Bữa ăn an toàn vẫn còn xa vời!

18:55 | 11/10/2015

760 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luật An toàn thực phẩm của Việt Nam ban hành năm 1992, sau đó được sửa đổi bổ sung vào năm 2001 nêu rõ: “An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người”. “Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm theo luật đã được tất cả các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương thực thi tích cực. Tuy nhiên, mất an toàn thực phẩm vẫn là mối lo thường trực của toàn dân. Hàng chục năm nay cái đích đi tới “những bữa ăn  an toàn và sạch” hầu như còn mờ nhạt.  

Thế nào là vệ sinh an toàn thực phẩm?

Tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn và việc kiểm soát vệ sinh an toàn (VSAT) thực phẩm của cơ quan Nhà nước kém hiệu quả phải chăng có vấn đề về cách tiếp cận?

Hãy xem xét các số liệu về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản để tìm câu trả lời cho câu hỏi nêu trên.

bua an an toan van con xa voi
Thực phẩm được bán tại một siêu thị tại Hà Nội

Theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) năm 2014 thì tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7.836 triệu USD, tăng 16,74% so với năm 2013. Nếu kim ngạch xuất khẩu thủy sản 20 năm trước đây (1995) là 621 triệu USD thì 20 năm sau (2014) con số này đã tăng lên trên 12 lần. Thủy sản Việt Nam đã xuất vào nhiều nước trên thế giới, trong đó chủ yếu là châu Âu, Nhật và Mỹ là các nước có yêu cầu về VSAT rất chặt chẽ. Tuy có một số lô hàng bị trả về do chứa kháng sinh cấm hoặc mức tồn dư kháng sinh hay hóa chất vượt quá mức cho phép, nhưng các công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản nước ta đã kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh và nói chung vẫn đảm bảo được các tiêu chuẩn VSAT rất khắt khe của các nước nhập khẩu. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm vẫn tăng mạnh và đều (kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng bình quân 14,27%/năm tính từ 1995 đến 2014).

Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng mạnh và đều là do chất lượng sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh và đảm bảo các tiêu chuẩn VSAT của người mua (nhà nhập khẩu). Như vậy, người mua là một nhân tố buộc người bán (nhà chế biến và xuất khẩu) phải đảm bảo các tiêu chuẩn VSAT của sản phẩm.

Nhà chế biến và xuất khẩu phải làm gì để sản phẩm của họ đảm bảo được các tiêu chuẩn VSAT của người mua? Chắc chắn họ phải hướng dẫn người nông dân thực hiện nghiêm túc quy trình nuôi an toàn và hiệu quả; họ phải thực hiện chương trình thực hành sản xuất tốt (GMP: Good Manufactury Practic), áp dụng hệ thống “Phân tích mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu” (HACCP: Hazard Analysis Critical Control Point) trong chương trình GMP tại các xí nghiệp sản xuất, chế biến của họ.

Làm thế nào để nhà chế biến và xuất khẩu đánh giá được mức độ an toàn của sản phẩm mà họ làm ra để xuất khẩu? Chắc chắn công ty của họ phải có một hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm bao gồm các chuyên gia và kỹ thuật viên chuyên nghiệp và có phòng lab hiện đại, đảm bảo kết quả đánh giá chất lượng sản phẩm, trong đó có chất lượng về VSAT, nhanh nhậy và chính xác tương đương trình độ quốc tế. Ở đây có thể hình dung được rằng, trong khu vực kinh tế thủy sản, các công ty chế biến và xuất thủy sản là những doanh nghiệp lớn với đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, thiết bị hiện đại và thực hành công nghệ cao, có vai trò gần như quyết định đến sự phát triển của ngành và năng lực xuất khẩu thủy sản của quốc gia.

Thuốc bị cấm vẫn tràn lan

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả vượt quá mức cho phép hàng chục, hàng trăm lần đã được phát hiện. Gần đây, mức độ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc các nhóm có độ độc cao, chậm phân hủy như clor hữu cơ, lân hữu cơ, carbamate... đã giảm nhiều. Tuy nhiên, một số hoạt chất như methomyl, phenthoate, diazinon, dimethoate, isoproarb, fenobucarb, benfuracarb, carbaryl, profenophos, methidation, monocrotophos, cypermethrin, lambda cyhalothrin…  có độ độc khá cao, nên dù mức độ sử dụng giảm vẫn tạo nguy cơ cao trên rau quả.

