BRICS có cứu được Eurozone?

09:51 | 22/09/2011

646 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bối cảnh châu Âu vẫn đang loay hoay tìm lối thoát ra khỏi "thảm họa nợ công", ngày 22/9, nhóm BRICS gồm các cường quốc kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ nhóm họp tại Washington để thảo luận cách thức hỗ trợ cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vượt qua cuộc khủng hoảng. Liệu BRICS có cứu được Eurozone?

BRICS có thể giúp đỡ EU bằng cách tăng số trái phiếu bằng đồng euro trong dự trữ ngoại tệ của mình.

Giúp thế nào?

Giới phân tích nhận định khi khủng hoảng nợ tại châu Âu đang làm rung chuyển các thị trường tài chính, các nước BRICS có thể giúp đỡ EU bằng cách tăng số trái phiếu bằng đồng euro trong dự trữ ngoại tệ của mình.

Theo Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, khả năng nhóm BRICS can thiệp thị trường tài chính châu Âu là rất lớn, vì hiện nay những nước này có tổng dự trữ ngoại hối lên tới hơn 4.000 tỷ USD. Tuy nhiên, bà Christine Lagarde cũng lo ngại BRICS có thể chỉ mua trái phiếu của các nền kinh tế mạnh ở châu Âu như Đức, Pháp hoặc Anh mà không mua "phiếu nợ” của các nước đang gặp khó khăn chồng chất do rủi ro là quá lớn, thêm nữa, chính một số nước BRICS như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ lạm phát tăng cao.

Trong số các nước BRICS, Trung Quốc hiện đang dẫn đầu trong việc mua trái phiếu của những nước gặp khó khăn ở châu Âu. Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Eurozone bắt đầu, Trung Quốc đã mua trái phiếu của Bồ Đào Nha và Hy Lạp (mặc dù giá trị khoản mua không được tiết lộ). Đại diện cấp cao Chính phủ Italia đã gặp gỡ các quan chức Trung Quốc để khuyến khích Bắc Kinh mua trái phiếu của Italia và đầu tư vào các công ty chiến lược. Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư Trung Quốc (CIC), Lou Jiwei, đã dẫn đầu một phái đoàn đến thủ đô Roma để hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Italia Giulio Tremonti về vấn đề này. Trong số 1.900 tỉ euro nợ công của Italia, hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc đã mua bao nhiêu, song một quan chức Italia cho hay Bắc Kinh đang nắm giữ khoảng 4%.

Theo nhật báo kinh tế "Valor Economico” có uy tín ở Brazin, bất kỳ kế hoạch mua trái phiếu nào của châu Âu cũng sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các nền kinh tế giàu có đang gặp khó khăn. Đó là với vị thế kinh tế ngày càng tăng, các nước BRICS đang đóng góp ngày càng nhiều cho sự ổn định kinh tế toàn cầu. Những nước này từ chỗ bị coi là thành viên của thế giới thứ ba nay có vẻ như đang trở thành "cứu tinh” của thế giới "thứ nhất” – tức là các nước phát triển.

Chỉ gần một thập kỷ trước, IMF với những nhà tài trợ lớn nhất là Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp khoản cứu trợ 30 tỉ USD cho Brazil, là khoản cứu trợ lớn nhất hồi đó của thiết chế này. Còn ngày nay, đóng góp của các nền kinh tế mới nổi trong IMF ngày càng lớn hơn. Trong khi đó, những nước đang nhận các khoản vay lớn nhất của IMF gần đây lại là các nước ở thế giới phát triển.

Việc BRICS cứu trợ châu Âu là một kịch bản ít người có thể tưởng tượng ra ở thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vào lúc này, khi trật tự thế giới đang thay đổi. Trong lúc các nền kinh tế châu Âu và Mỹ đang đình đốn, với những khoản nợ lớn, các chương trình khắc khổ và tỷ lệ thất nghiệp cao, thì nhờ kim ngạch xuất khẩu cao, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và nền tảng tài chính nói chung vững chắc nên các nước BRICS ngày càng đóng vai trò là các nước chủ nợ của các nước phát triển. BRICS sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho nhóm PIIGS, gồm Bồ Đào Nha, Ailen, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha, mà nay đang trong tình trạng có thể vỡ nợ sau nhiều năm tăng trưởng dựa vào tín dụng.

Hiệu quả đến đâu?

Theo Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), Sylvie Matelly, các nước BRICS có ba điều lo ngại trước tình hình nợ công ở châu Âu.

Thứ nhất, nguy cơ các ngân hàng vỡ nợ, trong đó ngân hàng lớn nhất châu Âu có thể phá sản, sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường về tài chính và kinh tế.

Thứ hai, nguy cơ châu Âu không trả được nợ sẽ khiến một số tiền lớn của châu Á đã đầu tư vào món nợ công của châu lục này có thể bị mất.

Thứ ba, nguy cơ khủng hoảng nợ công có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế ở châu Âu, trong khi châu Âu (cùng với Mỹ) là một trong hai đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường lớn nhất của các nước BRICS, vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc BRICS cứu trợ châu Âu là một kịch bản ít người có thể tưởng tượng ra ở thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự hỗ trợ của BRICS cũng chỉ giúp châu Âu làm chậm lại quá trình "rối loạn” và tạm thời hạn chế sự biến động của thị trường tài chính ở khu vực này. Bởi vì hỗ trợ từ bên ngoài không thể giải quyết vấn đề cơ bản là sự quản lý lỏng lẻo đối với hệ thống tài chính của khu vực. Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Pravin Gordhan nói cuộc khủng hoảng tài chính tại Eurozone là vấn đề mà bản thân người châu Âu cần tự giải quyết. Các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, chỉ có thể giúp đỡ châu Âu bằng cách cân bằng lại sức tăng trưởng hướng tới nhu cầu nội địa, tạo điều kiện để các nước giàu bán sản phẩm của mình tại các thị trường mới nổi.

Trong khi đó, vị Chủ tịch người Mỹ của Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cho rằng châu Âu không nên hy vọng vào sự cứu trợ từ BRICS. Theo ông, mặc dù các nước BRICS nỗ lực giúp đỡ Eurozone đang trong cơn khủng hoảng, song chính sự sụt giảm niềm tin vào các nước phát triển cũng đang khiến đầu tư và tiêu dùng ở các nước mới nổi bị ảnh hưởng, điều có thể khiến động lực cho đà phục hồi của kinh tế toàn cầu bị suy yếu.

Kiến Văn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc