Bùng phát các dịch cúm ở Trung Quốc

13:13 | 14/02/2014

1,008 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước tình hình dịch cúm gia cầm H7N9 đang hoành hành mạnh ở Trung Quốc, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã cảnh báo, dịch bệnh nguy hiểm này có thể vượt qua ngoài biên giới Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các nước giáp biên giới với Trung Quốc cần áp dụng những biện pháp ứng phó khẩn cấp.

Trong cảnh báo của mình, FAO kêu gọi các nước có chung đường biên giới với Trung Quốc xem xét áp dụng các biện pháp đề phòng khẩn cấp và lập ra các kế hoạch phản ứng nhanh để đối phó với nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H7N9.

Theo tổ chức này, sự lây lan virus H7N9 tại các chợ gia cầm ở tỉnh Quảng Tây đã làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây lan dịch bệnh sang các nước láng giềng của Trung Quốc. Do vậy, đòi hỏi các bên phải nâng cao tinh thần cảnh giác để làm giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra ngoài biên giới Trung Quốc.

Từ dịch cúm H7N9

Tối 12/2, cơ quan y tế Hongkong (Trung Quốc) xác nhận một trường hợp mới nhiễm cúm gia cầm H7N9. Đây là trường hợp nhiễm cúm H7N9 thứ năm được phát hiện ở đặc khu hành chính này. Theo cơ quan y tế Hongkong, trường hợp mới nhiễm nói trên là một bệnh nhân nam 65 tuổi (đã tới tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc từ 24/1đến 9/2 và mua một con gà thịt sẵn tại một ngôi làng gần nơi ông ở), nhập viện hôm 11/2 trong tình trạng nguy kịch sau khi có các triệu chứng ho, sốt. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân phản ứng dương tính với virus H7N9. Các thành viên trong gia đình bệnh nhân này đã được theo dõi và xét nghiệm.

Bác sĩ khám bệnh cho những người bị nghi nhiễm H7N9

Ngày 11/2, Tân Hoa xã đưa tin, có thêm 4 người mắc virus cúm H7N9 (Chiết Giang và Quảng Đông - hai tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch cúm gia gầm H7N9 hiện nay tại Trung Quốc), trong đó có 1 ca tử vong. Các chuyên gia y tế chưa phát hiện bằng chứng về sự lây nhiễm virus cúm từ người sang người trên diện rộng, nhưng cảnh báo, nguồn lây nhiễm nguy hiểm là ở các hộ chăn nuôi và các chợ gia cầm. Giới chức y tế Trung Quốc phát hiện tại các khu vực sinh sống của bệnh nhân nhiễm virus H7N9, khoảng 30%-50% gia cầm nuôi trong hộ gia đình, đặc biệt là gà, được xét nghiệm dương tính với chủng virus này.

Ngày 10/2, Uỷ ban Y tế và Kế hoạch hoá gia đình Trung Quốc cho biết, kể từ đầu năm 2014 đến nay, nước này đã xác nhận 127 trường hợp nhiễm cúm H7N9 ở người, trong đó có 31 ca tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn chưa tìm được bằng chứng cho thấy chủng virus này lây lan trực tiếp từ người sang người. Cùng ngày 10/2, Sở Y tế An Huy thông báo, có một ca tử vong tại huyện Lâm Tuyền của tỉnh này do nhiễm virus cúm gia cầm H7N9.

Ngày 28/1, số ca nhiễm H7N9 đã vượt qua con số 100 tại Trung Quốc. Ngày 27/1, giới chức y tế tỉnh Chiết Giang cho biết, từ đầu năm 2014, chỉ riêng tại tỉnh này, cúm gia cầm H7N9 đã cướp đi sinh mạng của 12 người. Thành phố Thâm Quyến từng cho đóng cửa tất cả các chợ gia cầm sống đến ngày 13/2. Trong khi đó, Bắc Kinh xác nhận ca nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 đầu tiên (24/1) trong năm 2014 ở thành phố này.

Cảnh báo của giới chuyên môn

Cách đây không lâu, tờ China Daily dẫn lời Trưởng đại diện WHO tại Trung Quốc, ông Bernhard Schwartlander cho biết, kể từ tháng 10/2013, chỉ có một nhóm bệnh nhân được phát hiện là có thể virus đã lây từ người sang người, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy chủng virus này lây lan phổ biến ở người. Và điều này chứng tỏ đã có biến thể của H7N9. Ông Bernhard Schwartlander đưa ra nhận định kể trên sau khi bác sĩ Trương Hiểu Đông ở Thượng Hải tử vong vì nhiễm H7N9 (21/1) mà không tiếp xúc với gia cầm sống.

Ông Bernhard Schwartlander cho biết, việc xuất hiện nhóm bệnh nhân nhiễm H7N9 hoàn toàn nằm trong dự đoán do thời tiết lạnh vào mùa đông. Theo ông Hà Kiếm Phong, Giám đốc Trung tâm khống chế dịch bệnh tỉnh Quảng Đông, họ đã phân tích chi tiết các mẫu bệnh phẩm và chưa có căn cứ xác định cúm H7N9 lây nhiễm từ người sang người.

