Bức tâm thư của cô sinh viên nghèo (phần II)

14:52 | 03/10/2012

996 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Sau khi Petrotimes đăng bức tâm thư của cô sinh viên nghèo Nguyễn Thị Thúy thì báo đã nhận được rất nhiều phản hồi cảm thông, sẻ chia những khó khăn, vất vả của Thúy. Petrotimes tiếp tục đăng phần 2 của bức thư này.

…..

Mãi cho đến những ngày học cấp III cháu mới biết, cháu mới ý thức nhận ra mình là một con nhà nghèo. Khi những hoạt động văn nghệ của lớp, cháu không tham gia vì cháu còn dành thời gian giúp đỡ gia đình việc nhà, việc đồng. Khi lớp tổ chức đi tham quan, cháu không đi vì cháu không có tiền.

Ấy lại nhắc đến tiền, dù cháu chưa làm được tiền nhưng cháu cũng thấy đau đầu sau mỗi lần gia đình lục đục, bố mẹ bất hòa vì chuyện tiền bạc, chính vì nghèo trong khi có quá nhiều thứ phải lo toan nên sinh ra chuyện như vậy. Nào có ai muốn! Mẹ cháu vẫn thường bảo, nhà mà "có" thì sẽ khác,kể từ ấy cháu suy nghĩ nhiều hơn trước cuộc sống này. Mười hai năm là học sinh cũng là 12 năm cháu gắn bó với đồng ruộng. Có thể nói ở trường cháu là học sinh, ở nhà cháu là một cô nông dân chân chất. Từ lúc 5 tuổi cháu lon ton chạy ra đồng thả trâu, hôm thì theo ông nội, hôm thì đi với bố. Và thế là học tập và lao động của cháu bắt đầu từ đây.

Mười hai năm học, bao giờ cũng vậy, sáng đi học, thì chiều đi làm và ngược lại. Ngày thơ bé chỉ biết thả trâu, lớp 3 thì học nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, lớp 4 lớp 5 làm quen với việc đi cấy, đi gặt cùng mẹ rồi tự giặt quần áo của bản thân từ ngày đó. Đi cấy mùa hè thì trời nắng chang chang, oi bức, chỉ cúi xuống mặt nước thôi cũng thấy hoa mắt rồi, cháu còn bị mẹ mắng suốt bởi cấy cong queo không thẳng hàng, đi gặt mới đầu cháu bị ngoắc liềm vào tay, tay vẫn còn mờ mờ vết sẹo.

Nguyễn Thị Thúy (trái) và người bạn thời cấp 3.

Ngoài đồng mệt đấy nhưng cháu không muốn về nhà trước vì phải chui vào bếp, nấu cơm bằng bếp rác nó còn nóng hơn ngoài đồng. Đen đủi nhất, có những hôm không biết thời tiết kiểu gì mà trong bếp lại có tổ kiến lửa. Một khi đã đốt lửa nấu cơm lên rồi, thì phải biết đàn kiến bay lần ra như thế nào. Cháu vừa nấu cơm vừa ngọ ngoậy không yên, thi thoảng lại nhói lên vì kiến đốt, cháu khóc mếu máo vì đau, vì nóng, vì không biết làm gì để đuổi kiến đi, không thể bỏ nấu cơm cho bố mẹ được. Chỉ đôi lần thôi mà cháu nhớ mãi!

Cứ thế, cứ thế ngày tháng trôi đi, công việc đồng áng chẳng còn chút xa lạ gì với cháu. Cháu không có nghỉ hè, đó cũng là khi vụ gặt đến và vụ cấy bắt đầu, để rồi, cháu cùng mẹ đi sớm về tối, cũng biết bẻ vai, bẻ bắp than mỏi.

Hết cấp II, việc ngoài đồng cháu đã có thể làm được hết. Thế không có nghĩa là cháu bỏ bê  học hành, cháu vẫn phấn đấu là học sinh giỏi suốt 4 năm cấp II, lớp 9 cháu là thủ khoa của huyện Ba Vì môn Tiếng Anh. Lúc thả trâu không bao giờ cháu quên mang theo sách học, có hôm cháu phòng theo một túi bóng, ngộ nhỡ trời mưa còn cất sách khỏi ướt.