Dư lượng các chất tương tự hoocmonl thuộc nhóm beta-agonist như salbutamol, clenbuterol… (gọi chung là “bột nạc”) trong thức ăn chăn nuôi, trong thịt lợn và sản phẩm động vật nuôi vẫn tồn tại. Việc cấm sử dụng “bột nạc” trong chăn nuôi đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành từ năm 2002 (Quyết định số 54/2002/BNN, ban hành ngày 20-3-2002) nhưng đến nay không ít cơ sở chăn nuôi vẫn sử dụng cho lợn. Hạ tuần tháng 9 năm nay, các phương tiện thông tin đại chúng lại rộ lên cảnh báo việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi lợn ở một số cơ sở chăn nuôi trong toàn quốc.

Kháng sinh kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi (TACN) dùng tràn lan, kháng sinh trong thịt và sản phẩm chăn nuôi hầu như cứ định lượng là phát hiện thấy một lượng tồn dư vượt quá mức cho phép. Việc sử dụng một số kháng sinh trong TACN  (Furazolidon và các dẫn xuất thuộc nhóm Nitrofuran, Chloramphenicol, Dimetridazole, Metronidazole) cũng đã bị cấm từ năm 2002 theo Quyết định 54 nói trên. Một số kháng sinh khác như: BMD, Bacitracin Zinc, Chlotetracycline, Lincomycin, Oxytetracycline, Salinomycin, Sulfadimethoxin, Ormetoprim, Tylosin phosphate, Virginiamycin và  Bambemycins khi đưa vào TACN cho lợn, gà đã được hướng dẫn về liều lượng sử dụng và thời gian rút thuốc trước khi xuất bán (theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01 - 10: 2009/BNNPTNT). Tuy nhiên, việc thực hiện những quy định này thường không được nhà sản xuất thức ăn công nghiệp và người chăn nuôi tuân thủ một cách nghiêm túc.

Một số kháng sinh cấm sử dụng trong điều trị thú y như Eprofloxacin, Ciprofloxacin, Ofloxacin, Carbodox, Olaquidox… nhưng vẫn được lén lút nhập khẩu vào Việt Nam và sử dụng trái phép.

Việc sử dụng kháng sinh làm chất kích thích tăng trưởng trong TACN (kháng sinh dùng với liều thấp 30-50mg/kg thức ăn và dùng liên tục nhiều ngày) cùng với việc sử dụng kháng sinh bừa bãi để điều trị bệnh trong nhân y và thú y là thủ phạm chính gây kháng kháng sinh (nhờn thuốc). Các nhà y học cho biết, hằng năm có khoảng 25.000 người bị chết vì nhiễm các bệnh do nhờn thuốc (kháng kháng sinh) và chi phí cho các tổn thất vì loại bệnh truyền nhiễm này uớc tính lên tới 1,5 tỉ EUR mỗi năm.

Chính do tác hại của vấn đề kháng kháng sinh mà tất cả các nước trong EU và một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã ngừng sử dụng kháng sinh làm chất kích thích tăng trưởng trong TACN (các nước trong EU ngừng sử dụng từ tháng 1-2006). Tồn dư kháng sinh trong thịt, sữa, trứng... sản xuất trong nước hay nhập khẩu được kiểm soát nghiêm ngặt và ngăn chặn kịp thời.

An toàn cho bữa ăn hằng ngày

Câu hỏi tiếp được đặt ra là: “Tại sao thực phẩm nội địa bao gồm thịt, trứng, sữa, rau quả… không đảm bảo được các tiêu chuẩn VSAT, mặc dù Nhà nước đã có khá nhiều văn bản pháp lý và nhiều bô, ngành từ Trung ương đến địa phương thường xuyên vào cuộc kiểm tra, xử lý?”.

Trả lời cho câu hỏi này, thật có lý để nói rằng, người nông dân trồng rau, quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm không có động lực thị trường để sản xuất những thực phẩm an toàn. Sản phẩm của họ làm ra chưa làm người mua đủ lòng tin để trả giá cao hơn, mặc dù sản phẩm đó được nói là sạch, là an toàn.

Như vậy, để đảm bảo sản phẩm sản xuất ra sạch và an toàn thì người nông dân phải có động lực, sản phẩm của họ làm ra phải được trả giá cao hơn những sản phẩm được cho là không sạch và không an toàn. Tuy nhiên, người mua chỉ có thể bỏ ra một số tiền cao hơn gấp rưỡi hoặc gấp đôi để mua những sản phẩm mà họ tin chắc chắn là sạch và an toàn.