Trung Quốc nỗ lực ngăn chặn virus cúm gia cầm H7N9 lan rộng

Theo người phát ngôn Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc Diêu Hồng Văn, Trung Quốc đã nghiên cứu phát triển thành công chuỗi virus cúm gia cầm H7N9 dùng cho sản xuất vaccine, tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine và thúc đẩy thẩm định đưa vaccine ra thị trường căn cứ theo diễn biến tình hình dịch bệnh. Cũng trong ngày 10/2, Cơ quan Kiểm dịch Trung Quốc xác nhận một bé trai 6 tuổi từ Đặc khu hành chính Hongkong tới thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông đã nhiễm cúm gia cầm H7N9. Đây là trường hợp nhiễm cúm H7N9 đầu tiên ở du khách tới Trung Quốc Đại lục. Trước đó (9/2), Trung tâm Thuốc và Sức khỏe cộng đồng Thượng Hải cho biết, đã phát triển thành công vaccine ngừa chủng virus H7N9 theo công nghệ di truyền và được thử nghiệm trên 30 con chuột.

Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình từng khuyến cáo (30/1), các chợ gia cầm sống nên đóng cửa nếu phát hiện bất cứ trường hợp nào nhiễm H7N9. Dịch cúm H7N9 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc từ tháng 2/2013, dấy lên lo ngại về một loại virus H7N9 biến thể có khả năng lây từ người sang người. Nhưng số trường hợp bị nhiễm và tử vong vì dịch cúm H7N9 giảm mạnh từ cuối tháng 6/2013, nhưng sau đó đã tăng vọt trở lại vào đầu mùa đông và phát triển mạnh cho tới nay. Trong năm 2013, Trung Quốc có 144 người bị nhiễm H7N9, trong đó có 46 trường hợp tử vong.

Đến những dịch cúm khác

Ngày 5/2, các nhà khoa học Trung Quốc đã cảnh báo sau khi loại virus cúm gia cầm mới H10N8 cướp đi sinh mạng của một phụ nữ lớn tuổi hồi tháng 12/2013 và làm một người khác nhiễm bệnh hôm 26/1/2014. Công bố này được đăng trên tạp chí y tế hàng đầu thế giới The Lancet Virus này chỉ được tìm thấy 2 lần vào năm 2007 và 2012. Cảnh báo được đưa ra sau khi phân tích mẫu virus lấy từ một phụ nữ 73 tuổi ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, tử vong hôm 6/12/2013 sau khi bà được chẩn đoán viêm phổi nặng và suy hô hấp.

Người dân đeo khẩu trang phòng chống virus cúm H7N9

Theo số liệu thống kê (từ 13 đến 19/1) tại các bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh, tỷ lệ nhiễm virus cúm A H1N1 tăng. Điều đáng nói là Bắc Kinh cùng lúc có dịch cúm A H1N1, cúm A H3N2 và cúm B, nhưng cúm A H1N1 tăng nhanh nhất.

Ngày 13/1, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, tỉnh Hồ Bắc vừa báo cáo xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại một trại chăn nuôi ở tỉnh này. Chính quyền địa phương đã phong tỏa và khử trùng những khu vực nhiễm bệnh. Tổng cộng 46.800 con gà đã bị tiêu hủy và xử lý an toàn để ngăn chặn dịch lây lan. Trước đó (3/1), Trung Quốc xác nhận dịch cúm H5N1 bùng phát ở tỉnh Quí Châu khi có gần 9.000 con gia cầm chết từ ngày 27/12/2013 và đây là đợt bùng phát dịch cúm gia cầm thứ hai ở quốc giá hơn 1,34 tỷ người trong vòng một tháng qua.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, trong những bức thư ngỏ, Hiệp hội những người chăn nuôi gia cầm quốc gia Trung Quốc và các đối tác tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đã yêu cầu nhà chức trách địa phương “ngừng thông báo về các ca nhiễm virus H7N9 đơn lẻ”.

Trong một tuyên bố phát trên website của Hiệp hội Chăn nuôi quốc gia (NAHA), NAHA cho biết H7N9 đã mang lại thảm họa cho ngành chăn nuôi và thiệt hại do virus này gây ra đã lên tới hơn 100 tỷ NDT. Theo NAHA, năm 2012, ngành chăn nuôi gia cầm đã tạo việc làm cho 70 triệu người, chiếm 1/4 khu vực nông nghiệp của nước này và tạo ra khoảng 689 tỷ NDT.

Tân Hoa xã cho biết (5/2), mấy ngày qua, nhà chức trách tỉnh Quảng Đông đã ngừng chia sẻ thông tin về các trường hợp lây nhiễm với báo chí khi không có yêu cầu. Mặc dù vậy, sự thay đổi về tên gọi đối với virus H7N9 thành bệnh cúm mà NAHA yêu cầu vẫn chưa diễn ra.


Đông Ngàn - Từ Sơn