Cháu thi đỗ cấp III trường huyện, được học ở lớp "chọn" của trường, toàn bạn học giỏi, chẳng mấy chốc mà thi đại học thôi. Cháu biết mình phải quan tâm đến việc học nhiều hơn, bởi chỉ có học tập mới hy vọng thoát nghèo, và cháu cũng biết không thể vì học tập mà bỏ bê phần việc của mình ở nhà cũng như ngoài đồng giúp đỡ gia đình được.

Một năm cháu đóng học phí làm mấy lần, có lần cháu mang mấy chục nghìn toàn tiền lẻ do cháu tranh thủ mấy buổi bán rau kiếm được. Cô giáo chỉ nhìn cháu mà cười thôi, đó cũng là những đồng tiền đầu tiên mà cháu tự kiếm được. Vậy nên chưa bao giờ cháu nghĩ tới việc đi học thêm. Bạn bè có rủ đi học thêm, cháu chỉ bảo là không đi được. Cháu cũng muốn đi học thêm lắm nhưng cháu không "dám" xin phép mẹ cha, và dù có hỏi cha mẹ, cháu tin câu trả lời nhận được sẽ là "Điều kiện nhà mình không cho phép đâu con à!".

Ba năm học cấp III, cháu rất lo là mình tụt hậu so với các bạn khác, không ít thì nhiều, bạn nào cũng đi học thêm, có bạn học thêm kín tuần. Còn cháu, ngoài học chính, kín tuần là những buổi ra đồng giúp mẹ, mà công việc đồng ruộng thì nhiều lắm. Kể cả tuần sau cháu thi học sinh giỏi hay tháng sau cháu thi đại học cũng thế mà thôi, việc làm vẫn phải làm.

Cháu hạ quết tâm: không có điều kiện học tập như bạn, nhưng cháu phấn đấu để tự học bằng bạn. Kể từ đó, mỗi khi đi làm cháu mang theo một hành trang tối quan trọng là kiến thức trong đầu mình. Tay chân cháu lao dộng, đầu óc cháu thì hình dung, hệ thống lại kiến thức của các môn học chính gần đây, chẳng bao lâu đó là một thói quen không thể thiếu. Tay cuốc đất nhưng óc cháu đang băn khoăn về bài toán chưa tìm cách giải, khi lom khom cấy từng khóm lúa cháu lại mường tượng lại bài giảng môn văn, miệng cháu lẩm bẩm mây câu thơ của Huy Cận, Nguyễn Bính, Xuân Diệu,...

Cháu chia ra mỗi buổi học một đến hai bài văn, chỗ nào không hiểu mai đến lớp hỏi cô giáo sau. Những lúc giải lao khi trời nắng cháu lại nói tiếng anh một mình, nói bất kỳ cái gì cháu thích. Sau một thời gian, cháu nhắc đi nhắc lại kiến tức trong đầu mình khỏi quên mất. Có lẽ đây là cách học hay nhất, phù hợp nhất mà cháu tìm được cho mình. Bạn bè, thầy cô thậm chí là cha mẹ không một ai biết cách học tập "hữu hiệu" của cháu là như thế. Nhưng có lúc cháu không tránh khỏi "tẩu hỏa nhập ma".

Cách đây không lâu, khi lúa chiêm đang thì con gái, cỏ bờ lan rất nhanh, cháu giúp mẹ đi cắt cỏ bờ lúa, mẹ cháu còn  bận công việc khác, tay cháu cắt cỏ, đầu cháu bao nhiêu kiến thứ lại dội lên, hết toán rồi lại văn, trời thì nắng nóng, mồ hôi đầm đìa, tay thì căt cỏ, đầu óc cháu thấy như điên đảo, xáo trộn tất cả lên, cháu thấy "choáng", nghĩ đến học nhiều quá mà cháu đã cắt vào tay chảu máu, đầu lại đang đau, việc làm chưa hêt. Cháu bèn vứt liềm đấy, ra góc bờ ngồi, vừa khóc vừa lấy áo thấm máu ở tay. Cháu khóc, không hiểu lý do gì mà cháu khóc nữa? Vì tay đau? Vì thương cha mẹ nghèo khổ? Hay vì tủi thân không được ở nhà học như chúng bạn mà đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến học bài mà không chú tâm đến công việc mình đàn làm?.

