3-2008, công ty tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tập đoàn. Có thể nói, việc gia nhập vào ngôi nhà dầu khí là một dấu mốc quan trọng tác động lớn tới sự phát triển và lớn mạnh của công ty. Sau 6 năm chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần, tuy cũng có những lúc thăng trầm cùng với sự khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động, cắt giảm chi tiêu, giảm biên chế, nợ lương người lao động, có doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, giải thể và phá sản. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, ban lãnh đạo công ty đã đồng lòng quyết tâm thực hiện kế hoạch được giao, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh các năm qua đều có lãi, không có tình trạng nợ lương, ổn định việc làm và đời sống của CBCNV, người lao động yên tâm công tác và gắn bó với đơn vị.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn và tổng công ty, giai đoạn này PVMACHINO đã tham gia vào nhiều dự án, công trình quan trọng trong và ngoài ngành như: Nhà máy Chế tạo ống thép Dầu khí, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Kho chứa LPG Lạnh Thị Vải, Dự án Phân phối khí thấp áp Thái Bình, Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và các dự án khác của Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải… Qua 6 năm cổ phần hóa, tổng doanh thu đạt 6.205 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 199 tỉ đồng, nộp ngân sách đạt 226 tỉ đồng và thu nhập bình quân đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Kế thừa truyền thống

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, PVMACHINO luôn giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm hàng hóa, thiết bị, máy móc phục vụ trong công nghiệp. Với phương châm con người là yếu tố quyết định, công ty đã không ngừng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm thích ứng với nhu cầu phát triển. Một mặt đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất kinh doanh hiệu quả, PVMACHINO còn được biết tới là đơn vị có nhiều đóng góp tích cực vào công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội với nhiều nội dung thiết thực.

Về những mục tiêu, định hướng phát triển trong giai đoạn tới, trước mắt, trong năm 2016 này, công ty sẽ đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, tập trung vào những ngành nghề cốt lõi, chuyển dịch cơ cấu doanh thu từ thương mại thuần túy sang lĩnh vực cung cấp vật tư thiết bị cho các dự án; làm việc với các hãng, nhà sản xuất có uy tín, thương hiệu trong và ngoài nước để đàm phán làm đại lý cung cấp hoặc ủy quyền cung cấp vật tư, thiết bị phụ tùng thay thế cho các nhà máy điện trong và ngoài ngành, đầu tư và khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất sẵn có, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ thu hồi công nợ, quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, chế độ đãi ngộ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động…

Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành, PVMACHINO đã vươn mình, phát triển, hội nhập để trở thành doanh nghiệp có vị trí xứng đáng trong lĩnh vực cung ứng vật tư, máy móc trong và ngoài Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trước những thuận lợi, thời cơ và thách thức trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước, tin tưởng rằng với bề dày truyền thống PVMACHINO tiếp tục tiến bước mạnh mẽ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công Kiên

DMCA.com Protection Status