Yếu tố nào tạo lòng tin đó cho người mua? Đó chính là hệ thống kiểm tra, đánh giá VSAT thực phẩm hiện đại, chính xác và nhanh nhậy của Nhà nước hoặc của tư nhân được Nhà nước ủy thác.

Quả thực chúng ta chưa có một hệ thống như thế. Khi có vụ trộn melamine vào sữa (cuối năm 2008 và đầu năm 2009), mỗi mẫu phân tích định lượng hóa chất này trong sữa thường chỉ mất một ngày, nhưng do lượng mẫu yêu cầu phân tích của các cơ sở sản xuất, chế biến sữa quá nhiều trong khi số lượng phòng phân tích có đủ năng lực để định lượng chính xác hàm lượng melamine thì lại quá ít, cho nên phải mất cả 3-4 tuần các cơ sở sản xuất và chế biến sữa mới có kết quả. Trong quá trình chờ đợi kết quả đánh giá dài như vậy, ai dám mua sữa của nhà sản xuất và chế biến. Về vụ trộn “bột nạc” (clenbuterol, salbutamol…) vào TACN (cuối năm 2006, đầu năm 2007), phòng phân tích A trả lời âm tính trong khi phòng phân tích B lại trả lời dương tính. Cuối cùng mẫu TA có nghi vấn trộn chất cấm này phải nhờ phòng phân tích của Singapore đánh giá thì mới có kết luận cuối cùng.

Tóm lại, người nông dân có đủ trách nhiệm và kỹ năng để sản xuất rau quả hay thịt, trứng, sữa… có chất lượng, sạch và an toàn ngay cả ở cấp quốc tế. Tuy nhiên, sản phẩm của họ phải được một hệ thống hiện đại và có uy tín đánh giá, xác nhận chất lượng và độ an toàn của nó. Sự xác nhận này tạo lòng tin cho người tiêu dùng để họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn hơn mua những sản phẩm đó. Điều này là động lực kích thích người nông dân sản xuất ra các nông sản đảm bảo các tiêu chuẩn VSAT theo quy định pháp luật.

Như vậy, cần tổ chức lại hệ thống quản lý và kiểm soát VSAT thực phẩm. Cần có một hệ thống quản lý và kiểm soát VSAT thực phẩm thống nhất toàn quốc (hiện nay Bộ Y tế quản lý thực phẩm chế biến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý sản phẩm tươi sống, Bộ Công Thương quản lý thực phẩm lưu thông trên thị trường). Hệ thống này có vai trò ban hành những văn bản pháp lý về VSAT thực phẩm; tổ chức và xây dựng các phòng phân tích, đánh giá chất lượng và VSAT thực phẩm chính xác, hiệu quả, nhanh nhạy, có uy tín trong khu vực hoặc uy tín quốc tế; hệ thống cũng có vai trò cấp chứng chỉ xác nhận chất lượng và độ an toàn sản phẩm của các cơ sở sản xuất. Các cơ sở sản xuất hay các tổ chức khuyến nông các cấp hướng dẫn nông dân thực hiện đầy đủ quy trình trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo sản phẩm có chất lượng, sạch và an toàn.

Nếu các doanh nghiệp lớn vào cuộc; đầu tư sản xuất rau quả hay chăn nuôi quy mô công nghiệp; đầu tư nhà máy chế biến hay sơ chế sản phẩm hiện đại; trang bị phòng phân tích kiểm soát chất lượng và độ an toàn sản phẩm chính xác, nhanh nhậy, đạt trình độ khu vực hay quốc tế, nông sản được sản xuất, chế biến đúng quy trình VSAT thì xã hội sẽ sớm nhìn thấy cái đích đến của việc đảm bảo VSAT thực phẩm của đất nước.

Nhà nước cần hỗ trợ và thúc ép các doanh nghiệp lớn vào cuộc mạnh mẽ, khẩn trương trước khi rau quả, thịt, trứng, sữa… nhập khẩu, vừa rẻ, vừa an toàn, tràn ngập  thị trường và người tiêu dùng Việt Nam quay lưng lại với nông sản nội địa.

 

Vũ Duy Giảng - Phan Bá Minh

Năng lượng Mới 464