Tối về nhà dù có mệt đến mấy, người đau ê ẩm cháu vẫn ngồi vào bàn học, học ít học nhiều, kể cả ngủ gục ra bàn đến sáng cũng  được, chưa một ngày nào cháu cho phép mình không học mà lại đi ngủ. Hè lớp 11, mùa vụ ở nhà xong, cháu cùng mẹ đi cấy thuê cho người ở xã bên, vì kiếm được tiền nên cháu hí hửng lắm, nhưng cũng phải công nhận một điều là… mệt. Để mẹ yên tâm cháu gắng mỉm cười và bảo: "Đi cấy có gì mệt đâu ạ. Thế là con có tiền để mua sách vở học cho lớp 12 rồi. Vui quá!". Rồi mặc cháu lại nhăn lại vì mỏi lưng, mỏi chân, nhức đầu vì phải cúi nhiều quá và cũng bởi suy nghĩ về mấy môn học thi.

Mấy buổi cấy thuê giúp cháu cảm nhận được "vị mặn cuộc đời", kiếm tiền không phải dễ, bằng mồ hôi công sức của mình, vì làm thuê nên nếu không vừa ý chủ, rồi bị mắng mỏ, phải biết chịu đựng, hoàn thành phần việc của mình. Suốt lớp 12 cháu vẫn làm và ôn thi theo cách ấy - cách học riêng của cô học sinh nghèo. Cháu tận dụng mọi thời gian mình có để học, trưa không ngủ, tối đi ngủ vẫn nằm mơ thấy những con số, bài toán, câu văn; là những khi vừa nấu cơm vừa đọc sinh, có lần cháu suýt nữa làm cháy bếp vì quá mải đọc một bài văn, may mà bố mẹ cháu không biết. Đi học, cháu không dám ra chơi, cháu muốn tận dụng thời gian ấy để học bù, để đuổi kịp chúng bạn. Suốt 3 năm học hiếm hoi lắm cháu mới ra chơi một lát. Không ít buổi cháu đến lớp với bộ dạng xác xơ, mệt mỏi, cháu ngáp ngủ suốt thôi, thậm chí có hôm cháu không nói với ai một câu nào. Bạn bè càng tiến bộ, cháu phải nổ lực hơn để đạt mục tiêu thi đậu đại học của mình. Cuộc thi học sinh giỏi nào cháu cũng tham gia, lớp 11 đạt giải nhì môn tiếng Anh cấp trường, lớp 12 đạt giải khuyến khích cũng môn này. Với cháu môn tiếng Anh là một niềm say mê lớn, tất cả là cháu tự học. Nếu có điều kiện học tập, cháu nghĩ mình có thể làm nhiều hơn thế! Mỗi năm Tết đến, cháu có vài chục nghìn tiền mừng tuổi, cháu đều để mua sách hết, cháu mua rất nhiều sách ở tiệm sách cũ. Vẫn như cấp II, cháu chỉ có hai áo đồng phục mùa hè, mùa đông thay đổi mặc đi học, với cháu hai cái áo cũng đủ rồi. Cháu luôn dặn lòng, hãy luôn phân biệt giữa những cái mình "muốn" và mình "cần".

Mười hai năm học cháu chỉ được mua hai cặp sách, năm lớp 7 là chiếc cặp trị giá 27.000 đồng sau hơn 4 năm, nó đã quá rách không thể đựng được nữa, cháu cân nhắc rồi xin mẹ tiền mua cặp mới năm lớp 11, tới giờ vẫn còn mới, vẫn sẽ dùng trong những  năm tiếp theo học đại học. Lúc là học sinh tiểu học, mỗi lần mẹ mang về chiếc cặp sách cùng đùm quần áo, cháu cứ ngỡ là mẹ mua, mãi sau này cháu mới biết đó là đồ người ta cho hoặc của anh chị nhà mấy bác để lại. Không sao "cũ người mới ta", may mà ngày đó cháu không biết, khi nhận ra những lần nói dối của mẹ là mẹ sắm, mẹ mua thì cháu không trách mẹ, chỉ thấy thương mẹ nhiều hơn. Lớp 12 với bao bài vở cần phải học, cùng những lo toan, suy nghĩ trước ngưỡng cửa vào đời của cháu. Vẫn không ít những biến cố, lục đục xảy ra trong gia đình, điều cháu quan tâm nhất vẫn là thi đậu đại học. Cháu theo học khối D, ban đầu cháu định thi Học viện An ninh để bố mẹ không mất tiền học phó nhưng thú thực đầu không phải là ngành cháu thích, hai nữa cháu lại bị cận 2.5 độ mất rồi. Cháu say mê tiếng Anh, quyết định thi khoa tiếng Anh của Đại học Ngoại thương Hà Nội - một trong những trường đào tạo bậc nhất Việt Nam.

