Bù hàng triệu đồng để đổi sang vàng SJC

10:11 | 11/12/2011

435 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những người tìm cách đổi thương hiệu vàng khác sang SJC đang phải bù từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng mỗi lượng.

Nhiều người dân đang phải chịu "lỗ" khá nặng khi đổi từ vàng mang thương hiệu khác sang SJC.

Chị Nguyễn Vân Anh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) đứng ngồi không yên sau khi có thông tin vàng miếng SJC sẽ trở thành vàng mang thương hiệu quốc gia. Lúc vàng sốt giá rồi giảm về 46 triệu đồng một lượng chị đã mua 10 cây Vàng Rồng Thăng Long và hi vọng khi được giá sẽ bán.

“Tôi liên tục theo dõi diễn biến giá Vàng Rồng Thăng Long, mong nó nhích lên một chút để đi bán, hạn chế lỗ nhưng ngày càng thấy giảm nhiều, nhất là sau khi có thông tin SJC sẽ trở thành thương hiệu vàng quốc gia.”

Hôm 6/12, thấy giá vàng giảm tiếp vài trăm nghìn một lượng, chị Vân Anh vội đi bán hết số vàng đang giữ để cắt lỗ và chuyển sang mua vàng SJC. "Lúc bán, giá Vàng Rồng Thăng Long được Bảo Tín Minh Châu mua vào chỉ còn 43,8 triệu đồng một lượng. Mua từ lúc giá 46 triệu đồng, giờ nếu bán đi, tôi bị lỗ gần 2 triệu mỗi lượng. Còn nếu sau đó lại mua đổi vàng SJC tôi phải bù thêm khoảng trên 1 triệu mỗi lượng. Nhưng nếu giữ thì sợ giá còn tiếp tục giảm”.

Ở một số tiệm vàng, các thương hiệu vàng phi SJC còn bị mua với mức giá “bèo” hơn. Sáng ngày 6/12, chị Dương Thu Lan, Giảng Võ, Ba Đình do cần tiền nên phải mang bán 3 chỉ Vàng Rồng Thăng Long. Ra một tiệm vàng gần nhà, chị Lan chỉ được mua với giá 4,35 triệu đồng một chỉ. Chị Lan kể: “Chủ tiệm vàng tỏ vẻ không tha thiết nên ép giá xuống chỉ còn như vậy. Trước đó, tôi đã gọi điện lên Bảo Tín Minh Châu để hỏi thì giá là 4,38 triệu một chỉ. Tuy nhiên, vì bán ít nên đành chấp nhận bán”.

Cũng sợ các thương hiệu vàng phi SJC tiếp tục mất giá nên bác Hồng Nhung (ở Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội )đã mang 5 lượng vàng miếng cùng một số nhẫn trơn thương hiệu Vàng Rồng Thăng Long và AAA đi bán để chuyển sang mua vàng SJC. Bác Nhung cho biết, đây là số vàng các con bác biếu để dành tiết kiệm. “Tuy cũng là kỷ vật của các con tặng nhưng nếu cứ để lâu sợ lúc bán thì rẻ quá, vì thế nên tôi mua để đổi sang giữ vàng SJC cho yên tâm”. Hôm đầu tuần, bác Nhung mang đến một tiệm vàng trên Cầu Giấy và đề nghị đổi vàng SJC thì phải bù thêm 600.000 đồng một lượng. “Ban đầu họ còn bắt bù 700.000 một lượng nhưng sau đó tôi kỳ kèo nên họ rút xuống. Họ còn nói: "Vàng này cháu mua hộ bác rồi phải mang lên tận công ty bán lại chứ lãi lời gì. Giờ khách hàng không ai muốn mua loại này nữa, nên cháu cũng không biết bán cho ai”, bác Nhung cho biết.

Theo tiết lộ của một chủ tiệm vàng ở khu vực Cầu Giấy, nếu khách vào bán các thương hiệu vàng phi SJC thì một số nơi còn ép giá thấp, sau đó bán lại cho các công ty để ăn chênh lệch. Chủ tiệm này cũng cho biết thêm: “Mặt hàng nào bán chạy, thanh khoản tốt thì mới được mua với giá cao. Giờ khách đến mua vàng, từ vàng nhẫn đến vàng miếng đều chỉ tìm thương hiệu SJC thôi. Do đó chả nơi nào dám thu mua vàng khác với giá cao mặc dù ai cũng biết đều là vàng nguyên liệu cả”.

Chiều 8/12, giá Vàng Rồng Thăng Long và AAA lần lượt được mua vào ở mức 44,1 và 43,95 triệu đồng một lượng, trong khi, vàng SJC được bán ra ở mức 45,1 triệu đồng. Do đó nếu mua đổi sang tích trữ vàng SJC thì khách hàng phải bù thêm hàng triệu đồng mỗi lượng.

Ông Vũ Minh Châu – Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết việc thị trường có sự chênh lệch giá giữa các thương hiệu như hiện tại là do tác động của tâm lý người dân. “Người dân chuộng vàng SJC hơn sau thông tin đây sẽ là thương hiệu vàng quốc gia. Nếu các thương hiệu vàng khác bán ngang giá với SJC thì người dân sẽ chỉ chọn SJC thôi. Do đó, chúng tôi muốn hạ giá xuống thấp hơn để kích cầu”.

Về hiện tượng một số tiệm mua vàng phi SJC với giá quá thấp, ông Châu cho rằng: “Người dân cũng không nên quá nóng vội rồi tìm mọi cách để bán các thương hiệu vàng phi SJC. Chính điều này khiến các tiệm vàng tìm cách ép giá.” Theo ông Châu, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện nay vẫn khá cao (khoảng 900 đến 1 triệu đồng mỗi lượng).Vị tổng giám đốc này cho rằng, mức chênh lệch chỉ nên giảm về khoảng 2-3% thì hợp lý hơn.

Theo VNE