Cháu có người quen ở Hà Nội, may quá cách Ngoài thương tầm hơn 2 km, ba buổi thi là ba buổi bố đạp xe đưa cháu đến trường, cháu làm bài thi trong tâm lý thoải mái nhất, ngoài cổng trường kia bố cháu đang chờ, còn mẹ cháu ở quê nhà đang ngóng trông ngày cháu đi thi về. Ra khỏi phòng thi, cháu đã tính ngay được điểm của mình, cho tới ngày công bố điểm thi cháu được: 8 - 8.25 - 8.25, tổng là 24,5 điểm cháu không bất ngờ. Kết quả không phải xuất sắc lắm nhưng cháu thấy hài lòng rồi. Tất cả là sự nỗ lực vươn lên của bản thân. Mừng rồi cháu lại thấy lo nhiều hơn. Có lần cháu xin 100.000 đồng đóng học mà ấp úng mãi mới mở mồm xin được, thậm chí có hôm cháu chỉ xin mấy chúc nghìn mà mẹ cháu phải hẹn cháu mấy ngày sang hôm khác. Thế này, khi học đại học mỗi tháng xin tiền triệu thì mẹ cháu đào đâu ra đây? Mẹ cũng phải thừa nhận điều ấy, công việc của bố thất thường mà bố vẫn gọi "buổi đực, buổi cái" ấy làm sao mà đủ lo toan khi hàng trăm thứ tiền phải dùng đến, lo cho hai chị em học hành, rồi lại tiền thuốc thang cho cả bố lẫn mẹ. Vẫn còn một cách lo cho con đi học là vay ngân hàng. Nhưng con đâu học một năm mà là 4 năm. Liệu bố mẹ có yên lòng được không khi món nợ ngày càng thêm đầy? Thương quá! Mẹ cha ơi! Chưa về Hà Nội mà cháu đã tính đi làm thêm này nọ kiếm tiền. Cháu tin rằng dù có vất vả nhưng sẽ không vất vả bằng làm việc ruộng quê nhà, cháu tin mình sẽ làm được.

Khi nhận được giấy báo trúng tuyển, thế có nghĩa là cháu sắp rời xa quê nhà, xa xóm quê yêu dấu, xa gia đình, xa mẹ cha còn bao thương khó của mình, đến với miền đất mới, bắt đầu cuộc sống tự lập, ẩn hiện bao chông gai, thử thách phía trước. Đó mới là điều thú vị nhất của tuổi trẻ. Không bao giờ thôi hết niềm hi vọng tin tưởng ở tương lai của bản thân, của gia đình và của tất cả mọi người!

Từ trước tới giờ cháu nghĩ đến "học bổng", cháu nghĩ chỉ có những người bạn thật giỏi mới giành được, còn nhiều bạn khó khăn hơn cháu, học giỏi hơn cháu nhưng cháu vẫn gửi về chương trình hồ sơ này được cháu viết với những cảm xúc chân thành nhất, xuất phát từ thực tế cuộc sống của cháu. Mới ddaauf cháu chần chừ không muốn viết vì cháu phải hình dung, mường tượng lại tất cả những gì cháu và gia đình cháu đã trải qua để cháu có được thành công đầu đời. Cháu biết ngay, khi nhớ lại cháu lại khóc, tất cả vì tình thương. Có những cái trớ trêu, không may cháu không muốn nhớ đến nữa, cháu nhắc lại trong bài viết này. Không biêt cháu có viêt đúng theo yêu cầu không nữa? Cháu làm hồ sơ này xuất phát từ tình thương cha mẹ. Kết quả có như thế nào, cháu rất mong muốn ban giám khảo cho cháu một lời nhận xét! Cháu xin cảm ơn!             

Nguyễn Thị Thúy (Đại học Ngoại thương)             

DMCA.com Protection Status